- Hầu hết phim Việt chiếu dịp cuối năm có chung công thức gom ngôi sao và danh hài lại, kể những câu chuyện tếu táo mang cảm giác vui vẻ cho khán giả.


Phim hài thống trị phòng vé là tình trạng mà ai cũng rõ xảy ra đã nhiều năm nay ở điện ảnh Việt. Nhưng sẽ là bất thường khi toàn bộ diện mạo của một nền điện ảnh thương mại áp đảo một màu hài hước, chuyển tông từ hài tình cảm đến hài nhảm, rồi hài “siêu nhảm”, diễn ra trong suốt một mùa phim. Dù đó có là mùa phim mà khán giả cần nhiều tiếng cười hơn tiếng khóc hay cơn sợ hãi.

{keywords}
Phim Âm mưu giày gót nhọn.

Miễn là phim có… Hoài Linh

Cụ thể, trong tháng 10, khi các phim chính luận do Nhà nước mới đầu tư đang cho thấy sự tồn tại nhờ liên hoan ở Quảng Ninh thì hàng chục rạp chiếu trên khắp cả nước được dự báo sẽ ầm ĩ vì Âm mưu giày gót nhọn. Bộ phim hài của đạo diễn Việt kiều Hàm Trần, tập hợp dàn người đẹp Kathy Uyên, Trúc Diễm, Phương Mai và cây hài Don Nguyễn công chiếu ngày 11/10. Phim mô tả thế giới thời trang và chân dài qua hành trình dấn thân vào nghề người mẫu của một cô gái chẳng bao giờ chú ý tới bản thân.

Nối gót Âm mưu…Tiền chùa, ra mắt sau đó một tuần. Đây là phim hài của Thiện Đỗ, một đạo diễn Việt kiều học ngành thiết kế đồ họa lần đầu về nước làm phim truyện. Phim dạng hài tình cảm, kể chuyện anh chàng đại gia làm hàng mã Lucky Lộc vướng vào cuộc tranh chấp nảy lửa với cô nghệ sĩ nóng tính tên Quyên. Tiền chùa dù mới lạ nhưng vẫn khá mạo hiểm khi mời Khương Ngọc, Vân Trang và Lều Phương Anh, cả ba gương mặt chưa từng ghi dấu ấn nào trong diễn hài.

{keywords}
Phim Tía ơi…!

Kinh nghiệm trước đây cho thấy người ta có thể “tự tin” làm phim hài Việt, ngay cả khi trong tay chỉ có dăm ba tỷ làm kinh phí, một kịch bản nghèo nàn và một đạo diễn có niềm tin rằng video tấu hài cũng là điện ảnh miễn là phim có… Hoài Linh. Tháng 11, rạp chiếu tháng 11 sẽ thuộc về anh với hai phim ra mắt, gồm Tía ơi…! (1/11) và Đại náo học đường (15/11). Hi vọng cả hai khai thác được nét duyên hài khiến hàng triệu người yêu thích của anh.

Riêng tháng 12 sẽ là cuộc đụng độ trực tiếp ngoài phòng vé của cặp phim hài Việt khác: Tèo Em của đạo diễn Charlie Nguyễn và Thần tượng của Nguyễn Quang Huy. Cả hai cùng khởi chiếu ngày 20/12. Đây cũng là ngày dự kiến ra mắt phim kinh dị Quả tim máu của đạo diễn Victor Vũ nhưng hãng phát hành Galaxy cho biết phim đã được dời lịch và hiện chưa xác định được ngày chính xác.

Cuộc đối đầu này tỏ ra không tương xứng hạng cân khi Tèo Em đầy sức mạnh nhờ hai cái tên ăn khách Johnny Trí Nguyễn và Thái Hòa. Phim kể câu chuyện mới mẻ về hai anh em, một thông minh lịch lãm và một cù lần xấu trai, buộc phải chung một hành trình chạy đua với thời gian để cứu vãn mối tình của người anh. Trong khi Thần tượng xoay quanh thế giới đào tạo các ca sĩ ngôi sao, tập hợp dàn diễn viên nổi tiếng không nhờ điện ảnh: Hoàng Thùy Linh, Vĩnh Thụy, Ngô Kiến Huy, Cường Seven, Harry Lu…

{keywords}
Phim Tèo Em.

Có lẽ sau này chỉ làm phim hài thôi

Trên “cỗ” phim cuối năm vừa kể trên, chỉ có một phim duy nhất mang màu sắc tâm lý tình cảm, đó là Và anh sẽ trở lại của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Phim kể lại hành trình kỳ lạ và mê đắm của Brian khi anh quyết định sang VN để tìm cô gái H’Mông là người yêu của bạn thân anh – Nicki, người vừa qua đời vì tai nạn. Ra mắt ngày 1/11, bộ phim tác giả có kinh phí thấp này bị kẹt giữa các phim “bom tấn” Hollywood, khiến các rạp hiện vẫn còn ngại nhận trình chiếu.

{keywords} 

Nếu nối chung cả vào dòng phim Tết 2014 với một số phim hài khác đã được chuẩn bị như Cô dâu đại chiến 2, Năm sau con lại về, Hai lúa…, điện ảnh Việt quả thực giống một bức tranh mà toàn cảnh của nó tạo cảm giác một màu gây chán ngán cho người xem. Trong lúc đó, điện ảnh thế giới luôn kịp thời cung cấp đủ mọi hương vị cho họ trên rạp chiếu. 

Người ta có thể chấp nhận nó như là hệ quả của một nền điện ảnh nghiệp dư, nơi chấp nhận cả những con người chỉ cần quen tay dựng kịch tấu hài, biết chọc cười hoặc đang nổi nhờ một chuyện gì đó chẳng liên quan tới điện ảnh.

Nhưng đồng thời, nó cũng phản ánh sự lười biếng sáng tạo, sao chép những bài học thành công đi trước một cách máy móc và thô thiển…đã trở thành tệ nạn khó chấp nhận trong nền điện ảnh thương mại. Bên cạnh đó, tâm lý lo sợ những rủi ro là có thật và rất lớn, khi đụng chạm tới các thể loại khác như hành động, tội phạm, kinh dị hoặc lịch sử. Mà thất bại liên tiếp ngoài phòng vé, với nhiều lý do khác nhau, của phim thuộc các dòng này như: Lửa Phật, Đường đua là bài học đau đớn nhãn tiền.

Không còn tâm trí cho những khác lạ

Khi VietNamNet hỏi về việc chuyến hướng sản xuất những phim hài như Tèo Em, nhà sản xuất Jimmy Nghiêm Phạm – đại diện hãng phim Chánh Phương chia sẻ: “Sau Bụi đời Chợ Lớn, chúng tôi không còn tâm trí nào để làm những thứ khác lạ nữa, dù lúc nào mình cũng muốn làm tốt hơn cái mình đã có. Phim hài rất an toàn, chúng tôi có thể an tâm bỏ ra 12 tỷ để làm Tèo Em. Trong khi các thể loại khác, chúng tôi không thể lường trước đâu là ranh giới của kiểm duyệt. Có lẽ sau này, chúng tôi chỉ làm phim hài thôi. Hiện hãng đang làm việc với hai đạo diễn Charlie Nguyễn và Võ Tấn Bình, cũng nằm trong kế hoạch này".

Minh Chánh