Người điên rồ và hoang tưởng nhất của âm nhạc Việt Nam. Người luôn mơ tìm được thứ âm nhạc không bao giờ cũ. Một kẻ độc hành...

"Cơn điên" mang tên Nhật thực1

Tôi gặp Ngọc Đại năm 2001 ở nhà vợ chồng họa sĩ Văn Thao (con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao). Ông vừa rã rời sau cuộc ly hôn, sống bạt tử nay đây mai đó. Trong đầu Ngọc Đại lúc đó chỉ ăm ấp và ngột ngạt chuyện âm nhạc. Ông không nghĩ mình đang tra tấn người đối thoại khi lần gặp nào cũng chỉ một chủ đề duy nhất: Nhật thực!

Nhật Thực là tên gọi chính thức một "cơn điên" của Ngọc Đại vào thời điểm đó. Đọc thơ Vi Thùy Linh, một cái mạch nào đó trong đầu Ngọc Đại như bị chạm. Trong ba đêm, 24 ca khúc hoan ca và bi ca của tình yêu được ông viết ra-ông gọi nguyên "chùm" đó là Nhật thực! và ông gặp Trần Thu Hà, đúng lúc cô ở đỉnh tràn trề năng lượng và ngưỡng liều lĩnh. Hà đang chán nhạc pop và những tác phẩm viết kiểu ủy mị dễ nghe nhưng loay hoay chưa tìm được lối đi tiếp cho mình. Nhạc Ngọc Đại vừa là cái van, vừa là cánh cửa mở ra cho Hà một chân trời khác.

Liveshow đầu tiên đời đi hát của Trần Thu Hà là Nhật thực, diễn ra vào tháng 4/2002. Khi xin giấy phép cho album và chương trình, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nhấc lên đặt xuống, như vị nhạc sĩ cục trưởng lúc đó nói lý do: "Vì khó phổ cập, phần lời thì ẩn ức dục tình(?!), âm nhạc thì lạ và điên cuồng quá!".

Nhưng sau Nhật thực 1, thì không còn một ai ngần ngại khi gọi Trần Thu Hà là diva. Cái tên Đỗ Bảo-nhạc sĩ phối khi của chương trình và album, cũng trở thành thương hiệu tin cậy trong giới làm hòa âm phía Bắc (lúc đó, Bảo chưa xuất hiện với tư cách một người viết ca khúc). Đạo diễn trẻ Việt Tú nghiễm nhiên được định danh là người làm sân khấu tiên phong, một hiện tượng khác thường. Âm nhạc Hà Nội hơn 10 năm sau, vẫn chưa có liveshow nào khiến người ta bừng thức như thế.

Năm 2003, Hà sang Mỹ lấy chồng. Ê kíp tan rã nhưng vẫn còn nợ nhà tài trợ (theo hợp đồng chương trình phải diễn đủ ba miền: Nhưng Nhật thực 1 mới chỉ diễn hai đêm ở Hà Nội). Ngọc đại "on tour" tiếp cùng hai ca sĩ mới toe từ Sao mai bước ra: Khánh Linh và Tùng Dương. Thiếu giọng ca của Hà, show ở Sài Gòn và Huế sau đó chỉ là cái bóng mờ nhạt và chắp và của Nhật thực1.

Rồi Ngọc Đại sang Bỉ sống với người vợ thứ 2- Isabelle, là chuyên viên giáo dục của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Isabelle trẻ măng và tuyệt đẹp, nhận lời làm vợ Ngọc Đại trong những ngày ông đang khốn khổ kiếm tấm giấy phép cho Nhật thực 1. Liền trong ba năm, cô sinh cho ông hai đứa con. Ở Bỉ, Ngọc đại đã kịp làm vài dự án âm nhạc với cộng đồng nghệ sĩ underground bản địa, ông sống sung túc vì Isabella rất tháo vát. Vợ đẹp con xinh, nhưng bị "con ma âm nhạc nó ám", Ngọc Đại nằng nặc đòi về Việt Nam, vì "không ở trên đất Việt, có một mạch gì đó trong tôi bị đứt gãy..."

Năm 2006, Ngọc Đại ở nhà thuê tại ngõ phố Đào Tấn. Chỗ nằm là cái ổ be bé, tất cả diện tích được trưng dụng để bày đống đồ làm nhạc của ông. Phòng trọ nhỏ trở thành tụ điểm và studio của nhóm Đại-Lâm-Linh. Nhạc của Đại-Lâm-Linh lấy gốc là những bài hát Nhật Thực, nhưng mọi vẻ đẹp của ca từ và giai điệu đã bị phá cho tan nát. Chỉ còn hư từ, ảo giác, những đổ vỡ-một không gian âm nhạc phi cấu trúc, u ám và hỗn ngang.

Công chúng thí không nghe được thí âm nhạc chỉ còn những thất thanh, rên rỉ và ú ớ ấy. Dân trong nghề nhiều người khó chịu, bảo Ngọc Đại làm trò, quậy kiểu điên điên để được chú ý.  Đương nhiên ông không quan tâm đến những lời đàm tiếu, vẫn tiếp tục âm thầm làm thứ âm nhạc bị gọi là "điên loạn". Có dịp hiếm hoi, ông nói: "Muốn phá trước hết phải hiểu biết về nền móng, phải qua một quá trình nhận biết. Nhật Thực nghe lại sau 10 năm tự tôi thấy cũ quá, phải dỡ nó ra để xây cái mới"!

40 năm vẫn đương đại

Bảng xếp hạng Bài hát yêu thích của liveshow gần cuối năm 2012, lọt vào Giọng mưa đàn bà-bài hát Ngọc Đại viết từ năm 1978. Việt Tú , tổng đạo diễn của Bài hát yêu thích nói: "Hơn 30 năm sau mà nghe nhạc ông Đại vẫn quá mới! Những nghệ sĩ đang vỗ ngực là mình đương đại, xách dép chạy theo không kịp". Tính thẳng thắn, Ngọc Đại chẳng ngại ngần chỉ ra "công thức" của nhiều bậc đa đề làng nhạc: "Cứ lấy tí tiền chiến, đắp thêm chút lãng mạn cổ điển, lắm vào tiết tấu phương Tây...Cái cách kế thừa ấy khiến âm nhạc của chúng ta chắp vá như tấm váy đụp!".

Giới nghề nghiệp vẫn còn nhớ, ngay những  năm sau giải phóng, Ngọc Đại là một trong những người tiên phong phát triển thể loại nhạc nhẹ (cùng Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường). Nhưng ngay cả với những người "cùng chiếu" ấy, thì tư duy cách tân của Ngọc Đại vẫn là đi quá xa và quá sớm. Ngọc Đại kiến tạo một thế giới âm nhạc với cấu trúc trái thông thường, mạch cảm xúc đa chiều, giàu tính tượng hình và vùng vô thức rất mạnh.

Không ngạc nhiên khi ngoài một đoạn đường chung ngắn ngủi với Trần Thu Hà, Thanh Lâm và Linh Dung- chẳng ca sĩ nào dám từ chối đám đông để đi cùng ông trong âm nhạc. Còn tự ông thì có một câu tuyên bố ngạo ngược khiến nhiều người tức tai: 40 năm nữa không ai mới hơn tôi!

Cho nên, Ngọc Đại luôn độc hành. Người đi trước biết phận mình là lạc bẫy, ông chấp nhận điều đó, nhưng không khỏi có lúc buồn- "người ta nghe nhạc tôi muộn quá!" . Ai đó khen nhạc Ngọc Đại lạ, ông thường cẩn thận chữa lại: "Tôi mới", và giải thích thêm: "trong mới có kế có nối, có vin từ gốc gác nhưng quan trọng là nhà phải mô-đec, phải đi trước...".

Yêu đến đau đớn hồn cốt của dân ca và nhạc cổ truyền, Ngọc Đại luôn tự hào mình có trầm tích văn hóa "đặc sệt Việt Nam". Cụ thân sinh là chủ một gánh chèo, từ lúc bé xíu Ngọc Đại đã ra xé vé, vào gảy đàn kim. Lang thang cả tuổi thơ đi theo gánh hát, làm điệu và biến báo nhịp phách của chèo, tuồng, cải lương, xoan, xẩm....đã ngấm vào Ngọc Đại tự nhiên như hơi thở. Ông nói về điều này như một ân huệ: "Tất cả gia tài âm nhạc của tôi đều ở cổ truyền mà ra".

Không bận tâm chuyện mình bị từ chối

Một ngày đông 2012 tôi đi tìm gặp Ngọc Đại, ông đang ở nhờ trong một khu vườn rộng khuất vắng trên mạn Hồ Tây. Cuộc sống của ông có vẻ tối giản (theo nghĩa vật chất tầm thường nhất của từ này). 66 tuổi ông già nhanh và có phần hốc hác. Thỉnh thoảng bạn bè hay con cái của người vợ cả qua thăm, chô ông chút tiền. Ông tiêu vèo trong một-hai ngày rồi lại ăn đong. Dành dụng cho ngày mai không phải tính Ngọc Đại.

Suốt cả thời trai trẻ tới giờ, ông vẫn là kể lúc trong túc không một xu, lúc có thể đổ ra cả bị tiền đãi bạn bè. Giờ thì Ngọc Đại tự đi chợ nấu ăn ở cái bếp nhỏ chung với bảo vệ khu vườn, nhiều tuần chỉ gạo lức muối mè qua bữa, ốm đau nằm bẹp một góc không ai biết, âm thầm làm việc thậm chí có chết ở cái xó vườn rộng lớn này cũng không ai biết.

Câu chuyện mà Ngọc Đại kể trong hơi thuốc lào rất dài, làm người đối diện cay cay sống mũi: "Cuộc sống bị dồn đẩy đến cô độc là điều kiện tốt của kẻ sáng tạo", ông nói. Nhưng tôi cho là ông đang cố dùng phép thắng lợi tinh thần, chứ nhu cầu được đối đáp và giao tiếp về âm nhạc của ông vẫn còn tha thiết lắm. Chẳng thế mà ông lại dồng "mẻ tiền phòng thân" mới nhất các con gửi để sửa căn nhà sàn ọp ệp ông đang trú tạm, với mong ước lạc quan và thơ ngây thế này.: mơi đây sẽ là một sân khấu nhỏ ấm áp, để người ta có thể đến nghe nhạc Ngọc Đại, như một tụ điểm nghệ thuật độc lập!

Nhưng, liệu có ai chịu khó lên mạn hồ Tây xa tít để nghe nhạc dưới căn nhà sàn này? Khi mà ông đã cất công mang âm nhạc của mình ra nhà hát, chủ động hòa giải với đám đông bằng gửi bài cho VTV như một thí sinh mới toe trong Bài hát Việt-để nhận lại sự thờ ơ, thậm chí cả những lời nhục mạ từ đán fan đông nghịt của  thứ nhạc pop thời trang? Kẻ độc hành lại quay về thái độ độc đoán khó chịu: "Không chấp nhận Ngọc Đại là việc của mọi người. Kể sáng tạo không bận tâm chuyện mình bị từ chối".

Trong câu chuyện  kéo dài cả buổi chiều, tôi thấy ông vẫn diên điên tỉnh tỉnh, dại dại khôn khôn, lãng mạn và hoang đường- hệt như 12 năm trước, nhưng có thêm phần gì đóc rất đỗi chua chát. Ừ thì ông nói vẫn tự biết phận mình, nhưng gia tài hơn 500 tác phẩm nhạc còn để đó, chưa biết lúc nào và chưa biết ai sữ đụng đến ngày ông bỏ gia đình ở châu Âu để về nước, Isabella có "cấp vốn" cho ông 60.000 euro, Ngọc Đại đã nướng sạch vào âm nhạc.

Tiền nhẵn túi, dự án Đại-Lâm-Linh vãn dang dở, thậm chí gần như châm dứt-vì không còn tiền và không có cửa ra để đi tiếp. Giờ thì ca sĩ không có, mà vẫn phải viết ra, nên Ngọc Đại chỉ còn cách tự hát rồi thu CD!. trước sự kiêu hãnh của ông, tôi thấy xấu hổ về cảm giác ngậm ngùi của mình. Ngọc Đại đâu cần thương hại, ông đã chọn cách không thỏa hiệp. Nhưng cực đoan đến thế, đâu chỉ thiệt thòi mình ông, mà còn thiệt thòi cho cả gia tài (đáng lẽ có) của nền âm nhạc...

Theo Phụ nữ