- Một công việc quan trọng trong việc giải tỏa để xây cầu vượt Đàn Xã Tắc là phải đưa được hai con Nghê linh thiêng thuộc quần thể Đàn Xã tắc về bảo tàng nguyên vẹn. 

Các tin liên quan

Bộ Văn hóa không cho phá Đàn Xã Tắc!

Các nhà văn hóa phản đối cầu vượt qua Đàn Xã Tắc

{keywords}
Hai trụ nghi môn Đình Đông xưa với hình tượng hai con Nghê có nguy cơ bị san phẳng. Ảnh: Đình Thành

Những ngày qua, giới di sản sôi sục thông tin về việc hai trụ nghi môn Đình Đông xưa với hình tượng hai con Nghê được cho là có từ hàng thế kỷ trước nằm trong khuôn viên quần thể Đàn Xã Tắc linh thiêng đang đứng trước nguy cơ bị hỏng khi làm cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa. Đáng chú ý là vị trí của hai chiếc cổng Đình Đông chỉ cách Đàn Xã Tắc vài bước chân.

Sáng 17/4, công việc thi công giải tỏa mặt bằng khu vực gần với di tích ở phố Nguyễn Lương Bằng vẫn được tiếp tục, ngay sát với hai cột làng Đình Đông. Có mặt tại đây ngoài hai cán bộ của Bảo tàng Hà Nội đến khảo sát còn có TS Đinh Hồng Hải, Viện nghiên cứu Văn hóa (Viện khoa học xã hội VN). Anh vừa thực hiện một chuyên đề về con Nghê trong văn hóa Việt Nam trên VTV và đặc biệt quan tâm đến di tích này.

Di tích đặc biệt quan trọng gắn với Đàn Xã Tắc

{keywords}

Việc phá dỡ khu vực này đang được tiến hành để làm cầu vượt. Trong ảnh là các ngôi nhà sát với di tích đang che bạt để phá dỡ. Ảnh chụp sáng 17/4.

"Tại sao chúng ta cần phải quan đến vấn đề này? Là vì Đàn Xã Tắc là một trong những vị trí cực kỳ quan trọng trong không gian tâm linh của Thăng Long – Hà Nội. Có thể nghĩ đơn giản thế này, nếu trong mỗi gia đình có bàn thờ tổ tiên thì Đàn Xã Tắc chính là nơi thờ tự của cả Quốc gia. Hệ thống di vật thuộc mỗi quần thể di tích thường liên quan đến nhau. Là vị trí đất thiêng thì sẽ có nhiều di tích xung quanh đó.

Chính vì thế tôi rất quan tâm đến vị trí con Nghê cũng như hai trụ nghi môn Đình Đông này. Chúng được xây bằng vữa vôi, gạch to bản, niên đại khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 và nó đặc biệt quan trọng nếu gắn với di tích Đàn Xã Tắc. Thông thường tất cả các di tích đặt cùng một vị trí được cho là “địa linh” đều có mối liên quan đến nhau. Ở đây, ta thấy nghi môn của Đình Đông có liên quan với vị trí của đồn Công an hiện nay – chính là đình Đông trước đây. Ngôi đình này chỉ mới bị phá cách đây hai chục năm để xây trụ sở này".

{keywords}

Cận cảnh con Nghê linh thiêng có nguy cơ biến mất trong những ngày tới.

TS Hải cho hay hai trụ cổng này là dấu vết cuối cùng của đình cổ Đình Đông. Vì vậy, "dù giữ lại 1 viên gạch hay một mảnh vỡ của con Nghê hay trụ để đưa về Bảo tàng Hà Nội thì sau này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm lại hay phát hiện thông tin liên quan đến Đàn Xã Tắc. Rõ ràng trước khi kinh đô chuyển vào Huế thì đàn Xã Tắc chính là nơi thờ tự quan trọng nhất ở Thăng Long. Nếu bị phá và không giữ lại được vết tích gì cả thì sau này muốn tìm hiểu lịch sử sẽ cực kỳ khó", TS Hải cho biết thêm.

Theo nhận định của TS Hải thì từ hình thức của con Nghê này có thể phán đoán niên đại của nó khoảng thế kỷ 18-19, đây cũng là hình thức hiếm trong các mô tuýp về Nghê ở Việt Nam. "Nếu có thể tiến hành khảo cổ từ Đàn Xã Tắc vào vị trí Đình Đông bây giờ thì chắc còn nhiều phát hiện thú vị khác. Nếu nói về mặt khảo cổ thì Hoàng thành Thăng Long quan trọng hơn di tích này nhưng nếu nói về mặt tâm linh thì di tích quốc gia này quan trọng hơn. Đây có thể nói là một trong những địa điểm quan trọng nhất với Thăng Long Hà Nội, chẳng khác gì đền Hùng đối với Việt Nam cả".

Di chỉ thiêng với dân chúng

{keywords}
TS Hải (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Bảo tàng Hà Nội đến làm việc tại hiện trường sáng 17/3 thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt di tích, đây cũng là di chỉ mang tính tâm linh. Nhiều người dân sinh sống ở đây kể cho chúng tôi những câu chuyện lạ lùng, hết sức linh thiêng liên quan đến di chỉ này. Theo người dân ở đây thì hàng năm, vào nhiều dịp khác nhau người ta luôn tổ chức cúng lễ hai ông Nghê này vì cho rằng ông Nghê ở đây rất thiêng.

Bà Vài, người dân sinh sống tại đây là một trong những người thường xuyên sửa soạn lễ cúng ra nói nhỏ với chúng tôi: "Đừng đụng vào hai ông Nghê này. Hôm trước dự án họ cũng làm lễ rất to, vừa làm vừa lễ". Khi hay tin chúng tôi tới làm tin với hy vọng giữ lại di tích này hoặc chuyển về bảo tàng, bà Vài nói vậy thì quá tốt. Tuy nhiên cũng như bà Vài, người dân ở đây nói tốt nhất nên chuyển về đình Hoàng Cầu vì sau khi Đình Đông bị phá, người ta đã làm lễ chuyển Thành hoàng làng về đình Hoàng Cầu.

{keywords}
Đình Đông tương truyền là nơi thờ Phùng Hưng và 3 nhân vật huyền thoại: Anh Đoái Đại vương và Hoàng thái hậu Phương Dung, Bảo Hoa công chúa.

Sáng 17/4, sau chuyến khảo sát tại đây, hai cán bộ của Bảo tàng Hà Nội đã làm việc với phòng văn hóa Quận Đống Đa. Theo đó, phương án tiếp theo sẽ là chờ ý kiến từ Ban quản lý dự án, quận Đống đa để di dời di chỉ trên về Bảo tàng Hà Nội. Phương án tạm thời là làm việc với bên thi công và yêu cầu trong những ngày tới chưa động chạm đến di tích. Sau chuyến khảo sát Bảo tàng Hà Nội sẽ xem xét việc nên di chuyển cả hai con Nghê hay lấy cả cột trụ về Bảo tàng, sau đó làm việc trực tiếp với bên thi công.

Hạnh Phương

Ảnh: Hoàng Vy