Tôi đã thay đổi
Vậy là chị đã vượt qua hai cột mốc quan trọng, là lấy chồng và sinh con. Nhưng có vẻ như, hai cột mốc của chị, luôn gây những tò mò, bởi vì 2 lý do: một-chị là Linh Nga; hai-chị lấy ai và làm dâu nhà ai. Xin thẳng thắn, có bao giờ chị bị áp lực vì hai lý do đó, để rồi luôn phải gồng mình lên trong cuộc sống của mình?
Tôi sống tự nhiên lắm và không việc gì phải gồng mình cả. Dù tôi là Linh Nga, hay là vợ ai, dâu nhà ai, thì những hành động với cuộc sống của mình, với văn hóa sống của mình không dễ gì thay đổi. Người ta nói gì, nghĩ gì đó là việc của họ, việc của tôi tôi làm và làm tốt nhất có thể.
Đúng hơn, tôi vẫn bị áp lực về sự nghiệp, trong khoảng thời gian có bầu rồi sinh em bé. Với một diễn viên múa, nghỉ sinh 9 tháng và chăm con sau khi sinh mổ gần 1 năm nữa là thời gian quá dài. Nó giống như hình ảnh cô vũ công trong “Thiên Nga đen”, tự cào cấu mình khi mình mất cơ hội được lên sân khấu, rất đau đớn và dằn vặt. Có những khoảng thời gian tôi cảm thấy rất bí bách vì không được diễn, dù mỗi ngày vẫn đến đoàn tham gia biên đạo. Mỗi sáng tôi nhìn vào gương thấy mình phát phì, không mang nổi đồ diễn và giày, tôi hiểu được cái cảm giác của một người nghệ sĩ múa bị mất vóc dáng, nó gần giống như người ca sĩ bị mất giọng vậy. Tôi từng chịu đau suốt 7 giờ đồng hồ để chờ sinh thường, vì bác sĩ nói nếu sinh thường sẽ được trở lại sân khấu sớm hơn, nhưng cuối cùng vẫn phải sinh mổ. Sau xong, nhích từng bước đi không nổi, tôi từng nghĩ chắc sự nghiệp của mình có lẽ chấm dứt từ đây rồi. Một động tác đơn giản nhất của múa là xoạc chân cũng không làm được. Đứng trên sàn diễn mà chân cứ run cầm cập.
Chị có bị bế tắc hay rơi vào trầm cảm trước những áp lực đó?
Không. Tôi có một tính cách đặc biệt là thường rất lạc quan và ít để mình rơi vào những tình huống trầm trọng. Sinh con xong, tôi tâm sự về nghề với mẹ, mẹ tôi có nói: “Hoặc là bỏ hẳn, hoặc là tiếp tục. Nếu tiếp tục thì phải làm lại từ đầu”. Mỗi tối, khi con ngủ, tôi bắt đầu đi tập, bằng mọi giá phải giảm cân, lấy lại vóc dáng để trở lại sàn diễn sớm. Chính mẹ là người gò tôi từng ngày cho việc tập thời gian này. Sau một tháng tập luyện, tôi đi diễn các show lẻ của đoàn.
Nhưng một điều giúp tôi lấy lại thăng bằng tâm lý thời gian chăm con chính là tôi có được những khoảng lặng quý báu trong đời của một người nghệ sĩ, nó giúp tôi nhìn lại mình kỹ hơn và có những ý tưởng tốt hơn cho công việc.
Làm dâu một gia đình quyền quý đã khó. Làm “mẹ của cháu họ” lại càng khó hơn. Thế mà chị vẫn dễ dàng được trở lại với sàn diễn khi con còn nhỏ thế ư?
Chồng hay gia đình chồng tôi chưa bao giờ nói một câu “không” với tôi. Gia đình chồng tin tưởng tôi trong nghề nghiệp, cuộc sống, cũng như trân trọng sự chăm sóc tôi và cháu của bố mẹ tôi. Vì người cùng nghề, bố mẹ luôn biết lúc nào tôi có thể lên sân khấu. Điều may mắn là sức khỏe tôi rất tốt. Khi sinh con được 12 ngày tuổi, tôi đã đi tập. Mẹ chồng rất yêu nghệ thuật và am hiểu nó nên bà hiểu sự lao động của người nghệ sĩ. Tôi cố gắng để mọi người thấy rằng không có vấn đề gì cả. Điều mà tôi cho rằng mình thành công là trở lại sân khấu và diễn một cách bình thường như thể là chưa sinh nở bao giờ.
Khi ở nhà, tôi đáp ứng rất nhiều thời gian cho chồng con. Tôi ở nhà cả ngày và chỉ đi tập vào buổi tối, khi em bé đi ngủ. Có gia đình, cuộc sống của một người phụ nữ ham mê công việc cứ như lúc mở lúc đóng giữa cống hiến và vun vén. Có thể Linh Nga trước kia là một người dành nhiều thời gian cho mình nhưng giờ Linh Nga là con người của gia đình và của những gì lớn hơn cái tôi cá nhân. Khi tôi bước lên sân khấu, thì tôi là Linh Nga của sân khấu, chứ không phải để khán giả thấy những gì là cá nhân của mình, mà hãy để nó lại phía sau tấm màn sân khấu. Trong nghệ thuật không nên để phải nói lời xin lỗi vì bất cứ lý do gì. Còn về với gia đình, tôi gác lại mọi công việc.
Nhiều người đẹp đã từ bỏ nghệ thuật vì lý do vun vén cho gia đình. Một người thích vun vén và sự “an toàn” như chị, lẽ nào ngoại lệ?
Tôi không thể nói do lập gia đình, sinh con, nên tôi không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nữa. Đã rất nhiều người lấy lý do đó để từ chối sân khấu và khán giả. Bất cứ người phụ nào cũng đến lúc lập gia đình và sinh con, vấn đề là sớm hay muộn, còn sự nghiệp lại là một điều khác. Mỗi người có quyền lựa chọn, còn về phần tôi, tôi không cho phép mình lấy gia đình ra để ngụy biện cho bất cứ điều gì trong công việc. Nói thật, bây giờ tôi có đủ điều kiện để ăn chơi nhảy múa hoặc chỉ ngồi ở nhà chơi với con tôi thôi, nhưng không lẽ một ngày 24 tiếng mình chỉ sống như thế? Bao đồng nghiệp của tôi cũng lập gia đình, sinh con, rồi tiếp tục đi diễn. Ngay cả bố mẹ tôi cũng vậy, nuôi tôi thành người, giờ hơn 50 tuổi vẫn lên sàn tập và vẫn múa, có việc gì để phải dừng lại đâu?
Không cường điệu cuộc sống của mình
Chồng chị, như đã có lần chị chia sẻ, luôn ủng hộ nghề nghiệp của chị và hiểu hết những nỗ lực của chị trong sự nghiệp. Chị có nghĩ rằng, không nhiều người tin hành động đó của “người đàn ông gắn với không ít đồn đại” này?
Tin hay không không quan trọng vì cuộc sống của tôi thế nào tôi biết. Tôi chỉ nói rằng, tất cả những quyết định quan trọng của tôi, anh ấy đều biết, và ủng hộ tuyệt đối. Tất cả những buổi biểu diễn của tôi, anh đều đi xem và đã từng nói rằng, xem xong thấy thương tôi nhiều hơn.
Lấy chồng, có con rồi, giờ là thời điểm tôi tập trung nhiều năng lượng cho công việc. Có những lúc tôi dành 100% thời gian cho gia đình nhưng có lúc cũng chỉ 20%. Sự dàn xếp đúng và hợp lý là cần thiết. Có những chương trình quan trọng với 100 con người đang chờ tôi và con tôi khóc ầm lên như thể không muốn mẹ đi, tôi sẽ làm gì? Nếu như em bé ổn về sức khỏe, thì tôi sẽ để chồng lo cho con còn tôi sẽ tập trung thời gian cho chương trình vì lúc này người chồng phải hiểu, hai vợ chồng cùng giúp đỡ nhau trong mọi việc. Có con, tôi và anh ấy cũng thay đổi nhiều. Mỗi lần đi chơi đâu, nghe tiếng con qua điện thoại, là anh ấy vội vàng về nhà ngay.
Nhiều người vẫn nghĩ, Linh Nga là một “Thiên Nga yếu ớt”, nhưng thực ra qua công việc, và cách mà chị khiến người khác, ví dụ như gia đình chồng phải ủng hộ và trân trọng nghề nghiệp của mình, thì hẳn chị phải là người “cao tay” đấy chứ?
Từ “cao tay” thì hơi nặng nề quá, nhưng tôi cũng có những “chiêu” của tôi. “Chiêu” ở đây không phải là toan này tính nọ mà là cách để những người thân của tôi hoàn toàn tin tưởng, và tạo điều kiện cho tôi. Nếu như nhà chồng tôi bắt tôi bỏ nghề khi lấy chồng thì chắc chắn không có cuộc hôn nhân này vì ngay từ đầu, tôi lập gia đình nhưng muốn phải tiếp tục theo nghề. Bố mẹ chồng biết rằng nghề này cũng là một nghề rất khó, không phải nghề ai cũng học được hay học một năm là thành nghề. Khi sinh con, thay vì khoảng thời gian ở nhà hưởng thụ, sành điệu và hàng hiệu, thì tôi lại dành thời gian cho tập luyện. Tôi đi bộ, rồi đi tập rất nhiều sau khi sinh, dĩ nhiên là không ai biết. Khi tôi trở lại với chương trình Sen, sau 4 tháng nghỉ chăm con, bố mẹ chồng từ Hà Nội vào xem cũng rất ngạc nhiên vì tại sao tôi có thể làm lại một cách nhanh đến thế.
Có người còn khuyên tôi nên đóng một bộ phim để nổi tiếng, cần gì múa máy cho mệt, tôi nghĩ, giá trị của con người đôi khi nó đơn giản thế thôi sao?
Đúng, có bao nhiêu người làm kinh doanh kiếm được rất nhiều tiền, trong khi múa mãi, có show chỉ được mấy chục nghìn, thế nhưng đó là giá trị. Múa là giá trị của tôi, và tôi làm nghệ thuật một cách chân chính mới được mọi người tôn trọng.
Thử để biết thêm vài lĩnh vực, đang là lựa chọn của nhiều người, thậm chí có người thành “sao” sáng hơn vì sự lựa chọn thứ hai đấy thôi?
Tôi bỏ ra bao năm khổ luyện, bao năm mơ ước, đâu phải muốn nói rẽ là rẽ được? Cái giá của đam mê là sự không thể thay thế. Cuộc sống luôn có những công bằng riêng với những người biết tận hiến. Người ta cứ nghĩ, nếu tôi làm thêm một lĩnh việc khác, ví dụ đóng phim, tên tuổi tôi sẽ đi lên nhưng tôi nghĩ ngược lại, nếu tôi chuyển sang một lĩnh vực khác thì mọi thứ thực sự chấm hết. Mà tôi thì không thể chơi một ván cờ mà tôi biết mình là người thua cuộc.
Chị tỉnh táo quá!
Anh biết điều tôi muốn lớn nhất là gì không? Chính là tôi muốn làm việc gì phải trọn vẹn việc đó. Từ lúc về nước, sau “Vũ”, tôi làm những việc mưu sinh để nuôi nghiệp múa. Rồi tôi lập gia đình, tôi vẫn chưa thấy là mình đã có một sự nghiệp đâu, dù việc đó để yên ổn trong cuộc sống rồi tập trung cho sự nghiệp chứ không phải để cái gì cũng lỡ cỡ. Thế nên, đây là lúc tôi làm nghệ thuật mạnh nhất, tức là tập trung cho nghề bằng tất cả năng lượng chứ không phải thích thì nhảy chỗ này, muốn lại nhảy sang lĩnh vực khác. Tôi không muốn mất đi cụm từ “nghệ sĩ múa Linh Nga” để thay vào đó là “diễn viên điện ảnh Linh Nga” hay bất kỳ một danh xưng nào khác. Đừng gọi tôi là một cái gì khác ngoài diễn viên múa, tôi cảm thấy xấu hổ.
Nhưng đam mê nào mà chẳng phải trả giá?
Tôi không cường điệu cuộc sống của mình như thế. Bình tĩnh sống, bình tĩnh làm việc là điều tôi chọn. Lửa nghề sẽ bùng cháy với bất cứ ai yêu nghề, còn trả giá hay không là do tham vọng của từng cá thể. Trong cuộc sống, đặc biệt là trong nghệ thuật, có những cuộc chiến để khao khát một cái đỉnh nào đó nhưng có lẽ, tôi không phải là người thích giành giật, chiến đấu để leo lên một cái đỉnh. Hãy cứ làm bằng hết những gì có thể trong nghề nghiệp, thì anh mới sống bằng nghề. Hãy vì cuộc sống trước khi vì những gì cao xa. Mà khi anh có một cuộc sống đúng nghĩa thì những gì cao xa không còn là điều quan trọng nữa.
Ừ nhỉ, đánh đổi, chấp nhận trả giá, rồi tức tối ghen tị… có vẻ làm cho nhiều người mất nhiều thời gian quá, để rồi không còn thời gian để sống cho bình thường, cho đúng nghĩa nữa…
Song song với nghệ thuật, thì điều quan trọng với cuộc sống của tôi là gia đình. Nghệ thuật phải từ từ, không thể là thức ăn nhanh được. Từ từ để làm nhưng từ từ để còn sống cho những sự thiêng liêng của mình. Một bộ phận người trẻ bây giờ sính ngoại một cách tiêu cực. Họ thích thức ăn nhanh, sẵn sàng hôn ghế một diễn viên nước ngoài, nhưng nhắc đến nghệ thuật truyền thống thì cho là nhà quê… Phòng trà, sân khấu thì nhiều, nhưng để có một chương trình nhạc giao hưởng mà người ta phải mặc vest, những bộ đồ hiệu sang trọng đến im lặng để lắng nghe thì có được bao nhiêu? Có những thương hiệu trên thế giới người ta sắp hàng để được mua nó chỉ vì nó có bàn tay của nghệ nhân tỉ mỉ. Nghệ thuật hàn lâm cũng thế, người ta bỏ ra 10-15 năm trong cuộc đời chỉ để trở thành một người biểu diễn trong giàn nhạc.
Tôi nghĩ, thái độ của một con người quan trọng vô cùng, nó quyết định mọi thứ. Tôi hoàn toàn có thể lựa chọn sự hưởng thụ, nhưng tôi chọn lao động. Sự nghiệp hay gia đình, cái nào cũng thiêng liêng. Tự lập từ năm 12 tuổi, 16 năm theo niềm đam mê gia truyền của gia đình và giờ, sự phù phiếm của showbiz, sự xa hoa trưng diện của cuộc sống đương thời không kéo tôi đi được.
Nhiều lúc tôi cô đơn
Chị nghĩ sao, nếu có ý kiến rằng, chị đang làm mọi thứ để giữ người đàn ông của mình?
Tôi tôn trọng sự tự nhiên trong cuộc sống, chứ không phải là buông hay giữ. Mà thực tế thì đừng bao giờ nghĩ phải giữ cái này hay cái kia vì mình giữ thì chắc gì đã giữ được? Nền tảng xây nên tình yêu đó là sự quan tâm, trân trọng tất cả mọi thứ và tự nguyện. Không ai ép buộc được ai cả. Tôi chọn cách hiểu người khác, và đi tìm tòi mọi thứ để vun đắp cho gia đình mình suốt 4 năm qua. Chúng tôi đều là những người đã từng ở nước ngoài nên cuộc sống nhẹ nhõm lắm, không đặt nặng phải làm thế này hay làm thế kia. Phải có thời gian cho chính bản thân mình, và mọi người đều có những thế giới riêng, tiếng nói riêng khi bước ra ngoài. Tuy nhiên, khi về nhà, phải có tiếng nói chung đó là con cái và cuộc sống gia đình.
Không ghen tuông? Không đòi hỏi?
Nói không thì không đúng. Khi bước vào cuộc hôn nhân này, sự ghen tuông hay tất cả mọi thứ chỉ là giai đoạn đầu và đã qua hết rồi. Trọng điểm bây giờ là con. Giờ tôi và chồng đều bận rộn nên chuyện ghen không còn tồn tại trong cuộc sống của tôi nữa.
Tôi không đòi hỏi nhiều ở người khác, mà tôi chọn sự tôn trọng. Tôn trọng và được tôn trọng trong cuộc sống, nghe đơn giản là thế nhưng hoàn toàn không dễ dàng trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Bản thân khi tôi vào thế giới của múa, chồng tôi cũng nhìn tôi một cách bí ẩn vì anh ấy ít khi biết được hoàn toàn là tôi đang làm gì. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống vợ chồng đôi khi cũng cho mình cái quyền không được biết hết. Cũng như công việc của anh ấy không phải cái gì tôi cũng hiểu hết, thì ngược lại công việc của tôi tôi chỉ chia sẻ một phần nào thôi.
Độc lập trong cuộc sống, hết lòng cho công việc, tôn trọng thế giới riêng của chồng. Còn gì nữa không, phía sau những điều “tích cực” này?
Đôi khi tôi rất cô đơn. Cô đơn trong chính cuộc sống và nghề nghiệp của tôi, không chia sẻ với ai được, kể cả chồng. Và cũng có những lúc tôi cũng không muốn chia sẻ.
(Theo Thế giới người nổi tiếng)