Bộ sưu tập đèn sớm nhất trong lịch sử của Việt Nam thuộc về Văn hóa Đông Sơn được chế tác chủ yếu bằng đồng có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ VII TCN đến thế kỷ thứ IV SCN.
Cây đèn hình người quỳ (cây đèn quý hiếm và là một trong 11 bảo vật quốc gia Việt Nam) làm bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay 2500 – 2000 năm.
Chân đèn hình người, làm bằng đồng thuộc đèn văn hóa Óc Eo thế kỷ IV – VI được tìm thấy ở Rạch Giá, Kiên Giang.
Chiếm ưu thế về số lượng trong trưng bày “Đèn cổ Việt Nam” là bộ sưu tập đèn thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 20, gồm các giai đoạn: Từ thời Lý, Trần (thế kỷ 11-14), đến thời Lê sơ - Mạc (thế kỷ 15-16), thời Lê trung hưng (thế kỷ 17-18), thời Nguyễn (thế kỷ 19-20). Các loại đèn được chế tác trong thời kỳ này cho thấy sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, bằng nhiều chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ…
Đặc biệt, từ cuối thời Trần về sau, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, vừa phong phú về kiểu dáng, vừa đa dạng về hoa văn trang trí, được chế tác qua nhiều công đoạn, bằng nhiều kỹ thuật phức tạp và tỉ mỉ khiến cho chúng không còn là một vật dụng thông thường mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Đáng chú ý, nhiều chiếc chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán… có ghi, khắc minh văn về niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng. Những chiếc chân đèn này không những góp phần xác lập một hệ thống tiêu chí chuẩn để phân loại, giám định cổ vật mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội khác.
Chân đèn gốm hoa lam thời Mạc, niên hiệu Diên Thành 3 (1580)
Tượng Phỗng dâng đèn, được làm bằng đồng, thuộc thời Lê trung hưng thế kỷ 17 – 18
Chân đèn hình Nghê làm bằng gốm men trắng thuộc thời Lê trung hưng thế kỷ 17 – 18
Chân đền hình tòa cửu long được làm bằng sắt, thời Nguyễn thế kỷ 19 – 20.
Chân nến trúc hóa Long làm bằng gốm men rạn thời Nguyễn, thế kỷ 19.
Chùm ảnh những chiếc đèn độc nhất vô nhị đang được trưng bày tại BTLSQG
Hoàng Nguyễn