Tại những Trung tâm bảo hành sửa chữa đồng hồ cho các thương hiệu lớn  thu nhập hàng tháng của người thợ chính lên tới cả ngàn USD. Và thực sự sốc nếu biết rằng có “thợ sửa chữa đồng hồ dạo” nhưng thu nhập lại lên tới vài chục triệu.

Nhà sưu tập đồng hồ, nói một cách đơn giản, họ là những người mua đồng hồ theo một quan điểm và tiêu chí tương đối nhất quán; đặt thành những bộ sưu tập theo tên tuổi, chủ đề, trường phái, thời điểm lịch sử… Đơn giản thế, nhưng để trở thành một nhà sưu tập đúng nghĩa, được thế giới công nhận, thì xem ra ở Việt Nam phải rất lâu nữa mới có người đạt đến tầm cỡ này.

{keywords}

Đồng hồ để bàn của Pháp sản xuất cuối TK XIX, vỏ bằng đá, phù điêu đồng, tượng đồng, mặt men, máy chạy ngựa ngoài.

Một nhà sưu tập cần hội tụ đủ 3 yếu tố quan trọng. Thứ nhất phải có niềm đam mê thật sự, có người coi việc sưu tập như cái “nghiệp”. Đây là điều kiện cần thiết và tiên quyết. Thứ hai là phải có tiềm lực kinh tế. Nếu chỉ có cái Tâm (niềm đam mê) mà không đủ Lực thì bộ sưu tập sẽ từ từ đội nón ra đi vào tay những người đam mê khác. 

Thứ ba là phải am hiểu và có trình độ chuyên môn nhất định (thậm chí còn phải không ngừng trau dồi thêm). Nếu cứ nhắm mắt mua bừa theo sự điều khiển của cái đầu rỗng tuếch thì sớm muộn cũng sẽ sở hữu được một bộ sưu tập “hổ lốn”. May mắn chỉ đến với một hay một vài trường hợp chứ không thể ngẫu nhiên dàn đều tới tất cả bộ sưu tập đồng hồ đồ sộ - thứ làm nên tên tuổi của một nhà sưu tập.

{keywords}

Omega Seamaster De Ville, dòng đồng hồ Vintage trung cấp.

Việt Nam chưa thành lập được Hiệp hội đồng hồ mà chỉ là những hội chơi đơn lẻ. Ngoài việc có vài “nhà sưu tập” tự phong mang ra trưng bày trước công chúng một bộ sưu tập cá nhân nho nhỏ thì chưa có bất kỳ tên tuổi hay sự kiện nào đáng được giới sưu tập đồng hồ trên thế giới lưu tâm.

Với những người này, dù rất có ý thức sưu tập nhưng áp lực đồng tiền vẫn đè nặng. Họ thường vừa mua bán, vừa sưu tập. Có những chiếc đồng hồ tưởng chừng như “sống để chơi, chết chôn theo tàu sáu ván” nhưng khi đạt đến giá mong muốn là họ vẫn sẵn sàng bán như thường.

Tất nhiên, có thể đó chỉ là bề nổi, ngoài xã hội rộng lớn kia vẫn còn rất nhiều “tảng băng chìm” đang ngày đêm tích trữ cho riêng mình những bộ sưu tập đồng hồ yêu thích và giá trị nhưng tất cả vẫn chỉ dừng ở mức độ thiên hạ đồn hoặc nghe nói vậy.

Nghề sửa chữa đồng hồ đi vào dĩ vãng?

Để trả lời một cách thấu đáo cho câu hỏi trên, người viết đã có những cuộc khảo sát thị trường và trao đổi với rất nhiều nhân vật có tiếng trong giới đồng hồ trên cả nước. Câu trả lời tựu chung lại là: nghề đồng hồ đã, đang và sẽ vẫn là một nghề có thu nhập tốt.

{keywords}
Nghề sửa chữa đồng hồ

Trong một con ngõ nhỏ, khuất nẻo tại Ngọc Thụy – Gia Lâm, Hà Nội, thời gian gần đây, người ta rất đỗi ngạc nhiên, khi xe cộ ra vào nườm nượp và điểm đến là ngôi nhà của hộ gia đình mới chuyển về.

Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi gia chủ cho trưng biển “Sửa chữa đồng hồ” và đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế vụ. Thì ra đây chính là địa chỉ mới của người thợ sửa đồng hồ rất có uy tín tại Hà Nội: bác Thịnh "Gà" (do trước đây bác đã có thời gian sửa chữa đồng hồ lâu năm tại Phố Hàng Gà).

Theo như thông tin từ bác Thịnh thì khách hàng chủ yếu của bác đều là khách ruột, cộng thêm khách là giới kinh doanh, buôn bán đồng hồ cơ, cũ, cổ, nghe tiếng bác mà tìm tới. Ngày làm việc của bác bắt đầu từ 8h sáng và thường xuyên phải làm thông tầm đến tối muộn. Ngày ít thì 5, 7 khách, còn đông thì vài chục.

Giá sàn lau dầu, bảo dưỡng 1 chiếc đồng hồ là 500.000 đồng, lại không mất tiền thuê chỗ nên thu nhập hàng tháng của bác Thịnh quả là niềm mơ ước đối với khá nhiều người.

{keywords}

Thế nhưng, đó chưa phải là mức thu nhập đỉnh của một người thợ sửa đồng hồ tại Việt Nam. Tại những Trung tâm bảo hành sửa chữa đồng hồ cho các thương hiệu lớn, thu nhập hàng tháng của người thợ chính lên tới cả ngàn USD là chuyện hết sức bình thường. Và thực sự sốc nếu biết được rằng, có “thợ sửa chữa đồng hồ dạo” nhưng thu nhập lại lên tới vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Giới sưu tập đồng hồ miền Bắc, không ai là không biết đến Tiệp "Phú Xuyên". Với thâm niên sửa chữa đồng hồ lâu năm và tay nghề vững, bác thợ này chuyên trị dòng đồng hồ treo tường, đồng hồ tủ, đồng hồ để bàn cổ, đặc biệt là các ca khó (thợ khác đã bó tay) và sửa chữa tận nhà khách hàng, bất kể thời gian. Với lịch sửa chữa dày đặc, chỉ sau vài năm có mặt ở Thủ đô, bác Tiệp đã tậu được hẳn 1 căn hộ và cho vợ con nhập tịch Hà Thành.

Và nếu mà nghề đồng hồ đã là dĩ vãng, là lỗi thời thì tại sao, một người đầu óc kinh doanh ưu việt như ông Quang Hàng Trống (chủ thương hiệu đồng hồ treo tường Kashi nổi tiếng) lại đứng ra lập hẳn 1 Trung tâm sửa chữa đồng hồ hoành tráng ngay trên phố Hàng Bông - con phố vào dạng tấp nập với giá thuê đắt đỏ nhất của Hà Thành? Trung tâm này hội tụ những thợ sửa chữa đồng hồ có đẳng cấp (đều đã từng học ở Trường đồng hồ Hàng Bông – Hà Nội) và hiện đang duy trì hoạt động rất hiệu quả.

{keywords}

Và rồi trên khắp mọi miền tổ quốc, những người yêu thích âm thanh thổn thức của điệu nhạc Westminster và tiếng tích tắc của các loại đồng hồ cơ, cũ, cổ, không khó để tìm được cho mình những người thợ sửa chữa đồng hồ, ngày đêm vẫn miệt mài, tận tâm với nghề. Những cái tên như Dũng Nam Định, Thanh Omega (Hà Nội), Duy Bình Định, Tuấn Thái Bình, Âu Dương Phong – Tuấn Nha Trang, Tỷ Bình Thới (TP.HCM)… đều đã trở nên quá đỗi quen thuộc với giới chơi đồng hồ cơ, cũ, cổ của cả nước.

Cứ vậy, qua từng ngày, bên cạnh việc duy trì nhịp đập đồng hồ cơ, cũ, cổ những người thợ sửa chữa đồng hồ còn là cầu nối để cho những người bình thường đến gần hơn với phạm trù “sưu tập đồng hồ” và đó cũng chính là bước đệm để họ bước tới một lĩnh vực mới: kinh doanh đồng hồ cơ, cũ, cổ - nhiều hấp dẫn nhưng cũng rất lắm chông gai và trắc trở.

Nghiêm Trang