Những hiện vật thời bao cấp đang trưng bày tại nhà sàn số 9 Trần Thánh Tông (Hà Nội) đã lấy được xúc cảm của nhiều người sống qua những năm tháng không thể nào quên về thời bao cấp ngày ấy ở Thủ đô.
Lặng người bên chiếc giường gỗ, trên đó có tấm chăn con công và đôi gối thêu tay hình trái tim, ông Trịnh Kim Thắng (59 tuổi, cán bộ ngành ngoại thương) miết chặt tay trên những thanh gỗ phía đầu giường.
“Ngày đó, lương cán bộ được 21 đồng/tháng. Vợ chồng tôi cưới nhau được cho một cái giường giống hệt như thế này, trị giá những 200 đồng, một tài sản lớn lắm, giữ như báu vật”, ông Thắng bồi hồi kể.
Mân mê chiếc mũ rơm treo trên chiếc xe đạp hiệu Favorit của Liên Xô thật lâu, vợ ông Thắng, bà Nguyễn Ngọc Uyên (59 tuổi) đưa chiếc mũ lên đầu và bảo cô gái đứng cạnh chụp cho mình một tấm ảnh.
Bà Uyên hồi tưởng lại những năm 1965-1966, khi chiến tranh gia đình sơ tán về ngoại thành Hà Nội, bà và các anh em trong nhà phải đến trường làng với chiếc mũ rơm, một cái túi có cả bông băng thuốc đỏ và bộ nẹp tre để có thể tự sơ cứu khi bị thương...
Ông Thắng, chồng bà, người duy nhất trong 11 anh em trong nhà, phải “xếp hàng” 10 năm, nhờ danh hiệu cán bộ tiên tiến mới đến lượt được mua một chiếc xe đạp hiệu Phượng Hoàng của Trung Quốc giá 220 đồng.
“Giá cái xe Favorit kia bán ở khu tổng hợp Tràng Tiền là 1.000 đồng, bằng gần 2 năm tiền lương công chức, còn giá phân phối của nhà nước là 500 đồng, chỉ nhà nào “đại gia” mới có”, ông Thắng bảo.
Gian phòng mộc mạc với tường vôi trắng có chiếc tủ gỗ lát hai buồng, cái vali vỏ bìa của Liên Xô, hòm đạn được tận dụng làm ghế ngồi, những bì thư tay đóng khung cẩn thận trong một cái khung kính... đưa ông bà Thắng, Uyên trở lại những năm khốn khó của Hà Nội mấy chục năm về trước.
Trong nền nhạc khe khẽ của bài hát “Mang cơm cho mẹ đi cày”, không gian phòng trưng bày với chiếc bàn thờ cổ, bộ bàn ghế gỗ với những chiếc chén bằng sứ Hải Dương, cái đồng hồ lên dây cót màu xanh có hình chiếc máy bay, lọ hoa huệ đặt trên chiếc bàn có những cuốn sách ố vàng... đủ đánh thức cả quá khứ trong lòng người.
“Em hay nghe bố kể về thời bao cấp. Bố nói có khi phải lén lút lấy trộm đường của bà trong chạn để ăn vì thèm thuồng. Em không tin và thắc mắc sao đường cũng thiếu thốn? Giờ em đã hiểu phần nào câu chuyện ấy”, một sinh viên Đại học Ngoại ngữ chia sẻ.
Thanh niên chưa biết về thời bao cấp xem triển lãm thì ngạc nhiên “Ồ, à, xem này”, người trung niên thì lặng lẽ đi đến từng hiện vật và khe khẽ, “Đúng cái quạt này rồi. Đúng cái bi đông đựng nước, cái ca sắt tráng men... này rồi” tưởng như tìm lại được một phần cuộc đời đã trôi xa.
“Gia đình tôi có 11 anh em, thêm hai bố mẹ tổng cộng 13 người sống trong một căn nhà cổ ở số 42A Trần Hưng Đạo. Tối đến nằm ngủ thì xếp như xếp cá. Nhìn thấy một cái xe chở rau muống qua đầu ngõ thì chạy xô đến xếp hàng vòng trong vòng ngoài, chìa ra cái sổ loại E mua được 2 cân thì sung sướng. Niềm vui thời ấy giản dị lắm, sờ cái lốp xe không xuống hơi, buộc được trên ghi-đông xe tòng teng bó rau muống, thế là vui như Tết” - bà Trịnh Ninh Phụng, 57 tuổi, giáo viên nghỉ hưu cho biết.
Bà Phụng trầm ngâm bên cái chạn bát, nơi những chiếc bát chiết yêu, đĩa sắt tráng men Hải Phòng xếp ngay ngắn bên cái liễn sứ rạn vết chân chim.
Những chiếc đĩa sắt tráng men này ngày trước phải để dành tiền, cả năm mới dám ra bách hóa Tràng Tiền mua vài chiếc.
“Nhà nào có đám cưới, mang tặng một cái chậu men giá 20 đồng coi như sang trọng nhất họ”, bà Phụng cười.
“Thời bao cấp” trưng bày bộ sưu tập của nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức, chính ông cũng là người tự tay bài trí không gian “Thời bao cấp” trong căn phòng ở tầng 3, nhà sàn Collective, số 9 Trần Thánh Tông.
Tiếc là không trưng bày được những tấm tem phiếu và những cuốn sổ gạo đặc trưng của thời bao cấp nhưng triển lãm của Nguyễn Mạnh Đức cũng đủ để khiến người xem rưng rưng...
Chiếc xe đạp Favorit của Liên Xô giá 1.000 đồng ngày trước với đầy đủ biển số, bơm xe, có cả chiếc mũ rơm treo trên ghi đông - một tài sản cực kỳ lớn thời bao cấp.
Những chiếc đồng hồ Slava của Liên Xô lên dây cót quý giá của nhiều gia đình. Phải nhà ai có con đi học ở Liên Xô mới mang về được những chiếc đồng hồ này, nếu không trong nước chỉ có thể mua được đồng hồ Trung Quốc
Bi đông, ca sắt tráng men và chiếc quạt đến nay vẫn chạy
Tủ thờ cổ kính của nhiều gia đình có điều kiện thời bao cấp
Những đồ dùng được mang về từ chiến trường, trở thành những tài sản quý giá
Vợ chồng ông bà Trịnh Kim Thắng và Nguyễn Ngọc Uyên xúc động được chụp ảnh trên đúng chiếc giường cưới của mình gần 30 năm về trước
Với ông Thắng, những hình ảnh thời bao cấp không thể nào quên trong ông
Hai vợ chồng ông Thắng nâng niu những chiếc đĩa sắt tráng men Hải Phòng mà trước đây cả nhà phải dùng hết sức giữ gìn
Giới trẻ Hà Nội ngạc nhiên không gian ông bà, cha mẹ mình đã sống những năm về trước
Anh Odaka Tai, 47 tuổi, giảng viên môn lịch sử ĐH Takushoku, Nhật Bản, một người sưu tầm nhiều hiện vật thời bao cấp của Việt Nam chia sẻ với những bạn trẻ ở không gian “Thời bao cấp”.
Theo Thanh Niên