Chắc chẳng ai tin là cô nàng Adele có biết chuyện ở VN đang có một văn phòng "giúp" cô và đồng nghiệp phát đơn đến các rạp để đòi tác quyền vì “sử dụng” ca khúc Skyfall trong hàng ngàn suất chiếu bộ phim “Điệp viên 007- Skyfall”.

Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) phản hồi những vấn đề mà VietNamNet đặt ra trong câu chuyện yêu cầu rạp chiếu trả tác quyền nhạc phim.

{keywords}

 

Trong thư điện tử phản hồi, được gửi tới VietNamNet chiều tối ngày 4/7, VCPMC đã trả lời nhiều vấn đề xoay quanh câu chuyện trên với yêu cầu đăng nguyên văn để đảm bảo “logic theo luật pháp”. Tuy nhiên, bài phản hồi khá dài và vượt quá khuôn khổ của một bài báo nên chúng tôi không thể đăng toàn văn, mà chỉ xin tập trung vào một số vấn đề chính trong câu chuyện với toàn bộ lập luận pháp lý của phía Trung tâm và những câu hỏi còn để ngỏ.

 

VCPMC cố tình hiểu sai Luật?

 

VietNamNet đặt câu hỏi vì sao trong cơ sở pháp lý (được viện dẫn trong công văn) dẫn đến quyết định thu phí tác quyền nhạc phim đối với rạp chiếu, Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định về nhạc phim và các công việc sáng tạo khác trong phim không được xem xét đến. Trong phần trả lời, VCPMC dẫn lại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định về Quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm (trong đó có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền sao chép tác phẩm…) và cho rằng các quyền tài sản này là quyền độc quyền của tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.

 

VCPMC lập luận: Khi các nhà sản xuất phim sử dụng tác phẩm âm nhạc trong bộ phim nào đó, thì họ phải xin phép và trả tiền sử dụng quyền sao chép của tác giả (được ghi trong điều 20 nói trên). Tại khoản 3 Điều 21 Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh qui định "Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều này có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác theo thoả thuận với những người quy định tại khoản 1 Điều này (Trong đó có tác giả âm nhạc)”

 

Điều đáng nói là lập luận này đã bỏ qua khoản 1 và khoản 2 của Điều 21. Trong đó quy định quyền tài sản (đối với nhạc phim và các yếu tố sáng tạo khác trong phim) được chuyển giao cho nhà sản xuất phim, và tác giả chỉ còn lại một số quyền nhân thân khi khoản 3 được thực thi. Cả ba khoản này được xác lập đồng thời khi bản hợp đồng giữa nhà sản xuất và tác giả về việc xin phép và sử dụng tác phẩm được ký kết.

 

Vì bỏ qua hai trên ba điều khoản ràng buộc lẫn nhau trong cùng một điều luật, lập luận của VCPMC dường như chỉ còn nhìn thấy quyền nào của tác giả bị xâm phạm để còn… đòi tiền. Việc yêu cầu rạp chiếu trả tác quyền nhạc phim được VCPMC dẫn giải như sau: Khi bộ phim được các nhà sản xuất phân phối cho các đơn vị kinh doanh để chiếu tại các rạp chiếu phim, thì phát sinh quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng.

 

Thế nên, Trung tâm cho rằng các rạp chiếu phải thực thi khoản 1 Điều 23 Nghị định 100/2006 của Chính phủ. Theo đó: “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua chương trình ghi âm, ghi hình hay các phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Trong khoản này, biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào ngoại trừ gia đình”.

 

Nhưng như đã nói ở trên, khi hợp đồng được ký kết với người làm nhạc phim, quyền tài sản – trong đó có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng – thuộc về nhà sản xuất. Và các rạp chiếu có cơ sở khi cho rằng việc đúng mà VCPMC phải làm là đi tìm các nhà sản xuất đang “xù” tác quyền hay xài chùa tác phẩm mà không xin phép tác giả.

 

Căn cứ nào đòi tác quyền nhạc phim theo suất chiếu?

 

Đáng ngạc nhiên là VCPMC còn đi xa hơn lập luận của mình trong quyết định sẽ đòi các rạp trả tác quyền nhạc phim tính theo suất chiếu, và nhạc chờ ở sảnh tính theo diện tích sàn.

 

Khi được hỏi đâu là căn cứ pháp lý cho việc này, VCPMC trả lời: “Trung tâm là tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả thuộc thành viện của tổ chức quốc tế CISAC (Tổ chức các nhà soạn nhạc và lời thế giới) nên mọi hình thức cấp phép sử dụng tác phẩm âm nhạc đối với tất cả các lĩnh vực (bao gồm sử dụng tác phẩm trong phim tại rạp chiếu phim, sử dụng tác phẩm làm nhạc nền...) đều phải theo quy chuẩn quốc tế (ngoại trừ mức giá sử dụng tác phẩm là tùy thuộc vào mặt bằng kinh tế và thị trường tại lãnh thổ Việt Nam”.

Tuy nhiên, trung tâm không nói rõ đó là những “quy chuẩn” nào, được ghi trong công ước hay luật quốc tế nào.

 

Còn trong tình hình rạp chiếu VN bị thống trị bởi phim ngoại, VCPMC cho biết: “Hiện nay Trung tâm đã được hầu hết tất cả các tác giả âm nhạc Việt Nam ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả, ngoài ra Trung tâm đã ký kết hợp đồng song phương với trên 48 tổ chức quản lý quyền tác giả nhạc quốc tế thuộc 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với trên 3.5 triệu tác phẩm âm nhạc. Trung tâm cũng là thành viên của tổ chức CISAC (tổ chức các nhà soạn nhạc và lời thế giới). Vì vậy, Trung tâm phải có trách nhiệm bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thuộc các tổ chức thành viên của Trung tâm". 


Hiện các rạp chiếu phim lớn tại VN vẫn chưa có phản hồi gì về vấn đề này.

 

Minh Chánh