Tôi gặp họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân tại một Gallery trong nội thành Hà Nội, nơi một trong số các bức tranh được treo là bức vẽ biển của anh. Không quá khó để nhận ra bức tranh đầy cá tính ấy: những vệt sơn dầu bám khô thành từng mảng, gợn sóng trong một buổi đẹp trời.
Biển và trời, biển và màu sắc, biển và cảm xúc… cứ thế dội vào nhau, đan xen và cùng nhau dạt dào thành một giai điệu. Tôi gọi giản dị, đó là giai điệu Nguyễn Ngọc Dân.
Những người thầy đầu tiên
Sinh năm 1972, chàng trai quê gốc Hải Phòng ấy thích vẽ từ nhỏ và từng học vẽ trong Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng. Nhưng tình yêu đối với hội họa của Nguyễn Ngọc Dân thực sự được chắp cánh nhờ người cha của mình, một người làm cắt may giỏi của thành phố hoa phượng đỏ. Đối với cậu bé Dân ngày ấy, ông chính là người thầy đầu tiên.
Luôn nhìn sự vật ở góc cạnh thẩm mỹ của nó, người thợ may ấy chỉ có mong muốn duy nhất là đứa con trai út sẽ theo đuổi nghệ thuật, để có thể nhận thấy hết vẻ đẹp tràn đầy màu sắc của thế gian.
Chính ông đã dắt cậu bé Dân đang bỡ ngỡ tới gặp thầy Trần Văn Trù, một họa sỹ có tiếng ở Hải Phòng để nhờ thầy dạy vẽ. “Đó là người thầy khai tâm cho tôi, người thầy rất có tài và có nhân cách”, Nguyễn Ngọc Dân kể lại. Họa sỹ Trần Văn Trù nhìn cậu bé Dân rồi quay sang hỏi người cha: “Thích vẽ để bán tranh ngoài chợ hay để vào trường mỹ thuật?”. Người cha trả lời dứt khoát: “Để vào trường mỹ thuật!”. Và thế là từ giây phút ấy, con đường hội họa đã mở ra với cậu bé Nguyễn Ngọc Dân.
Nguyễn Ngọc Dân |
Sớm nhận ra cá tính sáng tạo nghệ thuật của anh, thầy Trần Văn Trù vốn nghiêm khắc nhưng đã luôn động viên, khích lệ. Cuối mỗi năm học, bao giờ Nguyễn Ngọc Dân cũng là học sinh trong lớp học vẽ nhận được phần thưởng từ thầy, đó là tập tranh của các họa sỹ nổi tiếng thế giới, trong đó có ghi lời đề tặng: “Yêu tặng học sinh giỏi nhất”.
Thầy Trù với tất cả lòng nhiệt huyết, yêu thương và kỳ vọng đã truyền lửa cho cậu bé Dân, vạch ra cho Dân con đường phấn đấu, thi cử. Mỗi một ngày, hội họa cùng với cả thế giới lấp lánh ánh hào quang của nó trở nên gần gũi hơn với Nguyễn Ngọc Dân nhờ sự hướng dẫn, giúp đỡ của thầy. Anh nói: “Không biết tự bao giờ tôi và thầy đã coi nhau như ruột thịt”.
Giai điệu của biển
Vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1991, tốt nghiệp năm 1996 chuyên ngành hội họa, chuyên khoa sơn mài nhưng sau này Nguyễn Ngọc Dân lại bén duyên với sơn dầu. Với sơn dầu, anh có thể tung hoành trên mặt toan bằng những nét cọ khi cực thực lúc khoáng đạt, bằng những màu sắc khi lộng lẫy lúc đằm sâu. Sơn dầu cho anh một không gian rộng lớn hơn, nơi mà trí tưởng tượng, cảm xúc, ý tưởng và bút pháp nghệ thuật có đất để thăng hoa.
Mải mê tìm kiếm và bộc bạch chính mình, anh luôn làm việc như sợ ngày mai không thể làm được nữa. Anh đặt tất cả vào bức tranh, cả tâm tưởng, trái tim, cả buồn vui, khát vọng, cả con người nghệ sỹ đang sáng tạo với tất cả thẩm quyền tri nhận và thụ cảm nghệ thuật.
Một đặc điểm của Nguyễn Ngọc Dân là anh có thể vẽ tốt ở bất kì mảng đề tài nào: chân dung, tĩnh vật hoa, phong cảnh… Các bức ký họa chân dung của anh như “Nụ cười trẻ thơ”, “Bé Nguyễn Thuận”, “Nhà cổ sinh học Đặng Vũ Khúc”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Bác Khôi”… đều bộc lộ được cái hồn, cái thần của nguyên mẫu. Mảng tranh hoa như “Sen”, “Hoa hồng”, “Dâm bụt đỏ”, “Hoa bằng lăng”, “Phong lan tím”, “Hoa lay ơn”… cũng rất ấn tượng. Nét cọ khi thì chi tiết, lúc lại trở nên thoáng hoạt, màu sắc khi loang lổ bảng lảng, lúc lại cô đọng.
Với tranh phong cảnh cũng vậy, lối thể hiện của Nguyễn Ngọc Dân khá đa dạng. Một thủ pháp độc đáo khó nhầm lẫn với ai khác là họa sỹ tạo ra những mảng sơn dầu lăn tăn như sóng, khiến cho bức tranh vừa không quá thực lại có được cái nhòe mờ, bí ẩn, tinh tế của sắc màu và cảm xúc. Thủ pháp này được Nguyễn Ngọc Dân tận dụng triệt để khi vẽ biển.
Các mảng màu sơn dầu trong tranh biển của anh khi nhỏ li ti, lúc gợn lên thành tảng gồ ghề trên mặt toan, y như những con sóng đang chất chứa những gầm gào buồn vui, giận dữ, lo âu thầm kín. “Sóng xanh”, “Sóng vờn”, “Sóng đỏ”, “Sóng và thuyền”, “Sóng màu”, “Mây xuống biển”, “Chân dung biển”… là những giai điệu khi trầm tư lúc ồn ã của biển. “Thực ra tôi vẽ biển là đang vẽ chính tôi”, anh nói. Nếu như biển thực sự có cảm xúc thì điều ấy đã được thể hiện trong tranh Nguyễn Ngọc Dân. Anh đã thực sự chiếm lĩnh được biển bằng sức mạnh của cảm xúc và ý tưởng.
Tranh sơn dầu "Cửa biển". |
Giai điệu của phố
Vốn có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, ngòi bút của Nguyễn Ngọc Dân luôn phản ứng lại sự đơn điệu. Có thể nói “dây điện” chính là phát hiện mới của anh trong hành trình xóa nhòa biên giới giữa nghệ thuật cao cấp và bình dân, truyền thống và hiện đại của nghệ thuật đương đại. Sự thử nghiệm này của anh đồng thời là một cuộc dấn thân. Người họa sỹ không chỉ đặt ra mà còn chất vấn đến tận cùng, say mê trong thế giới đó, thậm chí tìm kiếm vẻ đẹp của tất cả mọi sự hỗn độn, rối rắm, gai góc của nó.
Có ý tưởng vẽ dây điện từ năm 2002, nhưng đến năm 2006 Nguyễn Ngọc Dân mới thực sự đi sâu vào lĩnh vực này. Xuất phát từ những lần đi trên đường phố Hà Nội, dừng lại ở những ngã tư đèn đỏ đèn xanh, nhìn thấy những cột điện và cả một thế giới dây điện loằng ngoằng phía trên thành phố, Nguyễn Ngọc Dân bắt đầu suy tư về… dây điện.
Và rồi những bức tranh cứ thế được vẽ ra với một lòng say mê đến cuồng nhiệt. Dây điện đan chéo, che lấp hết cả một khoảng trời bên trên chiếc loa trong bức “Loa phường thời đại thông tin”, dây điện cuộn vào nhau và đứt gãy trong bức “Một mớ bòng bong”, dây điện neo từ bên này đường sang bên kia đường, nhằng nhịt trong bức “Vắt qua phố”, quá nhiều dây điện trong bức “Đường điện nào đi đến nhà tôi?”, “Án ngữ góc phố”, “Điện khí hóa”, “Tầng tầng lớp lớp dây”, “Mạng nhện thông tin”, “Bủa vây quanh bốt Hàng Đậu”…
Lạ ở chỗ, dây điện không khiến cho tranh của Nguyễn Ngọc Dân trở nên khô cứng, nhạt nhẽo. Ngược lại, người ta tìm được vẻ đẹp của chúng, đúng hơn là vẻ đẹp của ý tưởng nghệ thuật mà chúng chuyển tải. Ở những bức tranh này, tính tư tưởng và tính nghệ thuật được người họa sỹ hòa trộn, nâng lên ở một trình độ cao.
Người ta không chỉ thấy dây điện mà còn thấy cả một khoảng trời xanh mây trắng, những ô cửa, những tán lá xanh mướt, chùm hoa rực rỡ phía sau nó. Người ta không chỉ thấy thế giới của công nghệ thông tin mà còn thấy thế giới của người ẩn giấu phía sau nó. Không có người mà vẫn thấy người, thậm chí rất đông đúc. Cuộc sống hiện đại với mạng lưới công nghệ thông tin, sự đan xen lúc phồn thịnh, đồng thuận, khi bon chen, lộn xộn của chúng, sự tiện ích và vẻ đẹp đánh mất…, tất cả đồng hiện trong tranh Nguyễn Ngọc Dân.
Đôi khi anh tìm thấy một “nốt son trên khuông nhạc”, nhưng có lúc lại bực dọc trước “mạng nhện” rối rắm, lúc lại hoang mang hay băn khoăn trước một “ngã tư”, một “điểm dừng”… Anh vẽ ra và gợi mở, chứ không áp đặt người thưởng thức vào bất cứ một cái khuôn ý tưởng nào.
Nguyễn Ngọc Dân cho biết, để vẽ được những bức tranh dây điện không hề đơn điệu ấy, anh phải dùng thủ pháp “cào xới”. Không đơn giản chỉ vẽ bằng cọ, người họa sỹ dùng đến cả que, cả đũa để xới lật từng mảng sơn dầu đã được phủ dầy trên mặt toan, “như thế mới ra được những đường dây loằng ngoằng, chằng chéo” - anh nói. Cách thức này khiến cho tranh dây điện của anh có chiều sâu và hết sức sinh động. Mang đặc thù riêng của đề tài, mảng tranh dây điện của Nguyễn Ngọc Dân khiến anh trở nên khác biệt với chính mình ở những đề tài khác khi tạo hình.
Khi vẽ dây điện, Nguyễn Ngọc Dân không quá bận bịu với sắc màu hay bố cục. Chính ý tưởng đã nghiễm nhiên soi đường, nghiễm nhiên ràng buộc sắc màu và bố cục cho phù hợp với nó. Tranh vẽ dây điện của anh thường kiệm màu, hòa sắc tinh tế. Bức “Còn đó một khoảng trời xanh mây trắng” là sự tương phản giữa hai gam màu: màu đen của hàng trăm nghìn dây điện và màu trắng xen lẫn xanh của bầu trời. Nhiều bức chỉ gam màu đen và trắng, nhưng thường vẫn có những điểm nhấn đỏ, xanh, vàng, tím nhỏ bé, đủ để làm cho bức tranh không trở nên đơn điệu.
Nguyễn Ngọc Dân vẽ nhiều, vẽ mê mải, vẽ như điên. Những miệt mài sáng tạo của anh đã được thể hiện qua hàng loạt bức tranh, hàng loạt cuộc triển lãm. Ngoài triển lãm đầu tiên vào năm 2003 với chủ đề “Chân dung - Biển”, Nguyễn Ngọc Dân có hàng loạt triển lãm tranh và sắp đặt cá nhân ở trong nước và nước ngoài như triển lãm sắp đặt “Vắt qua phố” vào tháng 11 năm 2007 tại Hà Nội, triển lãm sắp đặt “Cảm xúc” vào tháng 7 năm 2008 tại Hà Lan, trình diễn cá nhân “Phía trên thành phố” vào tháng 5 năm 2009 tại Hà Lan, triển lãm “Hương sắc” vào tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội. Gần đây nhất là triển lãm “Phố” vào tháng 12 năm 2012 tại Hà Nội.
Các cuộc triển lãm sắp đặt và trình diễn cá nhân của Nguyễn Ngọc Dân cũng gây xôn xao dư luận bởi tính độc đáo của chúng. Người ta nói: “Hắn điên rồi!”, hay: “Hắn chập mạch”, nhưng với một giọng điệu yêu quý và ngưỡng mộ. Nguyễn Ngọc Dân cho biết anh đang và sẽ tiếp tục với dây điện. “Không chỉ vẽ, không chỉ sắp đặt, tôi sẽ thông qua bất cứ hình thức nào đó để làm nghệ thuật về dây điện”, anh nói. “Sắp tới tôi sẽ cho ra mắt một tập sách tranh dây điện, ở đó cái nhìn về dây điện sẽ có nhiều góc độ hơn, đa dạng hơn, tính nghệ thuật sẽ mạnh mẽ và cô đọng hơn”.
Tạm biệt họa sỹ Nguyễn Ngọc Dân, tôi ra về khi cái nắng buổi trưa đã trùm lên cả thành phố. Đến một ngã tư đèn đỏ, bất giác tôi nhìn lên bầu trời và thấy cơ man nào là dây điện. “Người họa sỹ ấy nói đúng, rằng một ngày nào đó những đường dây này sẽ bị chôn dưới lòng đất, khi ấy những bức tranh dây điện sẽ trở thành những chứng nhân lịch sử” - tôi thầm nghĩ và mỉm cười…
Quỳnh Lâm