-"Nhà cách mạng thư viện" Nguyễn Quang Thạch nói kiên quyết loại một số sách Trung Quốc ra khỏi chương trình tặng sách miễn phí.
Có một hoạt động gây chú ý đặc biệt tại ngày hội
Sách 20/4, đó là người đọc mang đổi sách in để lấy sách điện tử.
Sách điện tử cho người thành phố còn sách in sẽ chuyển về nông thôn. Khởi xướng
cho dự án này là Nguyễn Quang Thạch.
Các tin liên quan |
Anh Nguyễn Quang Thạch |
Tại sao anh cho rằng sách sẽ giải quyết được vấn đề của người nông dân? Anh có thể trả lời câu hỏi cho họ: làm thế nào để người đọc sách giàu?
- Người ta đọc sách để có tri thức bền vững, từ đó nghĩ ra cách kiếm tiền dựa trên nền tảng đạo đức và sự tuân thủ pháp luật - chứ không phải băng hoại chính họ và băng hoại xã hội.
Sách và nền kinh tế tri thức có liên quan gì đến nhau?
- Đương nhiên là liên quan. Sách là công cụ truyền tải tri thức đến cho đại chúng. Khi có sách thì có thể hình thành nền kinh tế tri thức, vì có sự tích hợp thông tin, tích hợp sáng kiến và ý tưởng để tạo ra sự chuyển hóa trong đời sống khoa học và đời sống tâm hồn, từ đó tạo thành sản phẩm.
Nan đề ở nông thôn Việt Nam hiện nay là trên đồng ruộng rất ít sáng kiến, ruộng bỏ hoang rất nhiều, dùng nhiều thuốc trừ sâu khiến chất lượng đất giảm; trong khi ở Israel, Nhật Bản hay Mỹ họ luân canh rất nhiều, cung cấp sản phẩm sạch, đa dạng. Nông dân cần phải có sách để học cách cải thiện tiềm năng trên đồng ruộng của mình.
Anh lựa chọn sách đưa về cho họ như thế nào?
- Sách phải do chính người nông dân, học sinh, giáo viên vùng đó lựa chọn... Tôi chú tâm vào sách sáng kiến, sách kích thích sáng tạo và sách danh nhân với những tấm gương như Thomas Edison, Abraham Lincoln, Mahatma Gandhi, Phan Châu Trinh... Nhất là các em học sinh nông thôn cần đọc sách để tạo ra khát vọng của đời mình.
Anh nghĩ sao nếu trong ngày hội sách sắp tới người ta đem đổi sách, mà có quá nhiều đầu sách không cần thiết cho nông thôn, ví dụ như sách ngôn tình chẳng hạn?
- Tôi sẽ phải quy định rõ ràng về sách Trung Quốc. Sách ngôn tình hoặc một số sách Trung Quốc kích thích bạo lực hoặc toàn mưu hèn kế bẩn, chẳng có gì thúc đẩy sự sáng tạo dứt khoát là không nhận. Những câu chuyện của Mỹ người ta không bao giờ lồng ghép yếu tố may mắn để tác động đến con trẻ cả. Đứa trẻ phải nỗ lực mới thành công, dựa theo bản chất của khoa học, của quy luật. Chứ dựa vào may mắn sẽ thất bại. Đơn cử như phim hoạt hình Tom & Jerry đã thấy rất nhiều yếu tố khoa học ở đó: các quy tắc đòn bẩy, quy tắc bàn tay trái, quán tính...
Sách phương Tây và Mỹ kích thích sự sáng tạo và nỗ lực cá nhân. Còn ở Việt Nam, có những thứ đạo giáo du nhập vào làm cho những đứa trẻ lớn lên bị khóa miệng ngay từ nhỏ. Ở nhà bố mẹ áp chế con, cho rằng bố mẹ là đúng cả. Ở trường không cho phản biện.
Anh thường nhận được phản ứng như thế nào khi nói những điều người nghe không thích?
- Đương nhiên có những người không thích khi tôi viết những bài báo như "Ông Fukuzawa Yukichi sẽ nói gì với Việt Nam?" trên TuanVietNam. Nhiều người gọi điện nói tôi là thằng nhãi ranh, làm được cái gì mà mạnh miệng thế? Nhưng tôi làm được những thứ tôi đã làm.
Để bổ sung những đầu sách cho vùng nông thôn của Nguyễn Quang Thạch, một người làm việc vì cộng đồng khác - anh Trương Quốc Cần (TT phát triển nông thôn bền vững - SRD) cũng chia sẻ một số sách kỹ thuật nông nghiệp, phòng chống và cải thiện biến đổi khí hậu cho người nông dân. Chúng là câu chuyện của chính những người nông dân vượt khó làm giàu, cung cấp 20 sáng kiến được các chuyên gia Bộ Khoa học công nghệ, Bộ tài nguyên môi trường góp ý, nhằm cải thiện phương thức sản xuất, sinh hoạt của người nông dân. Việc cung cấp sách kiến thức, sáng tạo cho người nông dân thực sự là một vấn đề quan trọng khi nông dân chiếm trên 70% dân số nước ta, với xấp xỉ 80% lực lượng lao động hiện thời. |
Hồ Hương Giang