- Việc "Bụi đời chợ Lớn" không lọt cửa kiểm duyệt tại Việt Nam trong lần trình duyệt đầu tiên đặt ra nhiều vấn đề tại thị trường trong nước.

Các tin liên quan

"Bụi đời chợ Lớn" đã phạm luật như thế nào?

"Bụi đời chợ Lớn" ách cửa kiểm duyệt vì bạo lực

Hội đồng duyệt quá ưu ái phim Việt là đằng khác

{keywords}
Cảnh trong phim "Bẫy cấp 3"

 Cách đây tròn 1 năm, bộ phim "Bẫy cấp 3" của Việt Nam đã bị cấm phát hành phổ biến. Đây là bộ phim Việt hiếm hoi trong nhiều năm không được ra rạp. Mới đây, "Bụi đời chợ Lớn" lại tiếp tục hâm nóng dư luận khi có thông tin phim buộc phải chỉnh lại trước khi được duyệt phát hành phổ biến.

Rất nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra, thậm chí là những phản ứng tiêu cực của những người trong cuộc chủ yếu liên quan đến việc kiểm duyệt phim tại VN được đưa lên mặt báo. Có ý kiến cho rằng chỉ nên thay đổi cách phân loại phim và để khán giả tự quyết định xem phim gì.

Trước thông tin trái chiều liên quan đến "Bụi đời chợ Lớn", chủ yếu chĩa mũi nhọn vào Hội đồng duyệt phim, chiếu 11/4, Cục Điện ảnh đã có cuộc gặp đột xuất với đại diện một số cơ quan báo chí để cung cấp thông tin.

Thông báo được phát ra tại cuộc tiếp xúc báo giới khẳng định nhà sản xuất "Bụi đời chợ Lớn" đã vi phạm Luật Điện ảnh khi không chỉnh sửa lại nội dung phim theo yêu cầu của Hội đồng duyệt bởi đây là phim có yếu tố nước ngoài. Nhà sản xuất cũng không trình lại kịch bản đã sửa chữa mà vẫn tiến hành sản xuất theo kịch bản ban đầu. Do vậy, khi phim trình duyệt ngày 19/3 vừa qua, Hội đồng tiếp tục yêu cầu hãng phim chỉnh sửa lại phim theo đúng Luật và chưa cấp phép phổ biến. 

"Bụi đời chợ Lớn" là một trong số không nhiều phim Việt bị ách cửa kiểm duyệt. Việc ra quyết định cấm chiếu thẳng thừng như đối với "Bẫy cấp 3" năm ngoái là trường hợp hiếm gặp bởi đa phần được yêu cầu chỉnh sửa lại một số chi tiết cho phù hợp trước khi trình duyệt lại hoặc bị loại bỏ bớt những cảnh quay được cho là trái với thuần phong mỹ tục và vi phạm những điều cấm trong Luật điện ảnh như trường hợp của "Bụi đời chợ Lớn" hay các bộ phim gần đây như "Bi, đừng sợ!", "Hotboy nổi loạn"...

Nhà biên kịch Hồng Ngát, thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho biết trên thực tế Hội đồng duyệt rất ưu ái phim Việt. "Cái gì cần chỉnh sửa để cứu cả phim thì Hội đồng duyệt vẫn chân thành góp ý để đừng vì một 1 chi tiết nhỏ mà bỏ cả phim lớn.

Đáng lẽ Hội đồng chỉ có duyệt, được hoặc không được, và chỉ duyệt thành phẩm chứ không phải xem những bản phim bán thành phẩm, thậm chí chưa hòa âm, chưa có nhạc... Chủ tịch Hội đồng rất bức xúc việc này nhưng chúng tôi nói phim Việt đang rất khó khăn, vì phim Việt Hội đồng cố gắng vất vả 1 chút  để góp ý cho các hãng để họ đỡ tốn kém".

Bà Ngát cũng cho hay vài năm trở lại đây, rạp chiếu phim phát triển nhiều, lượng phim nhập nhiều cũng nhiều nên hội đồng duyệt cũng phải làm việc nhiều hơn. "Phim hay, có ý nghĩa nhân văn thì không sao, cái gì bạo lực quá, không đúng với thuần phong mỹ tục cũng phải có ý kiến.

Duyệt phim nước ngoài thì dễ hơn. Nếu nội dung không sex, không bạo lực, hơi nhạt một tí vẫn phải cho chiếu vì không phạm Luật, dù xem phim tra tấn cực kỳ. Nhưng phim Việt thì rất phức tạp. Với phim nhà nước thì có định hướng rồi, tư nhân chủ yếu làm phim hài thu vốn là chính nên nhiều khi phim nhạt, hài nhảm nhưng không phạm Luật thì Hội đồng vẫn cho ra vì đồng vốn của họ là xương là máu".

Chính vì vậy, trong những năm qua, dù có rất nhiều phim được coi là đại thảm họa như Hello cô ba, Nàng men chàng bóng, Giữa hai thế giới... vẫn được ra rạp bởi các bộ phim này không vi phạm những điều Luật cấm.

Không có chuyện dễ dãi với phim ngoại

{keywords}
"Bụi đời chợ Lớn" mới chỉ bị yêu cầu sửa chữa chứ chưa bị cấm chiếu.

Với những bộ phim bị yêu cầu chỉnh sửa lại như "Bụi đời chợ Lớn" hoặc bị cấm chiếu như "Bẫy cấp 3", trong một cuộc trả lời phỏng vấn VietnamNet, TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh nói: "Với những bộ phim vi phạm, nếu Hội đồng cố ý làm sai luật để "cho qua" thì chắc chắn nhà sản xuất và phát hành bộ phim ấy sẽ vỗ tay ca ngợi Hội đồng. Nhưng biết bao người sẽ chịu thiệt hại về tinh thần vì những phim như thế? Xã hội sẽ chịu tác động xấu như thế nào từ những phim kiểu này?

Ai cũng mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc, nhiễm bẩn vì chúng đầu độc sức khỏe con người. "Món ăn tinh thần" phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn có cần thiết không?".

TS Lan nói thêm: "Cũng có ý kiến cho rằng Hội đồng khắt khe với phim Việt, dễ dãi với phim nước ngoài. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, phim Việt Nam luôn được Hội đồng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Quyết định không cho phép phổ biến một bộ phim Việt Nam là điều cực chẳng đã".

Trên thực tế lượng phim ngoại bị cấm phát hành tại Việt Nam lớn hơn nhiều phim nội. Đơn cử năm 2012 có5 phim không được ra rạp (trong tổng số hơn 100 phim ra rạp). Trước nhận xét phim ngoại ra rạp dễ hơn phim nội, nhà biên kịch Hồng Ngát nói: 'Với phim ngoại không dễ tí nào. Chúng tôi cứ căn cứ theo Luật để làm. Tuy nhiên các nhà nhập phim họ rất thính, họ xem phim nào thấy được, hợp với thị trường VN thì họ mới nhập về nên cũng hiếm khi phim bị loại".

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng nhiều phim quá dở hoặc quá bạo lực, tràn lan cảnh sex hay chém giết đẫm máu vẫn được cấp phép phổ biến dễ dàng. Đơn cử như bộ phim giành giải Oscar gần đây, Django Unchained (Hành trình Django) dù có nhiều màn tra tấn, bạo lực nhưng vẫn được ra rạp.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, dù đã qua được cửa kiểm duyệt khắt khe của nước này nhưng ngày 11/4 vừa qua Django Unchained đột ngột bị dừng chiếu tại tất cả các rạp theo yêu cầu của SARFT - cơ quan kiểm duyệt nước này.

{keywords}Cảnh trong phim Django Unchained

So với Trung Quốc, Việt Nam được cho là thị trường thoáng hơn với phim ngoại nhập. Nếu như nước láng giềng chỉ cho nhập 30 phim ngoại mỗi năm (mức này mới được nâng lên gấp rưỡi từ năm ngoái) thì ta không hề có hạn ngạch cho phim ngoại do cam kết khi gia nhập WTO, chỉ có những phim phạm Luật điện ảnh mới không được phát hành.

Các phim ngoại khi ra rạp tại Trung Quốc cũng bị "chém" không thương tiếc. Gần đây nhất, phim "Cloud Atlas" (Mây Atlas) đã bị cơ quan kiểm duyệt nước này cắt tới 40 phút, chủ yếu là những cảnh yêu đương. Phim "Skyfall" cũng bị cắt sạch những cảnh quay tại các lãnh thổ thuộc Trung Quốc trước khi trình chiếu tại đây. World War Z, bộ phim bom tấn mới nhất của Brad Pitt cũng không có khả năng ra mắt tại thị trường này.

Hạnh Phương