- Lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thừa nhận việc ngang nhiên đào bới tại khu thánh địa Mỹ Sơn là vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ di sản. 

 {keywords}
Hai du khách nước ngoài “nghiên cứu” bản đồ Mỹ Sơn sau khi bất ngờ thấy công trình bê tông hóa giữa lòng di sản.

Các tin liên quan

Ngang nhiên "phá" thánh địa Mỹ Sơn


Ban quản lý di tích Mỹ Sơn: Chúng tôi sai rồi!

-Thưa ông! Vì sao Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn lại tự ý cho phép xây kè chắn trên suối Khe Thẻ giữa lòng di sản khi chưa có báo cáo với cơ quan chức năng?

-Ông Nguyễn Công Hường - Giám đốc Ban quản lý di tích Mỹ Sơn: Từ mùa lũ năm 2010 suối Khe Thẻ bắt đầu sạt lở nghiêm trọng. Điểm sạt lở cách chân tháp B,C, D Mỹ Sơn 40m.

Vì lo sợ thời gian sắp đến, nếu có lũ tiểu mãn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến di tích, nhất là tháp B3 đã nghiêng 15 độ, đứng trước nguy cơ sụp đổ nên Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn quyết định cho kè bờ suối để bảo vệ di sản.

-Thưa ông! Việc bảo vệ các tháp tại khu di tích là cấp thiết. Nhưng việc ngang nhiên đào bới giữa lòng di sản Thế giới Mỹ Sơn khi chưa có ý kiến của ngành chức năng là vi phạm Luật bảo vệ di sản đã được ban hành?

-Ông Nguyễn Công Hường: Như tôi đã trình bày, vì tính cấp thiết và lo sợ mưa lũ tiểu mãn sắp đến gây nguy hại cho các tháp trong khu di tích nên chúng tôi cho kè chắn hai bên bờ suối Khe Thẻ mà chưa có ý kiến của cơ quan chức năng. Khi báo chí phản ánh và du khách phản ứng chúng tôi thấy sai quá rõ rồi và đã cho ngừng thi công ngay sau đó và tìm mọi biện pháp để trả nguyên trạng.

Điều sơ đẳng nhất trong công tác bảo vệ trùng tu di tích là phải xin ý kiến cơ quan chức năng và tham vấn cơ quan chuyên môn. Nhưng chúng tôi không làm vì quá chủ quan. Anh em cứ nghĩ rằng xây kè là yêu cầu bức thiết, không động đến di tích là được. Cứ làm rồi thủ tục sẽ tiếp tục bổ sung sau.

Sở VHTTDL cũng chịu trách nhiệm liên đới

-Thưa ông, việc UBND huyện Duy Xuyên ngang nhiên đào bới xâm hại di tích Mỹ Sơn như vậy, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam có hay biết không?


-Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tỉnh Quảng Nam: Sau khi việc đào bới kè chắn suối Khe Thẻ tại khu di tích Mỹ Sơn được báo chí phản ánh và du khách phản ứng chúng tôi mới biết thông tin. Ngay lập tức chúng tôi cho kiểm tra và yêu cầu UBND huyện Duy Xuyên dừng ngay việc đào bới và trả nguyên trạng tại khu vực.

Khu di tích Mỹ Sơn là di tích quốc gia đặc biệt đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2009. Thời gian qua, khu di sản này đã được các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư trùng tu tôn tạo nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

UBND huyện Duy Xuyên tiến hành đầu tư xây dựng hạng mục kè chắn tại suối Khe Thẻ thuộc khu vực bảo vệ I của di tích Mỹ Sơn. Việc thi công đào bới tại khu vực suối Khe Thẻ khi chưa có thỏa thuận và cho phép của Bộ VHTTDL là trái với qui định của luật Di sản văn hóa và trái với quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phân cấp quản lý, bảo vệ di tích.

Như vậy, việc UBND huyện Duy Xuyên tự ý cho phép đào bới trong khu di tích là vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ di sản và phải lập tức tạm dừng, trả lại nguyên trạng cho di tích.

- Vậy trách nhiệm quản lý di tích của ngành VHTTDL Quảng Nam đến đâu, thưa ông?

-Ông Hồ Xuân Tịnh: Về nguyên tắc quản lý di tích trên địa bàn đã có quyết định ban hành qui chế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng đã được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành và phân cấp rất rõ trong việc quản lý bảo vệ.

Theo Chương 2 điều 5 của điều lệ trong quyết định của UBND tỉnh đã phân cấp và giao cho UBND huyện Duy Xuyên trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về bảo vệ và khai thác di tích trên địa bàn theo đúng luật định.

Tuy nhiên, việc ngang nhiên đào bới kè chắn suối Khe Thẻ tại khu di tích Mỹ Sơn của UBND huyện Duy Xuyên là hoàn toàn trái với qui định của pháp luật. Về phần mình, Sở VHTTDL vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới trước UBND tỉnh và Bộ ngành liên quan ở trung ương.

TS Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết về nguyên tắc, theo Công ước Bảo vệ di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới năm 1972, những đụng chạm đến di sản văn hóa thế giới phải có ý kiến của UNESCO và phải có dự án để xin ý kiến. Chỉ sau khi UNESCO đồng ý, việc tu bổ mới được tiến hành. Luật Di sản cũng quy định với di tích đặc biệt như Mỹ Sơn, muốn có xây dựng, tu bổ cũng phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL.
 

Trong khi đó, thông tin từ Cục Di sản, Bộ VHTTDL cho biết cơ quan này chưa có văn bản nào đồng ý việc bê tông hóa con suối cổ này. Việc bê tông hóa suối cổ ngay tại vùng lõi di tích khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng là hoàn toàn trái phép. Phương án thi công cũng hoàn toàn không có ý kiến chuyên gia thẩm định.

Ngay sau khi có báo báo của UBND Tỉnh và Sở VHTTDL Quảng Nam gửi các cơ quan chức năng ở trung ương, Cục Di sản đã có công văn do Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng ký gửi Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam khẳng định: "Lòng suối đi qua khu vực các nhóm tháp B, C, D đã tiến hành nạo vét, kè, xây mố cầu bằng vật liệu bê tông cốt thép mà chưa có ý kiến bằng văn bản của Bộ VHTTDL. Cục đề nghị đình chỉ việc thi công và báo cáo về Bộ. Trong quá trình thực hiện các thủ tục, khu vực tạm dừng thi công phải được khoanh vùng, đảm bảo mỹ quan và không gây ảnh hưởng đến tham quan di tích".

Vũ Trung