Tình trạng ca khúc bị hát sai lời ngày càng phổ biến, không chỉ ở ca sĩ trẻ mà kể cả ca sĩ gạo cội. Nạn hát sai lời đã gây ra hệ lụy là hết ca sĩ này đến ca sĩ khác hát sai và hết thế hệ người nghe này đến thế hệ người nghe khác hiểu sai khiến cái hay, cái đẹp của lời ca bị biến dạng, còn tác giả thì bất lực trước đứa con tinh thần của mình đang bị “xâm hại”.
Tác giả bức xúc
Mỗi ca từ nhạc sĩ viết ra đều có dụng ý, mang ý nghĩa riêng, có nên chữ “hay” nhất, “đắt” nhất, nhạc sĩ “tâm đắc” nhất khi viết nên nếu chỉ thay đổi hoặc thêm, bớt cũng làm mất đi cái hay, đẹp của câu hát, thay đổi hoàn toàn ý nghĩa, dẫn đến “hỏng” cả ca khúc.
Mới đây, không ít người nghe nhạc ngỡ ngàng khi ca khúc Hương thầm (sáng tác: Vũ Hoàng, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn) do ca sĩ Thanh Thúy trình bày lại có câu: “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm”, trong khi chính xác phải là “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khẳng định: “Bản nguyên gốc của bài thơ khi được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành nhạc là “hương đưa” chứ không phải “hương thơm”.
Ca sĩ có tên tuổi như Mỹ Linh cũng không tránh khỏi bị công chúng chỉ trích hát sai lời
Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG
Đủ kiểu hát sai lời
Nhà báo Hà Đình Nguyên từng than thở rằng anh muốn bịt tai khi nghe câu hát “Đất mẹ đầy cỏ úa/Đồng xanh xa mấy mùa” hoặc “Đất mẹ gầy cỏ úa/Đồng xanh xa mấy mùa” trong ca khúc Anh cho em mùa xuân của Nguyễn Hiền (phổ thơ Kim Tuấn) vì khi xem lại tập Thơ Kim Tuấn (NXB Gìn vàng giữ ngọc in năm 1974) thì thấy nhà thơ viết: “Đất mẹ gầy có lúa/Đồng ta xanh mấy mùa”. Gần đây, khi nghe ca khúc Vũng lầy của chúng ta của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, nhiều ca sĩ hát: “Cho nhau chất ngất thơ ngây” nhưng nếu tra lại ở tuyển tập nhạc Khi loài thú xa nhau (NXB Yêu thương in năm 1970), nguyên văn phải là: “Cho nhau chắt hết thơ ngây”. Nhạc sĩ Minh Nhiên cho biết: “Trong bài hát Xin lỗi tình yêu của anh có câu: “Mưa ướt vai anh hay nước mắt em”, nhiều ca sĩ hát: Mưa ướt vai em hay nước mắt em”...
Nhạc sĩ Quốc Dũng lắc đầu: “Hiện nay, có đến 99% bài hát của tôi bị các ca sĩ hát sai lời. Các bài hát phổ biến như Đường xưa, Hoang vắng, Chuyện hợp tan… đều ít nhiều sai lời so với bản gốc. “Rồi ta sẽ thấy thấp thoáng bao lần tóc em bay dài/Thấy bóng dáng yêu thương ngày mai” thì hát thành “Rồi ta sẽ thấy thấp thoáng bao lần tóc em bay dài/Thấp thoáng dáng yêu thương ngày mai” (Đường xưa). Chỉ có bản thu của ca sĩ Bảo Yến là chính xác nhất vì tôi trực tiếp thu cho cô ấy. Hay “Lúc anh đến tình nồng ấm cúng/Xóa trong em màu đen mịt mùng/Lúc anh đến một chiều rất xanh/Trời ngàn sao lấp lánh” thì ca sĩ hát thành: “Lúc anh đến tình nồng ấm cúng/ Xóa trong anh những ngày mịt mùng/Lúc em đến mộng đời rất xanh/Trời ngàn sao lấp lánh” (Hoang vắng)...
Ca khúc bị hát sai lời thường gặp nhất phải kể đến nhạc Trịnh Công Sơn mà theo như lời của giáo sư Cao Huy Thuần, chuyện hát đúng, hát sai trong nhạc Trịnh Công Sơn nhiều khi người hát chủ quan đến mức cả gan. Đã có không ít lần người nghe có ý kiến với bài Diễm xưa, có câu nguyên gốc là “nhỡ mai trong cơn đau vùi” nhưng đa số ca sĩ đều hát thành “nhớ mãi trong cơn đau vùi” hay “con tinh yêu thương” thành “con tim yêu thương” (Một cõi đi về)...
Hát sai lời phổ biến nhất là khi ca sĩ thể hiện trên sân khấu. Nhạc sĩ Phú Quang thở dài không nhớ rõ là đã nghe bao nhiêu lần và đã có bao nhiêu bài hát của mình bị các ca sĩ hát sai lời. Phú Quang kể: “Có một ca sĩ nam rất nổi tiếng đã hát: “Một đời lênh đênh một đời đục trong” trong khi chính xác phải là: “Một mình lênh đênh dòng đời đục trong” (Thương lắm tóc dài ơi). Hoặc một trường hợp khác: “Em đâu phải là chiều mà nhuộm anh đến tím”, ca sĩ lại hát thành “Em không phải là chiều để nhuộm em đến tím”. Còn nhớ cách đây không lâu trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn, những ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Linh, Mỹ Tâm đã liên tục hát sai lời khiến khán giả bức xúc và thất vọng.
Làm sai ý, giảm giá trị
Theo nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, từ “hương đưa” trong bài thơ Hương thầm là hình ảnh có dụng ý riêng. “Hương đưa” là hương thơm có thể lan tỏa trong gió, theo mãi bước chân người đi. Còn nếu như viết “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm” là chuyện tất nhiên, quá đỗi bình thường, chẳng còn gì lạ và ý nghĩa. Nhạc sĩ Minh Nhiên cũng bày tỏ: “Khi viết câu “Mưa ướt vai anh hay nước mắt em”, tôi đang hình dung đến hình ảnh cô gái đang tựa vào vai chàng trai khóc, vai áo chàng trai bị ướt đẫm nước mắt mà ngỡ như mưa thấm ướt. Ca sĩ chỉ cần đổi từ “anh” thành “em” thì đã làm câu hát trở nên vô lý.
Khi nghe ca sĩ hát “Một đời lênh đênh một đời đục trong”, nhạc sĩ Phú Quang cũng một phen hoảng hốt vì theo anh, nó đã làm biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu hát. Phú Quang hài hước: “Tôi muốn nói đến thân phận người con gái một mình lênh đênh trên dòng đời đục trong, chìm nổi. Khi ca sĩ hát “một đời lênh đênh một đời đục trong”, người nghe rất dễ hiểu lầm và thắc mắc là cô gái làm nghề gì mà cuộc đời “đục trong”?
Cụm từ “đất mẹ gầy có lúa” trong bài hát Anh cho em mùa xuân là nói đến ước mơ đơn sơ của tác giả bài thơ gửi về quê mẹ Hà Tĩnh (vùng “đất cày lên sỏi đá”) chứ không phải “đất mẹ gầy cỏ úa”. Trong ca khúc Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn, “Gọi buốt trăm trăm” bị hát thành “Gọi suốt trăm trăm” nghe thấy sự tầm thường của từ “suốt”, nó hoàn toàn không gợi lên sự lẻ loi, đớn đau của tâm hồn. Không ít ca sĩ khi thể hiện bài hát Quê hương tuổi thơ tôi của nhạc sĩ Từ Huy đều tự ý đổi “bắt cá giữa đường” thành “bắt cá giữa đồng”, trong khi “bắt cá giữa đường” mới là hình ảnh đúng khi miêu tả cảnh miền Trung vào mùa lũ, nước từ đồng ruộng tràn lên bờ mang theo cá thì mới có chuyện “bắt cá giữa đường”.
“Mỗi bài hát là công sức, là tâm hồn của người nhạc sĩ đổ vào đó. Mỗi từ được viết ra là cả một sự chọn lọc, nghiền ngẫm để lấy những “từ” đắt nhất, độc nhất và trúng nhất trong từng trường hợp. Nhưng ca sĩ hát sai thì coi như ca khúc ấy chẳng còn giá trị gì” - nhạc sĩ Minh Nhiên bức xúc.
Theo NLĐ