- Tại sao phim xuất sắc nhất lại là “Argo”? Có phải vì nó chạm tới nỗi sợ hãi sâu thẳm trong tâm thức mỗi người Mỹ đối với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan?  
 

Vào một buổi chiều đông nghẹt người ở khu chợ trời thành phố Tehran (Iran), người ta nhìn thấy 7 người da trắng và một người địa phương hướng dẫn trong bộ dạng của một đoàn làm phim đang rẽ đám đông để tìm lối đi, khảo sát bối cảnh cho bộ phim sắp quay.

 
Một cảnh trong “Argo”, bộ phim đoạt 3 giải Oscar, trong đó có giải cho Phim xuất sắc nhất.

Bất chợt một người đàn ông nắm lấy tay người phụ nữ da trắng trong đoàn và lên giọng cáu gắt ông không cho phép cô chụp hình cửa tiệm của ông. Lời qua tiếng lại, đám đông bắt đầu vây lại, bỗng ai đó la lên cáo buộc những người da trắng là người Mỹ, nhanh chóng được xung quanh hưởng ứng. Nhóm người da trắng trong lúc đường tháo chạy khỏi đám đông liên tục lớn tiếng rằng họ là người Canada.

Hình ảnh trên là một cắt nhỏ trong chuỗi diễn biến đầy hồi hộp mà bộ phim vừa đoạt 3 giải Oscar “Argo” dàn dựng dựa trên một sự kiện có thật, liên quan đến cuộc khủng hoảng con tin giữa Mỹ và Iran năm 1979.

Cơn lũ hàng ngàn người biểu tình trong thành phố Tehran đang đổ về tòa nhà đại sứ quán Mỹ. Đó là phản ứng tự nhiên nhằm trút giận dữ lên đất nước đã bị quần chúng kết tội là thủ phạm thao túng chính trị và bóc lột tài nguyên quốc gia của họ.

Trước khi người biểu tình tràn vào đại sứ quán và bắt giữ 52 người làm con tin, 6 nhân viên tòa sứ quán đã kịp trốn thoát sang nhà đại sứ Canada. Tony Mendez (Ben Affleck), một điệp viên của CIA cơ quan tình báo Mỹ có nhiều kinh nghiệm giải cứu con tin, được triệu tập để lập kế hoạch giúp đỡ 6 người đã đào thoát, mà tính mạng của họ đang bị treo từng giờ.

Những khung hình đặc tả nối tiếp theo nhịp nhanh, đẩy bộ phim đi trong không khí đầy căng thẳng, cộng hưởng với những tình tiết giật gân. Tất cả mang lại sức mạnh giúp bộ phim lôi kéo cả trí óc lẫn cảm xúc của người xem thoát ly vào một câu chuyện, mà khi kết thúc người ta đâm ra hoài nghi và lẫn lộn giữa sự thật lịch sử và những chuyện thêm thắt. Chẳng thế mà Nhà nước Iran đang chỉ đạo ngành điện ảnh do họ kiểm soát làm một bộ phim khác “đính chính” lại những gì đã “thực sự” xảy ra.

 

Tài tử Ben Affleck vừa đóng chính vừa làm đạo diễn và đồng sản xuất bộ phim.

Việc Oscar đưa một phim gây tranh cãi về tính chân thật lịch sử lên bục giải cao nhất, quả thật là điều ít khi xảy ra. Hẳn là lúc bỏ phiếu cho phim này, gần 6000 thành viên của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ không bận tâm lắm đến chuyện lý luận: điện ảnh liệu có nhất thiết phải trung thành với lịch sử, hay nó chỉ sử dụng lịch sử như một chất liệu cho những câu chuyện mang tính nhân văn, vượt qua chiều kích của không gian và thời gian.

Đáng tiếc là “Argo”, trong nỗ lực đi tìm tính giật gân hấp dẫn, đã bỏ qua góc nhìn có chiều sâu nhân văn đối với một sự kiện lịch sử. Bộ phim dàn dựng một cuộc đối đầu mà chính nghĩa của hai bên chiến tuyến là rất mơ hồ. Tuy nhiên, nhiệm vụ giải cứu vẫn cứ khiến tình cảm của người xem bị lôi kéo theo hướng: quần chúng cách mạng – thủ phạm, vai phản diện và con tin bị đe dọa, truy lùng – nạn nhân, vai chính diện.

Nhưng nếu bỏ qua cách đặt vấn đề mà hướng trả lời phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn chính trị, bộ phim do Ben Affleck đạo diễn hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh. Bởi cách mà nó khắc họa được nỗi sợ hãi của người Mỹ trong thế giới thù địch của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, lấy khủng bố làm phương pháp hành động.

Thế nên, dễ hiểu vì sao “Argo” là một phim được hàng ngàn người Bắc Mỹ ưa chuộng khi chi tới hơn 129 triệu USD tiền vé để vào xem nó, trong khi doanh thu ở toàn bộ thị trường nước ngoài của phim này chỉ đạt hơn một nửa so con số ở nội địa.

Và như vậy, Oscar năm nay là một sự nhắc nhớ cho phần còn lại của thế giới thích thú hướng về vẻ hào nhoáng của Hollywood rằng: bên cạnh những nỗ lực gần hơn với thế giới bằng những câu chuyện đa văn hóa và mang tính nhân văn phổ quát, Hollywood vẫn còn chút gì thuộc về người Mỹ và phản ánh tâm trạng của họ.

Minh Chánh