- Liên quan đến việc quản lý và sử dụng tiền công đức, một vấn đề đang rất nóng hiện nay, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói nên giao cho nhà chùa hay chính quyền.


Nhân dịp trẩy hội Xuân Yên Tử, chúng tôi đã gặp Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, trụ trì chùa Đồng Yên Tử để trò chuyện xung quanh công tác quản lý công đức và bảo tồn khu danh thắng Yên Tử.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết tại Lễ đón bằng công nhận Di tích Đặc biệt cấp Quốc gia Yên Tử tại Lễ Khai hội Yên Tử Quý Tỵ.

Xã hội hóa là cần thiết!

- Không chỉ là địa danh tâm linh nổi tiếng, từ lâu Yên Tử còn là nơi làm tốt việc quản lý di tích, quản lý và sử dụng tiền công đức - điều hầu hết các di tích, danh thắng hiện rất lúng túng và cũng là vấn đề mà Bộ VH-TT-DL đang trăn trở tìm mô hình hiệu quả nhất. Thượng tọa có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mô hình này?

Thượng tọa Thích Thanh Quyết: Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên câu nệ giao cho nhà chùa hay chính quyền quản lý tiền công đức, bởi Nhà nước đang có chủ trương xã hội hóa.

Yên Tử trước kia cũng như nhiều nơi khác, Nhà nước quản lý thu, chi gần 15 năm, nhưng hiệu quả không cao. Nhiều nhà quản lý đã nhận thấy điều đó, bởi số tiền công đức thu được không đủ chi. Chưa kể, nhiều Phật tử muốn được gửi gắm tiền cúng dường của mình cho các vị sư trụ trì. Phần lớn số tiền công đức mà nhà chùa thu được hàng năm phục vụ cho công tác trùng tu di tích, các khóa lễ cầu quốc thái dân an, một phần tạo điều kiện sinh hoạt cho Tăng, Ni. Vì vậy, theo tôi, chùa nào quản lý có hiệu quả thì nên để cho các vị sư trụ trì có uy tín quản lý tiền công đức.

Thực tế, sau 6 năm chuyển giao, Nhà nước không bán vé nữa, bằng nguồn vốn xã hội hóa, Ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh đã xây dựng chùa Đồng, chùa Bảo Sái, chùa Trình… trị giá gần 200 tỷ đồng. Trong đó, đã đúc thành công tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh nặng 140 tấn đồng với nguồn vốn xã hội hóa trên 100 tỷ đồng.

Từ kinh nghiệm của Yên Tử, theo tôi, với những ngôi chùa quản lý tốt tiền công đức, Nhà nước nên giúp các vị sư trụ trì về mặt quy hoạch, giúp quản lý đồng tiền chi tiêu đúng mục đích. Nếu như một số nơi không có sư trụ trì, hoặc các ngôi đền chỉ có các vị thủ từ thì nên thành lập ban quản lý công đức.

Việc xã hội hóa các công trình văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng giúp Nhà nước có công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, vị sư tạo được lòng tin đối với Phật tử, còn người dân có các điểm tâm linh xứng tầm. Điều đó rất có ý nghĩa nếu như chúng ta biết sử dụng hài hòa, đúng mục đích số tiền công đức thu được.

“Mê trận” bàn ghi công đức và hòm nhét “tiền dầu nhang nhà đền” tại đền Trần. Ảnh: Kiêm Trung

Cần có cơ chế giám sát để các hoạt động thu, chi minh bạch

- Có ý kiến cho rằng, phần lớn Phật tử đóng tiền công đức vì tin cậy vào sư trụ trì. Vì vậy, đặt vấn đề ai quản lý tiền công đức trong phạm vi nhà chùa là thừa vì như thế chẳng khác gì dùng “quản lý” chồng lên “quản lý”. Thượng tọa nghĩ sao về vấn đề này?

- Thực tế, lâu nay mỗi di tích lại có một cấp hoặc nhiều cấp cùng quản lý. Nơi thì do cơ quan Nhà nước quản lý (như các UBND, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nơi thì do nhân dân (như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc...), nơi thì do cá nhân (sư trụ trì, thủ từ...). Bàn ghi công đức chỗ thì do nhà chùa đặt ra, chỗ lại do ban quản lý (thuộc cơ quan Nhà nước) đặt ra. Chính mô hình quản lý không thống nhất này dẫn đến sự “lộn xộn” trong chia sẻ quyền lợi cũng như sử dụng tiền do dân cúng tiến.

Theo tôi, trước hết chúng ta phải hiểu rõ về cụm từ “công đức”, cần xác định rõ khái niệm “quản lý”. Bởi, đối với các di tích như đền, phủ, miếu không thuộc một tổ chức tôn giáo nào quản lý thì nên có một cơ quan, tổ chức quản lý tiền công đức. Nhưng, đối với các chùa, nhà thờ, thánh thất của các tôn giáo cụ thể được Nhà nước công nhận về tính pháp lý thì không nên đặt ra khái niệm “quản lý” mà chỉ cần có cơ chế hướng dẫn, giám sát để các hoạt động thu, chi diễn ra một cách minh bạch, công khai. Đối với các chùa, việc quản lý công đức được giao cho các trụ trì và chính Phật tử, nhân dân địa phương sẽ là người giám sát tốt nhất.

Hay như, dự thảo quy định tiền phải công khai, phải có một ban quản lý. Nếu như ở một cơ sở thờ tự lại hình thành một ban quản lý thì phải có tiền để “nuôi” ban quản lý đó. Thùng công đức liệu có đủ để “nuôi” ban quản lý này không? Vì vậy, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước về thông tư của Bộ VHTTDL trong việc quản lý hòm công đức để phát huy mặt tích cực nguồn tiền công đức sử dụng cho đúng mục đích.

Đệ trình UNESSCO công nhận là di sản thế giới

Khu Danh thắng Yên Tử

- Cùng với việc được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành triển khai việc lập hồ sơ tóm tắt cho quần thể di sản Văn hóa và danh thắng Yên Tử, xin chủ trương của Chính phủ đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Vậy, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh cùng các cấp chính quyền tỉnh và TP Uông Bí tập trung vào những công việc trọng tâm nào?

- Ngày nay, Yên Tử vẫn chứa đựng trong mình những giá trị vật thể và phi vật thể đặc sắc. Đó là hệ thống chùa tháp, tượng, di vật cổ trong cụm di tích với niên đại hàng trăm năm trải dài trên dãy núi Yên Tử bao la rộng lớn, là những giá trị văn hóa tinh thần của thiền phái Trúc Lâm, là cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều phần của di tích không khỏi bị xuống cấp, mai một, nhiều vật cổ chỉ còn là phế tích.

Cùng với các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh, TP Uông Bí, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp nhằm tôn tạo, gìn giữ, quản lý và phát huy những giá trị độc đáo của di tích.

Theo đó, Rỉnh đã đệ trình việc thực hiện đề án “Mở rộng và phát triển Khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử” lên Chính phủ, qua đó kết nối không gian khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử hiện nay với toàn bộ không gian các di tích liên quan đến thiền phái Trúc Lâm ở huyện Đông Triều mà tâm điểm là Ngọa Vân và Hồ thiên, hai di tích gắn liền với Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông tạo thành một chu trình đầy đủ và hoàn mỹ của thiền phái Trúc Lâm, xóa nhòa các ranh giới về địa lý giữa các vùng miền chứ không chỉ giới hạn trong địa phận TP Uông Bí như hiện nay.

Từ đó, du khách sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về những giá trị văn hóa lịch sử, giá trị nhân văn đặc sắc của khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tạo đòn bẩy phát triển du lịch tại di sản này. Trong tương lai không xa, Yên Tử sẽ được xây dựng trở thành một trung tâm Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam; là trung tâm du lịch văn hoá, lịch sử cấp quốc gia, là điểm du lịch quan trọng trên tuyến Hà Nội - Hạ Long.

- Xin cảm ơn Thượng tọa!

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, việc được xếp hạng trở thành di tích quốc gia đặc biệt, cùng phê duyệt Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử mới đây vừa là niềm tự hào của Quảng Ninh, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao mà Đảng, Nhà nước tiếp tục giao cho các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP. Uông Bí, cùng mỗi người dân trong việc tiếp tục phát huy những giá trị khu di tích, góp phần làm cho Yên Tử ngày càng xứng tầm là kinh đô Phật giáo của cả nước.


Nguyễn Vân (thực hiện)