Du khách bị móc túi khi xin lộc đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), còn trẩy hội chùa Hương (Hà Nội) thì người đông như nêm cối và bị “chặt chém”... Mỗi năm một lần, những mặt xấu của lễ hội trở lại nhức nhối như một thứ bệnh cũ tái phát. Đến các chuyên gia khi được đề nghị nêu ý kiến phản biện cũng lắc đầu: nói mãi nhưng chuyện vẫn thế thôi!

Hàng ngàn người dân đi hội Chợ Viềng, Nam Định - Ảnh: Lam Khê

“Tôi từ tận TP.HCM đến đền Bà Chúa Kho xin lộc đầu năm nhưng lộc đâu chưa thấy, thoát khỏi biển người thì ví lẫn điện thoại đều không còn. Không phải tôi bị móc túi mà đúng hơn là tôi bị cướp ngay giữa ban ngày mà không làm gì được” - một du khách bức xúc chia sẻ.

Để đến được sân đền Bà Chúa Kho, vị khách này phải đi ôtô từ Hà Nội, xuống xe cách đền 5km vì tắc đường, chưa kể là thoát khỏi mạng lưới những người bán hàng chèo kéo mua đồ lễ. Đây không phải là cảnh hiếm ở đền Bà Chúa Kho mấy năm nay. Chuyện các đạo chích, dân nghiện ma túy đến “xin” lộc của khách hành hương được rất nhiều người cảnh báo. Với mỗi trường hợp trình báo của du khách, từ ban quản lý đến lực lượng công an đều có chung câu trả lời: chờ điều tra làm rõ.

"Sạn lễ hội vẫn còn nhiều như rải tiền lẻ, nhét tiền vào lư hương, tượng Phật... Nhưng để thay đổi tình trạng này chắc phải cần đến một cuộc cách mạng về ý thức người dân"

Ông VŨ XUÂN THÀNH, Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL

Ai đi chùa Hương sáng mồng 6 cũng thêm một lần chứng kiến sự thất hứa của cơ quan quản lý di tích. Trước tết, ông Nguyễn Chí Thanh - trưởng Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn - đã khẳng định sẽ tăng cường hệ thống cứu hộ, áo phao cho khách đi thuyền, thịt tươi sống sẽ được để trong tủ kính để giữ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhưng chùa Hương chưa kịp khai hội thì du khách đã chen chúc trên những chiếc đò đơn sơ dẫn đến quá tải, chỉ cần đò chao mạnh nước đã ngập vào khoang. Cũng không ai nghĩ đến việc phải mặc áo phao cho an toàn vì lý do hết sức đơn giản: mấy năm nay chẳng có vụ tai nạn nào. Phía cáp treo lên động Hương Tích, loa vẫn nói ra rả cấm khách mua vé của “cò”, nhưng bên dưới “cò” vẫn hoạt động, chỉ không thấy bóng cơ quan chức năng đâu.

Cũng hiếm khi thấy người đi chơi hội có ý thức khi đến chốn trang nghiêm. Áo mưa tiện lợi mặc một lần rồi vứt la liệt, rác xả từ sân chùa ra đến tận đường. Để cầu may, người cố ném tiền vào hậu cung, người cố nhét tiền vào miệng sư tử để trước cửa chùa. Khe đá trong động, giếng Giải Oan cũng ngập tràn tiền lẻ. Chưa kể tình trạng tiền rơi xuống, người sau xô người trước giẫm đạp lên cả tiền. Năm nay, nhiều người còn mang cả gạo, muối đến tận cổng chùa rải để cầu may (?!). Từ lư hương, sư tử, con nghê đến voi đá trong chùa nếu không cõng tiền cũng lấm lem vì kiểu cầu lộc, cầu may của du khách.

Lễ hội đầu năm có lẽ là dịp để mọi ngành nghề trăm hoa đua nở: hàng ăn, trông xe, bán đồ lễ, đồ lưu niệm đến cả cờ bạc. Chợ Viềng (Nam Định) mở suốt từ chiều mồng 7 đến sáng mồng 8 năm nào cũng đủ trò từ bầu cua, tung vòng đến “chiếc nón kỳ diệu” với mức thưởng được hứa hẹn gấp 10-20 lần.

Cảnh này cũng diễn ra khá phổ biến ở các cổng đền, chùa, miếu, phủ mỗi dịp đầu năm. Tại chùa Hương hay Yên Tử, các “cò” tận dụng triệt để cơ hội làm ăn. “Cò” vé cáp treo, “cò” vé tham quan bám khách du lịch dai dẳng. Chưa kể, các tour du lịch lễ hội được tổ chức cho du khách nước ngoài cũng mặc sức nở ra vô tội vạ theo kiểu thu tiền và sống chết mặc bay.

Tuy nhiên, theo thống kê của thanh tra Bộ VH-TT&DL, từ đầu năm đến nay chưa xử phạt vi phạm nào. Từ đầu mùa lễ hội, các đoàn thanh tra đã đi kiểm tra tình hình lễ hội tại các tỉnh phía Bắc. “Chủ trương của bộ là không bỏ qua một lễ hội trọng điểm nào, thanh tra đã có mặt tại Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định...

Theo đánh giá của chúng tôi, lễ hội năm nay có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức của chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội. Dĩ nhiên, sạn lễ hội vẫn còn nhiều như rải tiền lẻ, nhét tiền vào lư hương, tượng Phật... Nhưng để thay đổi tình trạng này chắc phải cần đến một cuộc cách mạng về ý thức người dân” - ông Vũ Xuân Thành , Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, nói.

Theo Tuổi Trẻ