Với gia tài hơn 1000 bức chân dung đủ thể loại vẽ mẹ Việt Nam anh hùng, nữ họa sĩ Đặng Ái Việt đã chính thức được tổ chức kỷ Châu Á xác nhận kỷ lục "Người vẽ chân dung mẹ Việt Nam Anh Hùng nhiều nhất”.

 

Bắt đầu từ tháng 2/2010, với hành trang là một chiếc xe máy Chaly cũ và từ chối mọi lời đề nghị giúp đỡ, nữ họa sĩ 70 tuổi này đã rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường của tổ quốc để ghi lại hình ảnh các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Vào trung tuần tháng 10/2010, Triển lãm ảnh đầu tiên của bà với tên gọi Chân dung mẹ Việt Nam anh hùng đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ trưng bày 140 bức ký họa chân dung. 9 tháng sau, Triển lãm thứ hai - Nét vẽ tri ân tiếp tục được tổ chức và giới thiệu tới công chúng 300 tác phẩm cùng những câu chuyện, kỷ niệm đầy cảm xúc mà bà gom nhặt được trong suốt hành trình.

Trước khi xác lập kỷ lục Châu Á, họa sĩ Đặng Ái Việt cũng đã được công nhận hai kỷ lục Việt Nam. Đó là "Nữ họa sĩ vẽ chân dung mẹ Việt Nam Anh Hùng nhiều nhất”  "Người phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh thành ký họa chân dung mẹ Việt Nam Anh Hùng".

{keywords}
Các tân kỷ lục gia Châu Á của Việt Nam

Cùng được tổ chức kỷ lục Châu Á vinh danh lần này, ngoài họa sĩ Đặng Ái Việt, còn có NSƯT - đạo diễn Nguyễn Văn Lượng và họa sĩ Trương Hán Minh. Nếu như NSƯT - đạo diễn Nguyễn Văn Lượng trở thành kỷ lục gia Châu Á với thành tích "Đạo diễn có số lượng phim về đất nước – con người miền biển đảo nhiều nhất châu Á” thì họa sĩ Trương Hán Minh lại được công nhận với kỷ lục "Họa sĩ vẽ tranh thủy mặc có số lượng tranh được bán đấu giá để làm từ thiện nhiều nhất”.

Bên cạnh đó, tác phẩm Cửu Long tranh châu, được chế tác bằng ngọc nguyên khối Pakistan cũng được đại diện tổ chức kỷ Châu Á trao tặng danh hiệu bức tranh bằng ngọc nguyên khối lớn nhất. Cửu Long tranh châu gồm 9 con rồng, ở giữa là viên ngọc minh châu, có chiều cao 1,83m (bao gồm phần âm vào đế gỗ 5cm), rộng 2,1m, dày 35cm và nặng hơn 2 tấn.

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, đã có 7 kỷ lục Châu Á được xác lập tại Việt Nam. Ngoài những kỷ lục kể trên còn có 3 kỷ lục Phật giáo được ghi nhận là Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á (An Giang), Tượng Phật nhập Niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu (Bình Thuận) và Tượng Phật nhập niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á (Bình Dương).

Tất cả bằng xác nhận đều được đích thân ông Biswaroop - Tổng giám đốc sách kỷ lục Châu Á trao tận tay tới các kỷ lục gia.

Linh Phạm