- Dạy ở đâu cũng là dạy dù ở trường đời hay trường học, hát ở đâu cũng là hát miễn là có công chúng, Trọng Tấn từ đây sẽ là nghệ sĩ của nhân dân… Đó là những suy nghĩ của độc giả báo VietNamNet. 

Ca sĩ Trọng Tấn được biết tới với giọng ca đẹp, giàu cảm xúc, đặc biệt là một ca sĩ nổi tiếng hiếm hoi không mắc bệnh “chảnh”. Trọng Tấn xin nghỉ dạy ở Học viện âm nhạc Quốc gia khiến nhiều người tiếc nuối nhưng đa phần phản hồi của độc giả về báo VietNamNet đều ủng hộ nam ca sĩ này.

Vẫn ở trong lòng công chúng

Có lẽ vì vậy, việc Trọng Tấn từ giã giảng đường đã khiến nhiều người sửng sốt tiếc cho anh nhưng cũng thông cảm với nỗi niềm khó nói của anh. Độc giả Hoàng Linh chia sẻ: “Tôi cũng từng là một công chức Nhà nước, cống hiến hơn 10 năm. Nhưng mỗi người mỗi cảnh đành phải ra đi để tìm cho mình một con đường mới và cũng như Trọng Tấn nói nếu khi nào công việc hiện tại của tôi đi vào quỹ đạo, lúc đó nếu Nhà nước cần tôi sẽ quay trở lại mong được cống hiến những kinh nghiệm và hiểu biết của mình ở những năm tháng bươn trải thương trường”.

Cùng quan điểm, độc giả Lê Văn Linh viết “Theo tôi nghĩ việc Trọng Tấn xin nghỉ làm giảng viên ở một trường Đại học để theo đuổi con đường mà mình đã lựa chọn là việc hết sức bình thường, vì nếu người ta không yêu thích công việc mình đã làm thì chỉ dừng ở mức độ "hoàn thành công việc" được giao mà thôi, sẽ không có sáng tạo và cống hiến... Mọi người không nên quá khắt khe với Trọng Tấn trong quyết định này".

{keywords} 

Có rất nhiều quan điểm của độc giả cho rằng, nghệ sĩ cũng như bất cứ ai, phải lo cơm áo gạo tiền, có thực mới vực được đạo. Nhưng lâu nay, chính sách của Nhà nước đối với nhân tài còn hạn chế, không đầu tư đúng tầm với họ, trong đầu người nghệ sĩ còn phải đắn đo về kinh tế khi hát thì đương nhiên cảm xúc sẽ bị chi phối.

“Trọng Tấn nghỉ dạy cũng đúng với thực tế thôi. Cơm gạo, áo tiền là việc thường ngày. Giáo viên nhân dân, nghệ sĩ ưu tú là cái danh, mà hữu danh vô thực. Bao nhiêu người như nghệ sĩ Văn Hiệp, Hà Thị Cầu có được gì ngoài danh?”, độc giả Hà Trung bức xúc.

Còn độc giả Bình Minh thì cho rằng ngành giáo dục và văn hóa nên xem xét lại chế độ đãi ngộ người tài: “Tại sao người tài cứ lần lượt đội nón ra đi. Đối với người tài, tiền bạc không phải là vấn đề mà vấn đề là môi trường là cách giữ chân họ, cách sử dụng họ. Khi họ không được tôn trọng thì chuyện ra đi là tất yếu. Nếu nhìn vào các cơ quan nhà nước thì thật đau lòng vì nhiều người được đào tạo bàn bản ở nước ngoài về, thạc sỹ có, tiến sỹ có nhưng vì dám nói lên chính kiến của mình mà trái ý lãnh đạo thì hậu quả là những người tài, người có trình độ chỉ còn nước ngồi chơi xơi nước”

Tài năng, hát ở đâu cũng là cống hiến

Độc giả Phạm Trà chia sẻ “Dù ở trường hay không ở trường thì vẫn là Trọng Tấn trong lòng công chúng cả. Hát ở đâu, làm ở đâu cũng là cống hiến. Tôi ủng hộ quyết định của Trọng Tấn, hãy là chính mình anh nhé”.

"Tôi thấy chả có gì đáng phải tranh luận cả. Trọng Tấn giảng dạy ở Trường cũng là một cống hiến cho đất nước, không giảng dạy ở Trường nữa mà đi hát phục vụ công chúng Việt Nam cũng là một cống hiến cho đất nước, miễn sao Tấn đừng bỏ hát những bài cách mạng vì Tấn hát nhạc đỏ rất hay", độc giả Nguyễn Tiến Tùng bình luận.

“Trọng Tấn rời Học viện âm nhạc Quốc gia là hoàn toàn đúng và dễ hiểu. Không có gì phải hối tiếc. Tôi ngưỡng mộ giọng ca Trọng Tấn như giọng ca Lê Dung vậy! Tại sao lại tiếc? Dạy thì đâu chả được miễn là có học trò?! Hát thì đâu chả được miễn là có công chúng?! Chỉ tiếc là Học viện và lớn hơn là Nhà nước chưa chiêu mộ và giữ chân được nhân tài hoạt động trong guồng máy của mình.. Điều này thể hiện rất rõ qua phát biểu của những người có trách nhiệm. Kính chúc Trọng Tấn sức khỏe dồi dào, có nhiều CD của riêng mình để công chúng luôn được nghe giọng hát của anh”, độc giả Trần Phương.

Còn độc giả Ngọc Việt chia sẻ: “Từ nay trở đi Trọng Tấn mới là nghệ sĩ của nhân dân. Hãy cố gắng lên nhé, những người yêu dòng nhạc cách mạng sẽ luôn đồng hành và nhớ tới Trọng Tấn...”

{keywords} 

Rất nhiều độc giả bày tỏ quan điểm rằng, với tài năng và lòng yêu nghề, dù làm ở lĩnh vực nào thì Trọng Tấn cũng đều cống hiến, chỉ khác là cách thức truyền tải. “Tôi nghĩ với tài năng, sự nghiêm túc và lao động chăm chỉ, anh sẽ là người hát tự do thành công. Hy vọng khi có những người như anh phục vụ, công chúng sẽ được mở mang tri thức về thứ nghệ thuật mới lạ. Không hiểu sao tôi không thấy lạ khi anh từ bỏ môi trường biên chế”, độc giả Đinh Tuấn.

"Tôi nghĩ là không cần bình luận về vấn đề này và các nhà báo cũng không nên viết về điều này nhiều nữa, bởi chính Trọng Tấn cũng không thích. Người có tài họ khắc biết làm gì. Điều quan trọng nhất là Trọng Tấn vẫn đang hát. Và thực sự người ta biết đến anh ấy là người hát dòng nhạc đỏ rất hay. Việc có được là nghệ sỹ ưu tú hay không là không quan trọng với người yêu nhạc nói chung và người yêu nhạc đỏ nói riêng. Anh ấy vẫn được thừa nhận", độc giả Đặng Hùng chốt lại.

T.Lê (tổng hợp)