- "Hiện Cục bản quyền đã trình lên Chính phủ nghị định xử phạt hành chính về quyền tác phẩm. Theo đó, đối với đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 500 triệu đồng và 250 triệu đồng đối với cá nhân" - Ông Tô Văn Long, Nguyên trưởng phòng bản quyền Cục bản quyền tác giả cho biết.

{keywords}

Tiểu phẩm "Dạy vợ yêu" do Xuân Bắc, Tự Long viết kịch bản, biên tập, đạo diễn và diễn xuất từng bị một công ty quay trộm rồi tự phát hành mà không xin phép. 

Cuộc hội thảo "Quyền sao chép tác phẩm và giải pháp quản lý tập thể" diễn ra sáng 18/9 tại HN do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam phối hợp với Viện thông tin khoa học Xã hội tổ chức. Tại hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ những lo ngại về tình trạng vi phạm bản quyền tác giả, sao chép tác phẩm hiện nay ở nước ta.

Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, hiện nay chúng ta đang đối mặt với nạn xâm phạm quyền tác giả tràn lan mà trong đó, hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao chép tác phẩm bằng công nghệ số (sao chép số) và sử dụng trái phép tác phẩm trên mạng.

"Có một thực tế là số đông người nắm giữ quyền chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình. Họ thờ ơ hoặc chịu đựng nạn xâm phạm. Các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả chưa có ý thức liên kết với nhau trong hành động tập thể để bảo vệ lợi ích cho mình" - nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến thẳng thắn. 

{keywords}
Nhà thơ Lam Luyến đang phát biểu tại hội thảo.

Ông Mai Xuân Huy - Viện phó Viện Ngôn ngữ học đồng quan điểm về nạn sao chép, "ăn cắp" ngày một nhiều hơn. "Ngay như ở Viện Ngôn ngữ học chúng tôi cũng bị nhái rất nhiều cuốn từ điển với hình thức hết sức tinh vi. Mà toàn bạn bè (tôi không tiện nêu tên) làm việc này nên rất khó xử lý" - ông Mai Xuân Huy dẫn chứng.

Phát biểu tại hội thảo, TS Cao Kim Ánh, Ủy viên thường vụ Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam nhấn mạnh việc sao chép bất hợp pháp sẽ gây nhiều ảnh hưởng đối với tác giả và xã hội. Nó không những ngăn cản các tác giả hưởng phần thù lao từ việc sử dụng tác phẩm mà còn huỷ hoại tính sáng tạo.

Đa số các đại biểu nhất trí cho rằng để bảo vệ quyền tác phẩm, sao chép tác phẩm cần phải nâng cao ý thức của những người sử dụng tác phẩm, đối xử với tác giả, tác phẩm có văn hóa... Để làm được việc đó, cần tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho tác giả, tác phẩm phi hư cấu và người sử dụng tác phẩm về quyền tác giả.

Bên lề hội thảo, ông Tô Văn Long - nguyên trưởng phòng bản quyền Cục bản quyền tác giả cho biết căn cứ theo đơn mỗi năm đơn vị này xử lý 30 vụ vi phạm quyền tác phẩm. Và hiện nay việc xử lý đối với những sai phạm không đơn giản.

"Hiện Cục bản quyền đã trình lên Chính phủ nghị định xử phạt hành chính về quyền tác phẩm. Theo đó, đối với đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 500 triệu đồng và 250 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với những vi phạm nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý bằng hình thức dân sự. Mức phạt cao nhất có thể lên tới hàng tỉ đồng và 3 năm tù giam" - ông Long tiết lộ.

Cũng theo ông Tô Văn Long, ngoài nghị định xử phạt hành chính đã được trình lên Chính phủ thì Cục bản quyền tác giả cũng đang tiến hành lấy ý kiến tham khảo để ra quy định về chế độ nhuận bút.

Sơn Hà