- “Con số doanh thu chiếu bóng cả ngàn tỉ mỗi năm không rơi vào túi chúng ta, mà đã đi đâu đó”.


Phát biểu của GS.TS Trần Luân Kim tại hội nghị đóng góp chiến lược phát triển điện ảnh, diễn ra tại TP.HCM vào mùa hè vừa qua, hẳn phải khiến những người có trách nhiệm giật mình thức tỉnh. Ông nhấn mạnh: “Thị trường điện ảnh hiện đã hình thành nhưng rất méo mó, bê bối và tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn. Số rạp nhà nước và tư nhân gần ngang nhau nhưng khối nhà nước gần như tê liệt. Mất thị trường này thì dù chúng ta có sản xuất cả trăm phim mỗi năm đều không có ý nghĩa”.

{keywords}
Tổng doanh thu của thị trường chiếu bóng VN được dự đoán sẽ tăng từ 47 triệu USD trong năm ngoái lên 57 triệu USD vào năm nay.

Sinh khí mới từ tro tàn

Để hiểu bối cảnh phát biểu của ông, xin được ngược dòng thời gian xa hơn một chút, về năm 2004. Tức, hai năm trước ngày Luật điện ảnh chính thức ra đời với những điều khoản nhằm luật hóa vai trò của tư nhân và nước ngoài trong hoạt động điện ảnh tại VN, vốn đã được mở đường trước đó qua chủ trương xã hội hóa.

Đây là năm của những cú bắt tay tham vọng. Hãng phim tư nhân Thiên Ngân nhờ Warner Bros tư vấn để phát triển hệ thống rạp Galaxy. Envoy Media Partners, một công ty đăng ký kinh doanh tại Virgin Island, cử người đến VN tìm đối tác mở hệ thống rạp Megastar. Tập đoàn Lotte, một nhà bán lẻ đến từ Hàn Quốc, cũng tìm đến xúc tiến mở những trung tâm thương mại kết hợp cụm rạp…

Trên đống tro tàn chiếu bóng buồn nản và đổ nát vì thiếu đầu tư mà các doanh  nghiệp nhà nước để lại, một sinh khí mới bỗng bật dậy mạnh mẽ. Nhà nhà xây rạp, người người làm phim, cạnh tranh nguồn phim nhập. Ở các đô thị lớn, khán giả là những người được các cụm rạp phức hợp cung cấp những trải nghiệm điện ảnh mới mẻ, đến từ trên màn ảnh (3D, lồng tiếng, âm thanh dolby-atmos) lẫn ngoài màn ảnh (mua sắm, chụp ảnh cùng mô hình nhân vật, phòng chờ vip, đặt chỗ trên mạng…).

Sự “thay da đổi thịt” này thường được nhà đầu tư nước ngoài mô tả như một công lao đóng góp to lớn, mà bỏ qua khía cạnh họ chỉ là những người đi trước, kịp thời điền vào khoảng trống ở một thị trường có tới 92 triệu dân và nền kinh tế đang ngày càng phát đạt.  

Thị trường điện ảnh hoàn toàn hào hứng và tốt đẹp cho tới ngày xảy ra vụ kiện làm lộ ra  những lộn xộn, bê bối nơi hậu trường giữa các nhà phát hành và chiếu bóng. Ngày 29.3.2010, sáu doanh nghiệp phát hành và chiếu phim tư nhân và nhà nước, trong đó có công ty Thiên Ngân, bất ngờ đệ đơn kiện liên doanh Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để chèn ép và áp đặt các điều khoản thuận lợi trong thỏa thuận thuê và chiếu phim.

Sau rất nhiều giằng co, vụ kiện ầm ĩ đang dần đi vào im lặng, bất chấp sự kỳ vọng của công luận sẽ có một phán quyết minh bạch từ phía Hội đồng cạnh tranh, để mở ra một tiền lệ mới mang lại trật tự kỷ cương cho thị trường tương lai.

Nhưng đây lại là kết thúc được báo trước nếu lần về tận gốc căn nguyên và hệ quả của vấn đề, vốn không nằm đâu xa xôi, mà ở ngay trong Luật điện ảnh năm 2006, luật đầu tiên của VN trên lĩnh vực nghệ thuật.

{keywords}
“Lửa Phật”, bộ phim do B.H.D tham gia đầu tư, chịu trách nhiệm phát hành và chiếu tại các cụm rạp của mình.

Thế khó xử của một “tồn tại” lịch sử

Có một tình tiết đáng chú ý trong vụ kiện nói trên: hệ thống phát hành và chiếu bóng lớn nhất hiện nay Megastar có phải là một ngoại lệ đặc biệt khi cho phép đối tác nước ngoài sở hữu tới 90% cổ phần? Thực tế, không chỉ Megastar (được tập đoàn CJ-CGV Hàn Quốc mua lại từ Envoy Media Partners hồi tháng 7.2011), các nhà đầu tư nước ngoài khác tham gia thị trường vào thời điểm ấy đều được phép làm điều này, do Luật điện ảnh năm 2006 không quy định.

Cánh cửa thoáng đãng đầy rủi ro trong bảo hộ văn hóa ấy chỉ kịp đóng lại khi Luật điện ảnh sửa đổi bổ sung chính thức có hiệu lực từ ngày 1.10.2009. Trong đó, có thêm điều khoản quy định phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh.

Dù cáo buộc của nhóm doanh nghiệp trong nước không thể đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của một “tồn tại” lịch sử, vốn kéo dài chỉ chừng vài năm. Nhưng mặt khác, nó cho thấy cảm giác bị đe dọa, mối lo âu của họ khi đứng trước những “ông trùm” nước ngoài mạnh về nguồn vốn lẫn mối quan hệ làm ăn trong ngành công nghiệp phim ảnh thế giới. Điều này có thể giải thích cho một nghịch lý: dù tổng doanh thu phòng vé tăng mạnh qua mỗi năm, nhưng có những cái chết gần như đã được báo trước.

Ngay bản chiến lược đề ra cho điện ảnh Việt đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 cũng phải thừa nhận: “Hệ thống rạp chiếu phim hiện đại chủ yếu do các công ty tư nhân và công ty liên doanh nắm quyền sở hữu. Việc nhập khẩu phim hoàn toàn do một số công ty tư nhân và công ty liên doanh đảm nhận và chi phối. Fafilm VN mất vai trò điều tiết hoạt động phát hành phim, chỉ còn nhập được một số lượng phim bộ để phát hành trong hệ thống mạng lưới video gia đình và phát sóng trên truyền hình”.

{keywords}
Thị trường chiếu bóng VN đến nay chưa thể có bảng công bố doanh thu phim ảnh một cách minh bạch như các nước.

Những doanh nghiệp “3 trong 1”

Mặt khác, nghịch lý nói trên còn có sự góp phần của một “tồn tại” khác nằm ở khoản 2, điều 30 của Luật điện ảnh 2006, trong đó quy định doanh nghiệp phát hành phim để tham gia phổ biến phim. Luật cũng không cấm doanh nghiệp phát hành phim có thêm giấy phép sản xuất phim. Hệ quả của điều khoản nói trên là thị trường điện ảnh không thể tách bạch được ba khâu: sản xuất phim, phát hành phim và chiếu bóng, như thế giới đã làm để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Thế nên, một nhà phát hành có hệ thống rạp chiếu áp đảo dễ dàng giành được quyền phát hành các phim có khả năng sinh lời cao nhất. Và khi đã có trong tay những bộ phim lớn nhất, nhà phát hành lại có ưu thế hơn trong cuộc mặc cả với các rạp chiếu khác để có phòng chiếu, suất chiếu tốt nhất nhằm kéo khán giả về phía mình. Vụ kiện nói trên là ví dụ sinh động cho hệ quả này. Để có một phán quyết công bằng cho các bên tham gia thị trường là điều rất khó và dễ gây tranh cãi.

Một luật gia đề nghị giấu tên nhận xét, một thị trường điện ảnh không tách bạch giữa ba khâu cũng đồng nghĩa với việc tạo môi trường lý tưởng cho hành động chuyển giá của các doanh nghiệp để tránh né nghĩa vụ thuế. Nếu có kiểm tra, cơ quan thuế sẽ rất khó xác định chính xác nhiều khoản chi phí mà doanh nghiệp tự trả cho chính mình để cho ra con số lợi nhuận.

Hệ quả này dẫn đến tính thiếu minh bạch của khoản doanh thu phòng vé ngàn tỉ. Cho đến nay, người ta chỉ được biết về con số này qua đong đếm, thống kê riêng của Megastar. Doanh thu cụ thể của từng phim luôn là “chuyện bí mật” của nội bộ doanh nghiệp. Sự thiếu minh bạch lại đôi khi được sử dụng một lợi thế khác trong cuộc chiến thương trường.

Thị trường điện ảnh Việt, do vậy, còn tiềm ẩn nhiều cơn sóng lớn trước khi một trật tự văn minh hơn được thiết lập.

Minh Chánh

Bài cuối: Phim nội yếu ớt chống đỡ bom tấn trên sân nhà