Còn bao nhiêu nghệ nhân khác đang sống cơ cực giống hệt bà Cầu?
Cụ Hà Thị Cầu trong lần biểu diễn cuối cùng tại Hà Nội năm 2011 - Ảnh: Hoàng Điệp
1. Tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) tháng 8-2009, các sản phẩm nghệ thuật thêu và tết sợi Hàn Quốc không chỉ được trưng bày mà còn có hai nghệ nhân người Hàn Quốc biểu diễn nghệ thuật tết sợi.
Việc tết sợi, thêu tay, khâu tay của người Hàn Quốc chủ yếu để làm đẹp cho chiếc hanbok - trang phục truyền thống của người phụ nữ Hàn. Người tết sợi Hàn Quốc còn tết cả những chùm tua rua đính vào hanbok cho đẹp. Nhìn vào chiếc tua rua này có thể nhận ra người sở hữu chiếc áo ấy có khéo tay hay không. Trò chuyện cùng nghệ nhân Koo Hae Ja, bà cho biết hiện nay ở Hàn Quốc không còn nhiều những làng nghề như VN. Một đất nước đầu tư chiến lược vào việc phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp điện tử, công nghiệp du lịch... để xuất khẩu khiến những ngành nghề thủ công dần mai một.
Nghệ nhân Koo Hae Ja cũng cho biết khi bà được coi là nghệ nhân danh dự, quý hiếm của nghề thêu và tết sợi thì đương nhiên bà cùng nhiều nghệ nhân của các ngành nghề khác đều được hưởng một mức lương cố định, để họ bảo tồn những gì được coi là nghệ thuật, là văn hóa vốn có của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc trả cho những nghệ nhân này một khoản lương tốt, tương đương thu nhập của cả một giáo sư để truyền dạy miễn phí thứ nghệ thuật mà họ đang nắm giữ. Ai muốn học gì các nghệ nhân sẽ dạy hết, chỉ với một mục đích càng nhiều người biết càng tốt. Nghệ nhân Koo Hae Ja bảo bà được đãi ngộ cao như thế là bởi Chính phủ Hàn Quốc cho rằng để trở thành một nghệ nhân người ta phải học cả đời.
2. Lại ngậm ngùi nghĩ đến bà Hà Thị Cầu. Người đàn bà được trời phú cho khả năng miệng hát, chân dập phách, tay kéo nhị và khả năng ứng biến vô cùng linh hoạt để có thể hát lên kể một câu chuyện nào. Bà Cầu còn một biệt tài nữa là sử dụng cây nhị thay cho những lời bà nói. Muốn hát, bà cứa nhị. Reo vui, bà cứa nhị, chửi yêu người ta, bà Cầu cũng cứa nhị. Người nghe, nghe rõ tiếng nhị ấy mắng yêu thế nào, than thở thế nào, nức nở thế nào...
Bà Cầu chưa bao giờ dùng tiếng nhị để nức nở cho cuộc đời mình. Mà cuộc đời của bà thì đủ cay đắng, cơ cực của một người hát rong.
Chiến tranh, bà đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm để hát những bài về Đảng và sáng tác những bài xẩm ca ngợi Bác Hồ. Hòa bình, bà lại nhảy tàu vào Nam ra Bắc, mang tiếng hát của mình rong ruổi khắp nơi. Đến chừng đi không nổi, bà và các con dừng lại. Đất nước nghèo, nhân dân nghèo, bà đi hát cũng nghèo. Đến nỗi phải cho đi một đứa con mà sau này nó nhất quyết không nhận lại bà...
Có đến hàng trăm bài báo viết về sự nghèo khó cũng như giá trị duy nhất, không ai có thể thay thế được của bà Hà Thị Cầu. Ai biết bà Cầu và có chút lòng với nghệ thuật xẩm đều hi vọng những tiếng kêu than trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc hội thảo sẽ đến được tai các nhà quản lý, biết đâu người ta đặc cách cho bà một khoản tiền, một khoản lương nào đó cho nghệ nhân đặc biệt, cho một loại hình nghệ thuật đặc biệt. Nhưng không hề có.
Hai năm trước, bà Cầu nhúc nhắc đi lại được, thỉnh thoảng người ta mời bà đi hát, hơn năm nay bà yếu hẳn, không đi được đâu nữa. Tuổi già, đôi chân yếu đã nhốt bà lại trong căn phòng nhỏ và chật chội. Cuộc sống của bà phụ thuộc vào mấy đồng lãi lời do buôn bán vặt của người con gái cùng sự siêng năng đánh lươn bắt ốc của người con rể.
Nó cơ cực đến mức mỗi khi có người nào nhớ đến bà Cầu, chạy về thăm bà lại cố gắng vét ví đến đồng xu cuối cùng để cho bà mua chén rượu.
Nhưng từ nay trở đi, bà sẽ không còn phải sống trong nghèo khổ nữa.Và nghệ thuật hát xẩm đúng nghĩa cũng sẽ chấm dứt ở đây!
3. Hôm 4-3, đám tang bà Cầu, có rất nhiều người đến viếng. Bên chất chồng những vòng hoa đủ màu sắc xếp đầy con ngõ nhỏ bé, có cả những vòng hoa của các lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể tỉnh Ninh Bình. Đám tang bà Cầu có hẳn một ban lễ tang là lãnh đạo xã chủ trì với số người tham gia lên tới 16. Người đưa tang, khăn áo chỉnh tề, đi đi lại lại. Con trai bà Cầu và cháu đích tôn cùng phủ phục trước bàn vong, cả người con gái mà bởi nghèo đói bà Cầu đã mang đi cho cũng về chịu tang mẹ...
Đủ đầy..
Một người già, lưng đã còng gập, chít chiếc khăn mỏ quạ trên đầu, dò dẫm vào thắp nhang cho bà Cầu, vừa đi vừa lẩm bẩm hát theo một làn điệu xẩm: Lúc sống thì chẳng cho ăn/Đến khi chết lại làm văn tế ruồi...
Ôi chao...
Còn bao nhiêu nghệ nhân khác đang sống cơ cực giống hệt bà Cầu?
Ôi chao...
Theo Tuổi trẻ