- Phụ nữ có nhiều mối quan tâm nên thử thách là làm sao cho phim phải lôi cuốn, gần gũi, không nhàm chán...
Cảnh phim "Sex and the City 2"
"Chick Flick" là cụm từ lóng để chỉ những bộ phim chủ yếu tập trung vào các nhân vật nữ và nhắm vào phái yếu là chính. Khán giả Việt dù đã xem những bộ phim thuộc dạng này từ lâu nhưng chỉ thực sự biết đến nó qua những "Chick Flick" đình đám của nước ngoài mà đặc biệt là qua hai series phim tiêu biểu của Hollywood được sản xuất gần đây mang tên Twilight Saga (Chạng vạng) và Sex and the City (Chuyện ấy là chuyện nhỏ). Liệu có cái gọi là dòng phim "Chick Flick" của Việt Nam hay không?
Phim Việt tìm cách chinh phục phụ nữ
Điện ảnh sẽ không còn là điện ảnh nếu thiếu phụ nữ, tức là làm phim về họ, về những vấn đề họ quan tâm, và dành cho họ. Đạo diễn Trần Anh Hùng tiết lộ rằng bộ phim tiếp sau "Rừng Na Uy" của anh sẽ là một bộ phim về phụ nữ, một bộ phim cấm đàn ông và chỉ dành cho phụ nữ. Hay nói cách khác đó sẽ là một bộ phim chick flick chính hiệu.
Ở Mỹ, cụm từ 'chick flick' là dành cho những phim có chủ đề, đề tài phù hợp với giới nữ. Là những phim tình cảm, lãng mạn, tâm lý như Pretty Woman, Mamma Mia hoặc Titanic... Do vậy có thể xếp Để Mai tính, Chuyện tình xa xứ, Những nụ hôn rực rỡ, Cô dâu đại chiến vào thể loại chick flick vì đề tài chính nói về chuyện tình cảm, nhẹ nhàng, lãng mạn. Vì thế có thể nói thể loại này đã được sản xuất ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực phim truyền hình, Bí mật Eva được coi là phim mở đầu cho thể loại chick flick của VN. Từ tên phim đến nhân vật, nội dung đều thể hiện khá rõ đây là một bộ phim nói về phụ nữ, dành cho nữ giới. Bí mật Eva xoay quanh nhóm bạn là 4 nhân vật nữ, kẻ đã có chồng, người sắp lập gia đình với những câu chuyện rất đàn bà.
Cảnh phim "Cô dâu đại chiến"
Bí mật Eva khiến nhiều người liên tưởng đến bộ tứ diễn viên chính trong bộ phim truyền hình nổi tiếng của Mỹ mà sau đó được Hollywood chuyển thể thành 2 tập phim điện ảnh khá ăn khách là Sex and the City (tên phát hành ở VN: 'Chuyện ấy' là chuyện nhỏ). Tuy nhiên, Bí mật Eva được khán giả Việt chú ý hơn vì các nhân vật gần gũi với những câu chuyện mà bản thân nhiều phụ nữ Việt đã và đang gặp trong cuộc sống gia đình.
Hầu hết những chick flick ăn khách của Hollywood ra mắt trong thập niên 2000 đều được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết ăn khách, rất được phái nữ yêu mến. Đơn cử là The Devil Wears Prada, P.S., I Love You, Shopaholic, Twilight Saga... đều là những cuốn sách được xếp vào hàng best-seller tại Mỹ và nhiều quốc gia với lượng fan có sẵn đông đảo. Những cuốn sách này cũng đã được dịch sang tiếng Việt và được nhiều người tìm đọc. Có thể nói, với phương Tây, chất liệu cho dòng phim này khá phong phú. Trong khi đó, ở VN, nguồn tiểu thuyết có thể chuyển thể thành phim còn hạn chế.
Hollywood "phát rồ" vì chị em
Phim 'chick flick' thường chú trọng đến cảm xúc mạnh và tập trung vào những chủ đề dựa trên cơ sở các mối quan hệ liên quan đến phụ nữ. Đích ngắm đến của phim 'chick flick' là nữ giới, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Do vậy các bộ phim này thường rất ngọt ngào, lãng mạn, xoay quanh chuyện hẹn hò, yêu đương... Dòng phim 'chick flick' do vậy thường ít chú ý đến các vấn đề nghệ thuật. Song cũng có vài bộ phim được đánh giá cao mà đơn cử là Terms of Endearment sản xuất năm 1983. Bộ phim này khi ấy đã giành tượng vàng Oscar cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản hay nhất, Nữ diễn viên chính và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Ngay từ giai đoạn khởi nguồn của điện ảnh thế giới đã hình dành dòng phim dành riêng cho phụ nữ. Khi đó 'chick flick' được gọi bằng rất nhiều cụm từ khác nhau trong đó có "women's pictures" (dịch nôm na là những bộ phim của nữ giới). Thập niên 1960 ghi dấu sự xuất hiện của bộ phim được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh thế giới là Breakfast at Tiffany's, một bộ phim cổ điển sinh ra trong kỷ nguyên vàng của điện ảnh.
Rất nhiều bộ phim được xếp vào hàng những bộ phim tình cảm lãng mạn hay
nhất mọi thời, được khán giả thuộc nằm lòng đều là phim 'chick flick'.
Đó là Love Story (Câu chuyện tình yêu - 1970), Sixteen Candles (16
ngọn nến - 1984), When Harry Met Sally (Khi Harry gặp Sally - 1989),
Pretty Woman (Người đàn bà đẹp - 1990), Thelma and Louise (Thelma và
Louise - 1991), Sleepless in Seattle (Không ngủ ở Seattle -1993), My
Best Friend’s Wedding (Đám cưới bạn thân - 1997), Titanic (1997), The
Princess Diaries (Nhật ký công chúa - 2001), Love Actually (Yêu thực sự -
2003), The Devil Wears Prada (Yêu nữ thích hàng hiệu - 2006), Enchanted
(Bùa yêu - 2007), Sex and the City (Chuyện ấy là chuyện nhỏ - 2008),
Twilight (Chạng vạng - 2008), The Proposal (Lời cầu hôn) Confessions of a
Shopaholic (Tự thú của một tín đồ shopping)...
'Chick flick' thực sự phát triển cực thịnh cùng sự ra đời của loạt phim Twilight (Chạng vạng). Cuối năm 2008, ngay tuần đầu ra mắt, có đến 75% đến rạp xem Chạng vạng là nữ. Các phần 2 và 3 cũng tương tự. Còn nhớ thời điểm Chạng vạng được công chiếu tại VN tháng 12/2008, bộ phim đã làm nên một cơn sốt thực sự ngoài rạp. Dù chỉ là một phim giải trí nhưng thực tế là rất nhiều khán giả nữ đã mua vé xem đi xem lại nhiều lần. Thậm chí nhiều người còn tìm đọc loạt tiểu thuyết được chuyển thể thành phim này của nữ nhà văn Stephenie Meyer để xem diễn biến chuyện tình của Bella - Edward thế nào bởi khộng thể đợi thêm 1 năm nữa cho đến khi hãng Summit chuyển thể phần 2 của Chạng vạng lên màn ảnh. Chạng vạng "hot" đến nỗi dù được công chiếu từ tháng 12/2009 nhưng nhà phát hành tại VN đã quyết định chiếu lại bộ phim này ngoài rạp vào dịp Valentine 2009.
Hoàng Vy