- Khảo cổ học Thời đại kim khí và Khảo cổ học dưới nước đang bị liệt vào danh sách đáng báo động vì có tới 90% các nghiên cứu khảo cổ bị xóa sổ hoàn toàn.
Cổ vật được trục vớt từ tàu đắm ở Quảng Ngãi hồi tháng 6/2013.
Quy hoạch khảo cổ học vẫn là con số không
Sáng 26/9, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học đã khai mạc Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 48 năm 2013. Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam khẩn thiết yêu cầu các cơ quan hữu quan quan tâm tới hai vấn đề đáng báo động của ngành khảo cổ: Khảo cổ học (KCH) thời đại kim khí và Khảo cổ học dưới nước.
Theo ông Tín, từ khi Luật Di sản có hiệu lực năm 2001 đến nay, kết quả của công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học vẫn là con số không. Trong khi hàng ngày hàng giờ, thông tin về sự phá hoại di chỉ Khảo cổ học ở mức độ khủng khiếp. Có tới 90% các di tích KCH thời đại kim khí nghiên cứu hiện nay bị xóa sổ hoàn toàn.
Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc hơn nữa, cùng lên tiếng để bảo vệ di sản khảo cổ học.
Theo ông Tín, Việt Nam có một tiềm năng tài nguyên dưới nước cực lớn với nhiều thương cảng nổi tiếng trong lịch sử khu vực, việc thành lập Phòng khảo cổ học dưới nước của Viện khảo cổ học mới đây nhằm từng bước xây dựng ngành khoa học hết sức mới mẻ, hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức này.
Tuy nhiên, vì mới mẻ nên quá trình thực hiện vẫn còn lúng túng, cách thức nghiên cứu và bảo vệ như thế nào trong điều kiện hết sức khó khăn phải là vấn đề cần được đặt ra một cách nghiêm túc. Theo ông Tín, Khảo cổ học dưới nước đang ở tình trạng “ba không’, không người, không cơ sở vật chất và trang thiết bị, không kinh phí. Điều này gây nên những lãng phí vô cùng đáng tiếc
Những phát hiện của ngành khảo cổ năm 2013
Khảo cổ học Thời đại đá: Khai quật di chỉ hang Cốc Mười. Kết quả cho thấy lớp thạch nhũ trên vách ở H1 có tuổi 108.000 năm BP và 114.000 năm BP. Đây là một trong số rất ít các di chỉ cổ sinh học có trữ lượng hóa thạch lớn có thể tiếp tục khai quật, nghiên cứu sau này; Khai quật hang Con Moong, địa tầng 9,5m và khảo sát hàng loạt hang xung quanh hang Con Moong; Khai quật lần 2 địa điểm Cồn Cổ Ngựa và đã phát hiện 146 ngôi mộ và hàng nghìn di vật đá, hàng chục nghìn mảnh gốm và xương răng động vật chỉ trong 84m2.
Khảo cổ học Thời đại kim khí: Khai quật địa điểm Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) lần thứ VII phát hiện một mộ táng Phùng Nguyên với tục nhổ răng cửa, những tư liệu góp phần nghiên cứu giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên muộn – Đồng Đậu sớm; Khai quật di chỉ Vườn Chuối thu được bộ sưu tập công cụ tre, gỗ nằm trong hố đất đen cùng các mảnh gốm Gò Mun điển hình.
Khảo cổ học Lịch sử: Khai quật di tích chùa Dạm (Bắc Ninh), đã xuất lộ cho thấy dấu tích một ngôi chùa Hoàng gia thời Lý có mặt bằng quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ công phu; Khai quật di tích chủa Bảo Ninh Sùng Phúc – đây là ngôi chùa cổ nhất ở Tuyên Quang; Khai quật tàu Châu Thuận Biển thu được 274 thùng hiện vật gồm: gốm nem ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh thuộc thế kỷ 13. Đây được cho là tàu đắm cổ nhất được khai quật trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay...
Khảo cổ học Chăm Pa – Óc eo: Khai quật tháp Cấm Mít (Đà Nẵng) thu được bộ sưu tập hiện vật bằng đá, thạch anh, vàng... quý giá; tiến hành khảo sát nhiều điểm kiến trúc và cư trú Óc eo như: Phú Long, Gò chùa Tám Ấu, Gò chùa Phước Thiện, Gò Công Éc (Đồng Tháp)... Thông báo Động Phong Nha-những dấu tích Phật giáo cho biết có 35 hình Phật bằng đất nung, 97 bia ký đã thể hiện sự hiện diện của hoạt động Phật giáo tại Động Phong Nha vào thời Chămpa.
Đáng chú ý là
thông báo phát hiện tên nước Việt Nam trên cây bia đá ở một ngôi chùa Gia Lộc
(Hải Phòng) tại vùng hải đảo phía Đông của Tổ quốc vào đầu thế kỷ 18, cho thấy
người xưa rất ý thức về vị trí và chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Tình Lê