- Qua câu chuyện của bố mẹ tôi, của "Lá cờ", thì thấy rằng những việc tôi gặp còn quá đơn giản, không so được với khó khăn, gian khổ mà thế hệ trước đã trải qua...

>Backstreet Boys giúp quảng bá Việt Nam ra thế giới
Lá cờ
đã đoạt tới 3 giải thưởng Bài hát Việt 2010 trong đó có giải quan trọng do Hội nghệ sĩ Việt Nam bầu chọn và giải thể nghiệm. Tạ Quang Thắng gần đây  trở thành tác giả và giọng ca được yêu thích của giới trẻ.

“Tôi thích ca khúc "Lá cờ" của Tạ Quang Thắng hơn "Việt Nam" của Mai Khôi” - MC Anh Tuấn chia sẻ. Mời bạn đọc nghe lại ca khúc "Lá cờ" của Tạ Quang Thắng tại đây:
 
Muốn được đánh giá về chuyên môn

"Lá cờ" được gửi tham gia vào vòng thi cuối cùng của Bài hát Việt 2010, do đó nó không được quen thuộc lắm với người nghe như  "Việt Nam" của Mai Khôi hay "Uống trà" của Toàn Thắng. Tại sao anh gửi "Lá cờ" muộn thế?
Tạ Quang Thắng: - Tôi sáng tác xong Lá cờ vào khoảng tháng 6/2010. Lúc này ca khúc "Hà Nội níu bóng em" cũng vừa lọt vào vòng bình chọn tháng 6 rồi. Thời gian đó ekip của tôi (anh Hải - chồng nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, anh Dũng ...) vừa đi Hong Kong mua đàn nên chưa có người hòa âm cho Lá cờ để kịp đợt gửi tháng 9, thế nên tôi chỉ kịp cho đợt gửi cuối cùng vào tháng 12(BHV hiện nay gửi ca khúc dự thi 3 tháng 1 lần - PV).
Anh có thấy tiếc vì gửi bài hát khá muộn không? Bởi vì nếu gửi sớm hơn thì có thể sẽ có hiệu ứng tốt hơn rồi?

Không, tôi chẳng tiếc gì cả! (cười). Làm nhạc là làm cả năm, cả đời chứ đâu phải chỉ để gửi lấy giải thưởng Bài hát Việt. Hơn nữa theo tôi, hiệu ứng cũng không phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian. Gửi sớm hơn chưa chắc đã được mọi người nghe nhiều và bình chọn nhiều. (cười) Thực ra Thắng cũng không tin lắm vào giải bình chọn. Thực tế cho thấy có nhiều người nghe, thích, nhưng họ lại không bình chọn thì sao?! Tôi quan tâm và muốn được đánh giá về mặt chuyên môn. Anh em trong nghề nghe, thích là tốt rồi. Tôi cũng không hẳn là làm nhạc để "chiều" khán giả. Nhìn lại Lá cờ tôi thấy hiệu ứng cũng tốt đấy chứ! Mọi người nghe, khen cũng nhiều mà! (cười vui)

"Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc - Nam" (Lời bài hát)

Anh sáng tác trên đàn guitar hay piano?

Ca khúc Lá cờ được Thắng sáng tác trên đàn guitar. Một số ca khúc khác thì sáng tác trên piano. Tôi chơi được cả piano, guitar, trống, kèn trumpet; nhưng chỉ guitar là mang lên sân khấu biểu diễn được. Tôi cũng phải chơi được các loại nhạc cụ khác để khi đưa bài cho ban nhạc phối khí thì ít nhất cũng phải "tả" được là "đoạn này em muốn như thế này".

Như vậy có thể nói anh làm phần lời và giai điệu, còn ekip sẽ đảm nhiệm hòa âm?

Đúng như vậy!

Bố mẹ tôi cũng làm nghệ thuật

Những nghệ sĩ mà anh yêu thích chủ yếu là Pop/Rock đương đại nước ngoài như Rascal Flatts, Colbie Caillat, Daughtry, James Morrison hay Nickelback, ở Việt Nam thì chỉ có ca sĩ Tùng Dương thôi ... Vậy lý do gì để  một người trẻ như anh viết "Lá cờ" - một tác phẩm mang màu sắc khá truyền thống, với một chút nhìn về quá khứ như vậy?

Mọi người nghe tôi hát hay chơi đàn thì thường nói kiểu của tôi khá là "Tây"! Bài hát này chỉ đơn giản là kể lại một câu chuyện trong thực tế. Bố tôi cũng học nghệ thuật, nhưng sau đó phải bỏ dở để tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau này về ông cũng được huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng 3, rồi được cử đi học ở Liên Xô cùng với NS NDTrung Kiên - bố  của nhạc sĩ Quốc Trung. Hai ông thân nhau lắm. Mẹ tôi làm ở đoàn văn công, đi hát ở tỉnh xa phục vụ bộ đội, nguời dân miền núi, thậm chí hát trên loa phóng thanh của làng xã, phục vụ bà con làm ruộng, đồng.  Đọc lời bài hát thì đó đúng là một câu chuyện, chứ tôi không thêm bớt điều gì vào đó cả!

Tôi cũng được nghe bộ mẹ kể chuyện về bobo, phải đun sôi lên mới ăn được, rồi những câu chuyện về phiếu tem ... nhưng đặc biệt trong những câu chuyện, bao giờ cũng có lồng ghép một ý - đó là thời chiến tranh, rồi thời bao cấp sau hòa bình, cuộc sống gian khổ như thế nhưng mọi người vẫn vui vẻ, lạc quan.

Phần cuối thì tôi có thêm một chút về bản thân trong câu "rồi từ nay tôi bước trên con đường đời..." Vì việc làm nhạc của tôi cũng không phải là con đường bằng phẳng và suôn sẻ. Điều này không phải ai cũng biết, chỉ có những người làm nghề, ở bên cạnh tôi mới rõ nhất. Nhưng qua câu chuyện của bố mẹ, của Lá cờ, thì thấy rằng những việc tôi gặp còn quá đơn giản, không so được với những khó khăn, gian khổ mà thế hệ trước đã trải qua, khi còn phải đối diện với cái chết, hay chịu đói".

Nếu muốn hát, phải tự sáng tác ca khúc
Trong Bài hát Việt 2010 và cả trước đây, phần đông khán giả đều thấy nổi lên yếu tố của người trẻ, như Tạ Quang Thắng, Phạm Toàn Thắng, Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Xinh Xô... tự sáng tác, tự biểu diễn - bao gồm cả hát và chơi nhạc cụ - và theo đuổi con đường âm nhạc khá độc lập, không nhận được sự hậu thuẫn của các ekip lớn. Thắng có thấy như vậy sẽ thiệt thòi hơn các ca sĩ ngôi sao khác trên con đường dẫn tới thành công?

Không biết mọi người như thế nào, nhưng bản thân tôi không hướng tới làm một ca sĩ vừa hát vừa sáng tác – kiểu singer/songwriter. Tôi học thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội, từ khoảng 3 năm nay tôi hướng theo dòng nhạc Country Rock. Nhưng hiện nay ở Việt Nam không ai viết Country Rock cả. Vì thế nếu muốn hát, tôi phải tự sáng tác ca khúc.


"Ở Việt Nam chưa ai viết nhạc Country Rock"

Hiện giờ có quá sớm để anh định hình phong cách, hay anh còn muốn thử nghiệm sự đa dạng thêm nữa?

Như tôi bây giờ cũng muộn rồi, còn thử nghiệm gì nữa (cười). Tôi theo đuổi con đường âm nhạc cũng hơn 3 năm rồi, nhiều bạn bè bằng tuổi tôi bây giờ cũng đã có những thành công nhất định. Tôi đang đi chậm đấy!

Cảm ơn Tạ Quang Thắng, chúc anh sẽ thành công với CD đầu tay và tiếp tục thể hiện những ca khúc hay như "Lá cờ"!

Hồ Hương Giang (Nguồn clip: Youtube)