Dịch giả Lê Hồng Sâm cho biết, các bản dịch tiếng Việt trước đây rất chính xác theo nguyên tác, lỗi sai vô cùng ít.

Tác giả "Những thứ họ mang" lên tiếng về câu dịch tục

Dịch tục chưa từng có, độc giả phản ứng mạnh

Tọa đàm "Dịch thuật trong thực tế xuất bản" do Nhã Nam và Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức nhận được sự quan tâm đông đảo của bạn đọc, nhất là sau các luận đàm trên báo chí và dư luận về bản dịch "Những thứ họ mang" của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng. Tuy nhiên, bản dịch này hoàn toàn không nằm trong những vấn đề được đề cập đến của buổi tọa đàm. 

{keywords}
Tọa đàm "Dịch thuật trong thực tế xuất bản" ngay từ đầu đã không dự định đề cập đến cuốn "Những thứ họ mang"

Với sự tham dự của dịch giả Lê Hồng Sâm (tiếng Pháp), dịch giả Trịnh Lữ (tiếng Anh), dịch giả Lương Việt Dũng (tiếng Nhật), dịch giả Đào Bạch Liên (tiếng Trung), BTV Thùy Linh (tiếng Anh, Nhã Nam), nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dẫn chương trình; buổi tọa đàm đã trở thành cuộc trao đổi giữa các thế hệ dịch giả sau chuỗi chuyển dịch vài chục năm về thời gian.

Dịch 1 cuốn sách chỉ sai 1 từ!

Quan niệm dịch và quá trình dịch giả thực hiện một bản dịch đã thay đổi rất nhiều. 

Nhưng thái độ cẩn trọng, nghiêm túc và chính xác khi làm nghề có vẻ như vẫn dành được sự hưởng ứng nhiều nhất từ khán giả. Những tràng pháo tay lớn nhất đã nổi lên sau chia sẻ của dịch giả Lê Hồng Sâm (đã ngoài 80 tuổi) khi bà trả lời câu hỏi "Các dịch giả tiền bối có sai không?". 

{keywords}
Dịch giả Lê Hồng Sâm từng nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp, năm 2002

"Các vị ấy không phải không có lỗi sai, nhưng tỉ lệ rất-rất ít" - dịch giả Lê Hồng Sâm nói - "Khi hệ thống lại các tác phẩm dịch của Balzac tại Việt Nam, trách nhiệm với độc giả Việt Nam và Tổ chức nghiên cứu quốc tế về Balzac mà tôi là thành viên khiến tôi muốn rằng mình phải làm thật tử tế. Tôi thành lập một hội đồng cùng với các bậc đàn anh: anh Đỗ Đức Hiểu, anh Phùng Văn Tửu, chị Đặng Thanh Đào, chị Đặng Thị Hạnh... xem lại 7 tác phẩm lớn của Balzac do các bậc tiền bối dịch.

Khi xem lại chúng tôi thấy, các lỗi sai rất ít. Ví dụ như cả cuốn "Miếng da lừa" do bác Trọng Đức dịch, thì chỉ bị sót 1 chữ thôi [mais blanche? - PV]. Mà chữ đó không quan trọng. Viết về một buổi làm lễ không có rượu, không có bánh thánh, bác Trọng Đức bỏ từ đó [mais blanche? - PV], chỉ ghi là "lễ". Sau đó tôi xin phép thêm vào là "lễ suông
". 

Tôi cho rằng sai ít như thế bởi vì các vị đó giỏi, rất giỏi. Và tuy rằng không có điều kiện sống ở Pháp, nhưng họ đã sống với nền văn hóa, cảm nghĩ, cuộc sống... trong các tác phẩm văn chương. Giống như khi tôi đến Pháp lần đầu tiên, dù là lạ, nhưng vẫn thấy quen vì tên các góc phố đã hiện hữu trong các tác phẩm văn chương mà mình tiếp cận. Họ thẩm thấu, sống thật sự với tác phẩm, làm việc cẩn thận. Làm ít thôi, nhưng có trách nhiệm". 

Dịch giả Lê Hồng Sâm cho rằng "Dịch thuật là sự phục tùng có sáng tạo". Bà cũng bàn thêm khái niệm về "độ" (sự chừng mực) - một phạm trù trong triết học Hy Lạp mà bà cho rằng rất quan trọng khi làm bất cứ điều gì. Giới hạn về "độ" này phụ thuộc vào người làm, vào toàn bộ kinh nghiệm, ý thức và khả năng của họ. "Độ" cũng là một khái niệm thay đổi theo thời gian. 

Bản địa hóa hay ngoại lai?

Các dịch giả Lương Việt Dũng và Trịnh Lữ dường như có quan niệm linh hoạt và rộng rãi hơn khi dịch. Hướng nguồn và hướng đích không còn là phạm trù được bàn tới, thay vào đó họ sử dụng các khái niệm lạ tai hơn.

{keywords}
Từ trái sang: dịch giả Lê Hồng Sâm, dịch giả Trịnh Lữ, dịch giả Lương Việt Dũng

Hai dịch giả này cho biết, có 2 xu hướng dịch: bản địa hóa và tiếp nhận ngoại lai.

Bản địa hóa là cách để bạn đọc trong nước (dù ở trình độ thấp) có thể tiếp cận dễ dàng. Đi theo cách này, tên nhân vật, địa danh cũng được thay đổi lại cho phù hợp với văn hóa bản địa. Đây là cách người Nhật đã làm trước đây với đa số các tác phẩm văn chương, và người Mỹ hiện nay đang làm. Tuy nhiên, với các tác phẩm triết học và kỹ thuật, người Nhật lại dịch theo hướng ngoại lai. 

Dịch giả Lương Việt Dũng (tiếng Nhật) nói, điều đó giúp phần đông dân số Nhật dễ dàng tiếp cận, đọc hiểu các tác phẩm văn học nước ngoài. Còn theo dịch giả Trịnh Lữ, tại nước Mỹ, dịch kiểu Mỹ hóa các tác phẩm văn học Châu Phi, Nam Mỹ cho thấy "các nền văn hóa lớn đang nuốt chửng các nền văn hóa nhỏ". 

Hai dịch giả cho biết thêm, ở Việt Nam, hiện nay, xu hướng dịch ngoại lai đang chiếm ưu thế. Một nhóm độc giả có khả năng ngôn ngữ, kỹ năng đọc hiểu và khả năng ngoại ngữ đòi hỏi điều này. Trịnh Lữ cho rằng cách dịch này sẽ làm phong phú thêm tiếng Việt, tạo ra ngôn ngữ thuần túy - thứ ngôn ngữ chung nhất đứng giữa các loại ngôn ngữ - và làm giàu thêm cho nền văn hóa. 

Hồ Hương Giang