-Trong những năm gần đây, nghệ thuật đương đại tại VN được biết tới nhiều hơn với những triển lãm sắp đặt, những màn trình diễn body painting... đầy ấn tượng. Tuy nhiên, mảng nghệ thuật này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Sáng 2/3, Buổi trình diễn Chợ quê có sự tham gia của hoạ sĩ Nguyễn Thân, nghệ sĩ Đào Anh Khánh, Đoàn Minh Hoàn, nhạc sĩ đương đại Robert Pepper và Brett Zweiman (đến từ New York) được tổ chức chóng vánh tại bãi giữa sông Hồng (Hà Nội). Do không có giấy phép công với việc khán giả nhốn nháo làm hỏng hết diện tích hoa màu gần 100m2 của nông dân nên buổi trình diễn đã bị dừng lại với sự can thiệp của công an và sự phản đối của không ít người.

Buổi trình diễn của Đào Anh Khánh bị gián đoạn giữa chừng.

Đào Anh Khánh là nghệ sĩ liên tục gây chú ý bởi những màn trình diễn có một không hai. Năm 2003, anh có màn trình diễn tại hồ Gươm nhưng cũng độ 15 phút, chương trình bị dừng vì không có giấy phép và “gây mất trật tự công cộng”. Năm 2000, Đào Anh Khánh có dựng một tác phẩm dài 1km trên đê Ngọc Thụy. Song do không có giấy phép biểu diễn, sản phẩm ngốn 8 tháng ròng này của anh bị dỡ trong một ngày.

Năm 2012, nghệ sĩ Trần Trọng Linh trình bày tác phẩm "Thương thuyết" của mình tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội). Ý tưởng triển lãm lấy gợi ý từ sông Tô Lịch, một con sông ô nhiễm bậc nhất tại Hà Nội trong những thập niên gần đây bởi quá trình công nghiệp hóa, trở thành một dòng sông rác khổng lồ giữa lòng đô thị.

Nghệ sỹ dùng chính nước thải của dòng sông đóng băng những vật dụng tiêu dùng phổ thông hiện nay: tivi, tủ lạnh, máy tính, bàn ghế, đồ chơi trẻ em bằng đủ loại chất liệu nhựa, composite, thạch cao, kim loại… Tất cả được làm đông lạnh theo quy trình công nghiệp để tạo thành 7 trụ lập phương bằng nước đá đứng 1m, chiều cao 3m dựng trong sảnh triển lãm L’Espace.

Những khối nước đá này sẽ để tan chảy tự nhiên trong vòng 3 ngày, trong thời gian đó đồ vật đông lạnh bên trong sẽ dần dần lộ ra. Quá trình đó được ghi lại bằng video và dùng projector chiếu lại sau ngày 8/4 cho đến khi triển lãm kết thúc.

Nước cống thải ra vỉa hè gây ô nhiễm (Ảnh: Tuổi trẻ)
Những ống nước thải từ khối đá đóng băng rác sông Tô Lịch (có kèm hóa chất xử lý của nghệ sĩ) đã theo đường ống xả thẳng vào cống trước cổng Trung tâm Văn hóa Pháp trên phố Tràng Tiền. Triển lãm vì môi trường nhưng những dòng nước xanh đỏ, hôi thối từ triển lãm đã không chảy kịp vào cống mà đọng lại trên mặt đường, vỉa hè.

Ðến ngày tan rữa cuối cùng, những người đi ngang qua Trung tâm Văn hóa Pháp phải bịt mũi bởi mùi hôi thối bốc lên. Triển lãm Thương thuyết diễn ra từ ngày 5/4 nhưng chỉ sau 1 ngày, Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đã ra quyết định yêu cầu dừng triển lãm vì tác giả Trần Trọng Linh không thực hiện đúng những nội dung đã đăng ký trong hồ sơ xin cấp phép gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2011, nữ họa sĩ Lại Thị Diệu Hà tổ chức buổi trình diễn Bay lên tại nhà sàn Studio. Chủ nhân của đêm trình diễn đã khiến người xem “choáng” khi từ từ thoát y cho tới khi khỏa thân hoàn toàn, đổ dung dịch lên người, phủ lông vũ dính thân thể... rồi múa, nhét con chim nhỏ vào miệng, sau đó lại há miệng cho chim bay đi...

Màn trình diễn gây sốc của họa sĩ Lại Thị Diệu Hà.

Về màn trình diễn khá rùng rợn này, báo Pháp luật TPHCM khi đó nhận định: “Tự nhận mình là nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật, Lại Thị Diệu Hà ít nhiều định hướng cách nghĩ, cách hành động của khán giả. Vậy mà những gì cô trình diễn là hủy hoại cơ thể của bản thân. Dù có cố ý hay không, những điều mà Diệu Hà đang làm phần nào cổ súy cho trào lưu tự hành xác. Nhất là những thiếu niên trầm cảm, họ dễ bắt chước những cách trên để tìm cảm giác”.

Không chỉ có trình diễn, sắp đặt khó hiểu, một số họa sĩ gần đây cũng có những tác phẩm sắp đặt và chương trình trình diễn có nội dung xấu. Một số vụ việc được phát hiện và “đóng cửa” ngay trước giờ khai mạc.

Nếu có trách nhiệm và ý thức xây dựng một nền văn hóa với những giá trị tốt đẹp, người nghệ sĩ sẽ biết chọn lọc để học tập, sáng tạo cống hiến cho người xem những giá trị nhân văn mới mà không lố; lạ mà không phản cảm. Và khi người xem tiếp nhận, đồng cảm, sự hy sinh cho nghệ thuật của người nghệ sĩ mới được thừa nhận. Mặt khác, với góc độ người tiếp cận và hưởng thụ văn hóa, khán giả cần có thái độ cương quyết với những biểu hiện không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Vi Kiến Thành phát biểu trên báo Văn hóa).

Bài sau: Nghệ thuật đương đại Việt dậm chân tại chỗ

T. Lê