- Nhiều quần thể tượng tại các khu nhà mồ “không cánh mà bay”. Vì thế ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi mộ bằng xi măng, thay thế tượng nhà mồ trong lễ bỏ mả.
Tượng nhà mồ, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên ngày nay đang đứng trước nguy cơ biến mất bởi nạn săn đồ cổ, đạo chích.
Đổ bê tông giữ tượng
|
Tình trạng mua bán, sưu tầm đồ cổ những năm gần đây như cơn lốc đang quét qua khắp vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Với hàng trăm thủ đoạn, những tên săn đồ cổ thường thuê người dân đi trộm, sau đó thu gom tượng về bán lại. Điều này khiến nhiều quần thể tượng tại các khu nhà mồ “không cánh mà bay”. Trong lễ bỏ mả vì thế ngày càng xuất hiện nhiều những ngôi mộ bằng xi măng, thay thế tượng nhà mồ.
Thực tế, tại huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) nơi tập trung đông đồng bào Êđê sinh sống, hiện chỉ còn lác đác vài khu mộ có tượng nhà mồ và số lượng tượng nhà mồ còn lại chẳng bao nhiêu. Nếu còn cũng đã bị mục nát, hư hỏng. Tại quần thể tượng nhà mồ trong Vườn Quốc gia Yok Đôn – là khu mộ của dòng họ K’Nul, nơi an nghỉ của những vị Vua săn voi nức tiếng khắp Tây Nguyên như Khunjunop, R’leo, Y’Keo…cũng chỉ còn lác đác có vài bộ tượng công đậu ngà voi của số ít người giàu có trong dòng họ mới qua đời.
Một quần thể tượng nhà mồ còn nguyên vẹn ở Buôn Đôn |
Điều rất lạ là tất cả những bức tượng này đều được đổ bê tông chôn chân rất chắc. Amí Phương, người được giao trách nhiệm quản lý khu mộ của dòng họ cho biết: Ngày xưa khu mộ dòng họ có rất nhiều tượng nhà mồ, nhưng cách đây không lâu trong một đêm kẻ xấu đã đột nhập vào đào trộm một lúc mấy chục bức tượng mang đi đâu không ai rõ.
Để bảo vệ tượng, mỗi khi có người qua đời, có tạc tượng nhà mồ thì cả dòng họ đều thống nhất đổ bê tông chôn chân rất sâu, chắc để chống trộm. Ngoài ra để tăng thêm sự an toàn, mới đây, dòng họ còn đóng góp trên 200 triệu đồng xây tường bê tông bao quanh để bảo vệ khu mộ.
Có thể thấy, tượng nhà mồ đang bị chảy máu. Lễ bỏ mả đang dần biến mất, đồng bào nơi đây đang xây mộ bằng bê tông thay vì tạc tượng, họ sợ rằng, một ngày quần thể tượng sẽ không cánh mà bay.Triết lý tượng nhà mồ
Tượng nhà mồ chỉ xuất hiện ở một số cộng đồng dân tộc ít người khu vực Tây Nguyên như Êđê, J'rai, M'nông…trong lễ bỏ mả - cuộc chia tay tưng bừng cuối cùng giữa người sống và người chết nhằm tiễn linh hồn người chết về bên kia thế giới. Tượng nhà mồ xuất hiện bởi tín ngưỡng, con người ta khi giã từ dương gian, tức là bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới khác. Lúc sống ra sao, khi chết về đất cũng phải như vậy.
Bộ tượng công đậu ngà voi thể hiện cho sự giàu có, uy nghiêm |
Do đó, việc tạc và chôn tượng gỗ quanh mồ người chết trong lễ bỏ mả chính là "kỷ vật" cuối cùng người sống tưởng nhớ và dành cho người chết. Tượng nhà mồ là một thế giới sinh động, ở đó diễn tả đầy đủ những cảm xúc, cung bậc tình cảm hỷ, nộ, ái, ố và mang triết lý nhân sinh ẩn chứa quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Trong lễ bỏ mả, người ta sẽ đặt những tượng gỗ quanh mộ người chết, đó là những "người ở lại" với người chết, để người chết có bạn tâm sự, không phải cô đơn.
Theo tập tục, lễ bỏ mả thường được tổ chức vào khoảng tháng 3. Một lễ bỏ mả theo đúng phong tục truyền thống, người ta phải chuẩn bị rất lâu, kỹ càng và tốn kém nhiều lễ vật như trâu bò, lợn, gà. Tùy theo điều kiện kinh tế từng gia chủ mà làm lễ bỏ mả to hoặc nhỏ. Lễ to thì tượng nhà mồ nhiều, đẹp còn lễ nhỏ thì tượng sẽ ít và đơn điệu hơn.
Một điều ít ai biết, rằng trong lễ bỏ mả, gia chủ sẽ cúng cả người dưới mồ và cúng cả người đẽo tượng. Thợ đẽo tượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, họ phải là người hiểu được cái "bụng" của người đã khuất, tượng họ đẽo ra phải mang được thần thái, thế nào cũng phải làm cho người chết được vui.
Mộ vua voi Ama Kông mới qua đời được tạc bộ 4 tượng công đậu ngà voi thể hiện cho người giàu có, uy tín. |
Một quần thể tượng chôn quanh nhà nhà mồ thường gồm rất nhiều nhóm tượng, mỗi nhóm tượng đều mang những triết lý riêng. Nhóm tượng người chống cằm với sắc mặt mếu máo, mang ý nghĩa tiếc thương người đã khuất, luôn đứng nhìn theo người chết; nhóm tượng chó cõng khỉ trên đầu, đánh trống mang ý nghĩa rằng trong lễ bỏ mả có đông đủ người đến xem, vui đến nỗi những con vật như khỉ, chó mèo cũng cõng nhau đến xem; nhóm tượng chim công, ngà voi thể hiện sự thanh cao, uy lực, giàu có… của người đã khuất.
Chính sự cầu kỳ, triết lý ẩn sâu trong từng lớp tượng đó không phải dễ gì ai cũng hiểu được ý nghĩa của tượng nhà mồ. Già Ay Bép, gần 80 tuổi, ở bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn – nghệ nhân có thâm niên hàng chục năm làm nghê tạc tượng nhà mồ chia sẻ. “Muốn tạc được tượng nhà mồ, đòi hỏi người tạc phải thật sự đam mê và kiên trì. Đẽo tượng thì dễ, nhưng để có những được bức tượng đẹp, có thần đòi hỏi người đẽo phải gửi gắm cả tâm tư tình cảm mình vào trong đó”.
Theo già Ay Bép, tượng nhà mồ hiện nay đang có nguy biến mất, bởi lớp trẻ bây giờ không còn đam mê nghề tạc tượng, người thạo việc thì đã lớn tuổi và đang dần về với “bến nước ông bà”.
Trùng Dương