"Cuốn tiểu thuyết nói về sự tan rã từ một xí nghiệp đánh cá - một mô hình sản xuất có thực trong lịch sử - nhưng cũng là sự tan rã của niềm tin và hy vọng trong mỗi con người." - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Giải thưởng Sách hay năm nay, với tôi, cũng bất ngờ và xúc động như
giải thưởng Henri Queffélec tại Pháp năm 2012. Tôi vui mừng vì giải
thưởng này chỉ nhằm một mục đích duy nhất là tôn vinh nghệ thuật. 80
tuổi, tôi không nghĩ đến việc mình có thể đoạt giải thưởng vinh dự này.
Tôi rất hạnh phúc. Nó sẽ giúp tôi vượt qua khó khăn để hoàn thành tác
phẩm tiếp theo mà tôi đang ấp ủ.
(Nhà văn Bùi Ngọc Tấn phát biểu tại lễ trao giải sáng 22/9) |
Báo VietNamNet có cuộc trò chuyện với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - đại diện cho Hội đồng xét giải Văn học.
Đấu tranh để giữ gìn bản tính người
"Biển và chim bói cá" phát hành năm 2009, "Nắng tháng 8" phát hành tháng 7/2013. Có thể nói là 2 cuốn sách khá mới so với các tác phẩm đoạt giải khác năm nay?
- Điều này cũng nằm trong chủ ý của Hội đồng xét giải Văn học. Giải thưởng Sách hay thực ra không giới hạn về thời gian, chỉ cần tác phẩm xuất bản sau năm 1975 là được; nhưng sau 2 mùa trao giải, chúng tôi cũng muốn tiệm cận hơn với đời sống văn học nên đã không chọn các tác phẩm xuất bản lâu rồi hoặc đã được khẳng định rồi. Từ vòng sơ loại, chúng tôi đã cố gắng chọn các tác phẩm có giá trị và mới xuất bản trong vòng 10 năm trở lại đây, để kích thích sự tìm đọc của độc giả.
Hai cuốn sách đoạt giải thưởng Văn học năm nay, tôi cảm giác như có sự đăng đối trong cùng một vấn đề nhân sinh. "Nắng tháng 8" đi sâu vào những lẩn khuất trong tâm hồn mỗi con người, còn "Biển và chim bói cá" lại bàn về vấn đề tập thể/xã hội.
- "Biển và chim bói cá" lấy bối cảnh là một xí nghiệp đánh cá cuối thời bao cấp với cả một tập thể nhân vật đủ hạng người phải vật lộn giữa biển khơi và biển đời để sống, để tồn tại. Nó rất tả thực dù có tính hư cấu nhất định của nhà văn. Nó nói về tập thể và sự tha hóa của tính người trong tập thể. Những con người trên bờ dưới nước giăng lưới đánh bắt cá và cả đánh bắt nhau, họ vùng vẫy tìm cách thoát thân trong một tấm lưới vây bọc mình của cơ chế, của xã hội.
"Nắng tháng tám" cũng đề cập đến xã hội và nạn phân biệt chủng tộc trong lịch sử nướ Mỹ, từ đó nói về cái ác, và việc đi tìm nguồn gốc con người từ cái ác và cái thiện.
Hai cuốn tiểu thuyết của hai nhà văn Mỹ và Việt Nam ở hai thời kì khác nhau nhưng đều gây được sự đồng cảm cho người đọc. Những thông điệp của họ rất cần thiết trong xã hội hiện đại. Bởi vì cuộc đấu tranh để giữ gìn bản tính người trong xã hội hiện đại đang rất gay go và quyết liệt.
Và cả trong 2 cuốn tiểu thuyết này đều không có nhân vật chính, thưa ông?
- Đúng vậy. Ở "Nắng tháng 8" là 3 nhân vật song song, hòa quyện vào nhau. Ở "Biển và chim bói cá" thì nhân vật chính là tập thể: rất nhiều khuôn mặt, rất nhiều tính cách xuyên suốt.
Giàu ý nghĩa thực tại
Năm 2009, đã có một cuộc đàm luận về "Biển và chim bói cá". Có ý kiến cho rằng nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã tham chi tiết trong tác phẩm này. Ông nghĩ sao?
- Đúng là có một số ý kiến như vậy trong cuộc luận đàm năm 2009. Bùi Ngọc Tấn sử dụng rất nhiều chi tiết và nhân vật trong cuốn sách này (có tới khoảng 20 nhân vật). Ông chọn một ông thuyền trưởng, một thợ máy, một người đánh cá .... rồi đi sâu vào từng câu hỏi, từng đoạn đời với từng nhân vật. Ông mô tả nhân vật như bước ra từ thực tế một cách kĩ lưỡng, chính xác và có hậu sự. Đây là một phương pháp cổ điển. Vì vậy tác phẩm này ngồn ngộn chi tiết, nhiều người bảo là đọc mệt. Cũng có thể. Nhưng đó là cách thức lựa chọn của tác giả.
Có một điều thú vị là tác phẩm này sử dụng rất nhiều ngôn ngữ của người lao động: cách nói thẳng, tếu táo, suồng sã và thô ráp...
- Là một nhà văn đất Cảng, Bùi Ngọc Tấn viết ra được cái đặc trưng môi trường của một xí nghiệp đánh cá, của những con người sống với biển như thế. Họ ăn nói táo tợn, cách nói ngang tàng. Đúng là ngôn ngữ của đời sống. Vì vậy nên nhiều người nói tác phẩm này có tính ký sự nữa.
Ông đánh giá thế nào về nhân vật cậu bé. Hình ảnh của cậu có đại diện cho một thế hệ sau không? Và điều gì đã xảy ra khi cậu bé đánh mất niềm tin vào thế hệ đi trước?
- Cậu bé là một thế hệ mới được sinh ra và lớn lên cùng với biển, biết biển đã nuôi sống mình, trui rèn mình và thế hệ bố mẹ mình. Nhưng rồi khi lớn lên, cuộc sống làm cậu chai sạn đi, cậu cũng bị quăng quật và trở nên dữ dằn hơn, thực tế hơn. Đó cũng là thông điệp của tác giả, rằng nếu không cứng cỏi, vững vàng, con người sẽ bị thui chột tính người, thui chột lòng nhân.
Cuộc đấu tranh những năm cuối thời kì bao cấp ấy là một cuộc đấu tranh của nhân tính khi thiếu thốn vật chất. Nhưng trong xã hội hiện tại, cuộc đấu tranh này vẫn còn đang tiếp tục?
- Sự thiếu thốn vật chất đôi khi làm què quặt tâm hồn. Trong hiện tại, chủ nghĩa vật chất ấy vẫn tiếp diễn. Hoàn cảnh đã tác động đến con người như thế nào, và con người đã chống chọi lại hoàn cảnh như thế nào? Nhà văn phải thuật lại điều đó. Thế nên, tác phẩm vẫn rất giàu ý nghĩa trong thực tại.
Sự tan rã của đời sống con người khi đó còn kéo dài đến bây giờ không, thưa ông?
- Còn chứ! Cuốn tiểu thuyết nói về sự tan rã từ một xí nghiệp đánh cá - một mô hình sản xuất có thực trong lịch sử - nhưng cũng là sự tan rã của niềm tin và hy vọng trong mỗi con người.
Xin cảm ơn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên!
Hồ Hương Giang