- "Văn hóa Việt Nam có một bản sắc riêng, ông cha ta không bao giờ chấp nhận việc "ăn sống nuốt tươi" văn hóa ngoại lai. Việt Nam không phải là “bản sao rập khuôn” của bất kì nền văn hóa nào khác. Thế mà bây giờ lại đưa nghệ thuật ngoại lai vào nơi thờ tự. Đừng biến mình thành nô lệ văn hóa", Giáo sư Trần Lâm Biền.
Văn hóa không được nhập nhèm
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, hiện tượng sử dụng sư tử đá tràn lan, vô tổ chức đã có từ lâu ở Việt Nam. Đi tới đâu, thấy sư tử đá Tàu ông cũng đều than phiền và giải thích cho trụ trì chùa, có người hiểu bỏ đi, có người không. Nhiều người cứ coi đó là chuyện nhỏ nên không để ý, nhưng đó là sự phản văn hóa. Nếu bày tràn lan như vậy, con cháu chúng ta lớn lên sẽ mặc định rằng đó là sư tử Việt, đó là sự nhập nhèm về văn hóa.
"Thực ra những con sư tử kiểu Tàu không xấu, nhưng nó không mang tính dân tộc. Bước vào chùa chiền, cơ quan doanh nghiệp Việt Nam mà cứ như bước vào một thế giới khác không phải của người Việt thì có tức không?", ông Cường bức xúc.
"Hình như thói chuộng đồ lạ, sính đồ ngoại đang là mốt. Nhưng bực ở chỗ là người ta lại phô trương đồ lạ ở ngay nơi thờ tự thanh tịnh hoặc chốn nghiêm minh như cơ quan công quyền. Người Việt cần chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, văn hóa nước Việt. Trước khi sử dụng một biểu tượng gì hay cung tiến vào đình chùa vật gì, nên chăng hãy tìm hiểu kỹ lưỡng để tránh vừa mất tiền vừa nhận về những tác dụng không như ý lại ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống dân tộc", PGS.TS Nguyễn Lân Cường nói.
Sư tử đá trước cửa chùa Vân Hồ, Hà Nội. |
Đừng tự biến mình thành nô lệ văn hóa
Theo GS. Trần Lâm Biền, câu chuyện sư tử đá xâm lăng nơi thờ tự Việt không phải là câu chuyện mới, ông và nhiều nhà nghiên cứu cũng đã kêu mãi rồi nhưng chẳng ai nghe. Cách đây vài năm, hiện tượng này xảy ra âm thầm và nhỏ lẻ nhưng bây giờ nó công khai, như thách thức cơ quan quản lý văn hóa.
"Văn hóa Việt Nam có một bản sắc riêng, ông cha ta không bao giờ chấp nhận việc "ăn sống nuốt tươi" văn hóa ngoại lai. Việt Nam không phải là “bản sao rập khuôn” của bất kì nền văn hóa nào khác. Thế mà bây giờ lại đưa nghệ thuật ngoại lại vào nơi thờ tự. Đừng biến mình thành nô lệ văn hóa", ông nói.
Theo GS Trần Lâm Biền, để xảy ra hiện tượng này không hẳn phải là lỗi của người dân bởi bản thân người dân họ không hề ý thức được việc làm trên. Lỗi ở đây là thuộc về những cá nhân, cơ quan quản lý văn hóa đã không làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và cả quản lý văn hóa nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.
Chỉ khi người dân có kiến thức, có hiểu biết, ý thức được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thì đó mới là phương pháp bảo vệ văn hóa truyền thống tốt nhất trước sự xâm lăng của văn hóa ngoại lai.
Sư Tử lai Tàu án ngữ ở Đền Trình (Chùa Hương) |
Phạt nặng ban quản lý di tích sử dụng sư tử đá Tàu
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo cực lực phản đối việc mang sư tử Tàu vào nơi thờ tự Việt. Theo ông Tuấn, từ xưa tới nay ông cha ta không bao giờ mang sư tử đá Trung Quốc về đặt ở chùa chiền hay nhà cửa. Dù có sư tử đá không xuất phát từ Việt Nam nhưng ông cha ta đã học hỏi và biến tấu con sư tử đá theo thẩm mỹ người Việt chứ không bê nguyên xi sư tử Tàu như hiện nay.
Việc bày tràn lan sư tử đá Tàu về mặt tâm linh và thẩm mỹ đều ảnh hưởng. Tại sao Việt Nam có các linh vật được cho là bảo vệ nơi thờ tự của Phật giáo như chó đá, sấu đá, sư tử đá (thời Lý)... mà không dùng? "Đây là thói a dua, tự tiện. Việc đưa các chân đèn theo kiểu Trung Quốc và Nhật Bản vào chùa chiền đã là một cái sai, phản cảm, giờ lại đưa sư tử đá vào nữa thì không thể chấp nhận được. Các di tích quốc gia mà có bày sư tử đá thì các cơ quan chức năng nên phạt thật nặng ban quản lý di tích", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, việc bày sư tử đá ở chùa nhiều khi cũng là do phật tử cúng dường, tấm lòng phật tử thì trụ trì ghi nhận nhưng không phải cái gì cũng bày tự tiện được, phải tuân thủ theo Luật di sản.
Tình Lê