Tôi gặp Nguyễn Ánh 9 tại nhà riêng của ông tại Sài Gòn. Người nhạc sĩ già tiết lộ ca khúc đầu tiên và cũng là duy nhất tặng vợ (người đã có gần 50 năm gắn bó cuộc đời với ông – bà từng là một nghệ sĩ thiết hài đầu tiên ở Việt Nam) sau rất nhiều những bản tình ca buồn mà ông tự nhận là lấy cảm xúc và khóc giùm người khác, lần đầu tiên ông tự “khóc” cho hạnh phúc của chính mình trong ca khúc viết tặng vợ ấy…

Bị đuổi khỏi nhà vì trót mê đàn

Một tấm hình nhỏ xíu bằng hai đốt ngón tay úa màu thời gian, vô tình rơi ra từ chiếc ví nâu đã cũ của người nhạc sĩ già. Những ngón tay gầy guộc, nhăn nheo –gần 60 năm từng lướt trên phím piano, run run nhặt tấm hình với ánh nhìn đầy ấm áp: “Vợ tôi đấy, tôi đã đem theo tấm hình này từ ngày quen bà ấy. Chúng tôi đã đi với nhau một chặng đường dài, rất dài…”.

Thế rồi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người nhạc sĩ mang cái tên theo con số “hên” mà chính vợ ông đã đặt cho ông sau khi lên xe hoa cùng ông, kể về con đường của ông đến với nghệ thuật và đến với cuộc tình duy nhất của ông.

{keywords}

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc trẻ

 

“17 tuổi tôi bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà vì không chịu đi theo con đường mà bố mẹ đã định sẵn mà theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật cùng cây đàn piano. Gia đình tôi là gia đình khá giả ở Nha Trang. Bố tôi một kỹ sư xây dựng chuyên thầu những công trình lớn, còn mẹ tôi nổi tiếng là người đàn bà của gia đình “công dung ngôn hạnh”. Bố mẹ tôi chỉ muốn tôi trở thành một kỹ sư hoặc bác sĩ những nghề mà ông bà coi là đứng đắn và danh giá. Với ông bà, cái gì dính đến nghệ thuật cũng đều “xướng ca vô loài”.

Tôi đã có những ngày không nhà cửa, không gia đình, lang thang nay đây mai đó, nên tôi càng quyết chí để trở thành “cái gì đó” để chứng minh cho bố mẹ thấy người nghệ sĩ là “xướng ca” nhưng không hề “vô loài”. Tôi đã chọn Đà Lạt là nơi dừng chân của mình.Tôi vừa học đàn piano, vừa đi đánh đàn ở các phòng trà để kiếm sống. Tôi quen một người bạn ở trường nhạc, cứ hè đến người bạn rủ tôi về Sài Gòn đánh đàn ở các phòng trà để luyện tay nghề và cũng để kiếm thêm thu nhập.

Mối duyên với Khánh Ly và “Không” ra đời

Khi đàn ở các phòng trà Sài Gòn ông đã gặp Khánh Ly. Khánh Ly đến hát với vai một ca sĩ lấp khoảng trống cho các ca sĩ chính, khi ca sĩ chính đến muộn hoặc bỏ “sô”. Ông đã chứng kiến một lần Khánh Ly chuẩn bị lên sân khấu thì ca sĩ chính kịp đến, Khánh Ly phải lủi thủi bước xuống, rồi lủi thủi ra về. Người nhạc sĩ tương lai cảm nhận được nỗi buồn của người ca sĩ có giọng hát trời phú mà không ai biết để khám phá, vì sao cô chán nản cuộc đời tìm đến thú vui rượu và thuốc lá. Ông nói: “Nhìn vào mắt Khánh Ly thấy nó buồn lắm!”.

Sau đó Khánh Ly bỏ về Đà Lạt hát cho các phòng trà Đà Lạt, ông đã trở thành người bạn của Khánh Ly cùng với Trịnh Công Sơn kết thành bộ ba thân thiết: nhạc sĩ – ca sĩ – người đệm đàn. Chính âm nhạc của Trịnh Công Sơn gắn kết tiếng hát của Khánh Ly đã làm cho Nguyễn Ánh 9 nhận ra rằng, là người nghệ sĩ rất cần một điểm tựa, rất cần một sự đồng điệu.

Đến bây giờ ông cũng không hiểu lý do nào mà “bộ ba” lại tan rã, ngẫm đi ngẫm lại, chắc là do số phận và thời cuộc. Nhưng điều ông được lớn nhất khi từng là thành viên của bộ ba này là chính Khánh Ly sau này là người gợi ý cho ông nhớ về mối tình xưa thuở mới lớn của ông, thôi thúc ông sáng tác ca khúc đầu tiên của cuộc đời mình: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa!…”. Để rồi lập tức sau ca khúc Không  – cũng là một con số – đã dắt díu từ trong tâm hồn đam mê âm nhạc của ông ra đời hàng loạt ca khúc như: Biệt khúc, Cô đơn, Chia phôi, Một lời cuối cho em, Ai đưa em về… từ đó cái tên Nguyễn Ánh 9 trở thành một hiện tượng âm nhạc ở Sài Gòn. Các ca khúc của ông không chỉ vang lên ở các phòng trà mà những người lao công cũng có thể ngân nga “đêm nay ai đưa em về”, hay là “Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa” và họ cũng có thể nghe “hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay giữa trời nắng ấm”…

Nàng thơ, người đàn bà định mệnh

Mê cây đàn, tự mày mò học từ sách, không theo một trường lớp hay thầy giảng nào, với sự cảm thụ âm nhạc nhạy bén và đầy tinh tế, cùng với “nghề dạy nghề” khi đi “du mục” ở hầu hết các quán bar Sài Gòn. Ông trở thành một nghệ sĩ dương cầm đệm đàn không thể thiếu của hầu hết các ca sĩ gạo cội của Sài Gòn như Khánh Ly, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà, Elvis Phương… Ông tâm niệm, người đệm đàn là người phải nói lên được tinh thần của bài hát, tác giả muốn nói gì, bài hát đó muốn nói lên điều gì, buồn vui giận dữ hay yêu thương thì mới đệm cho ca sĩ hay được. Ông tự tin cho hay, bất cứ ca sĩ nào hát với ông rồi, sau đó không thể nhờ ai đệm đàn khác được, họ sẽ thấy thiếu vắng và vô hồn. Trần Thu Hà sau khi hát xong “Cô đơn” do ông đệm đàn đã run run, “Khi con hát với “bố”, con cảm thấy người con sao sao ấy, con không biết con “bay” tới đâu luôn…”

{keywords}

Ông đã dạy cho con trai ông là nhạc sĩ Nguyễn Quang “Con học đàn khi nào con quên đi con đang đánh thì con mới thành công”. Mình quên đi nhưng nhớ trong tiềm thức, đó là phản xạ tự nhiên. Với ông, cây đàn như khúc ruột, không có cây đàn, ông như không có hơi thở, ông thà không có phụ nữ chứ không thể không có cây đàn – người nhạc sĩ già nhấp một ngụm cà phê và cười vui nói.

Và rồi từ tiếng đàn ấy ông đã gặp vợ ông – người đàn bà như định mệnh gắn bó suốt cuộc đời với ông. Bà là nghệ sĩ thiết hài đầu tiên của Việt Nam. Bà nhảy thiết hài điêu luyện từ năm 12 tuổi. Hai người làm chung ở một phòng trà ở Sài Gòn, ông đệm đàn cho bà nhảy. Từ sự đồng điệu qua âm nhạc, hai người đã đến với nhau như một lẽ tự nhiên, thấu cảm. “Chúng tôi đến với nhau, khi đó bà nhà tôi 20 tuổi, tôi 25 tuổi. Chúng tôi bị hai bên gia đình phản đối kịch liệt vì cho rằng một cuộc hôn nhân “xướng ca vô loài” thì làm gì bền chặt?! Hai bên gia đình không đồng ý, chúng tôi tự làm đám cưới và sống với nhau hạnh phúc để chứng minh cho bố mẹ thấy rằng, “xướng ca” không “vô loài”!”.

{keywords}

Nhạc sĩ và vợ

Tuy lúc đầu quyết định đến với nhau có chút bốc đồng nhưng sau gần 50 năm sống với nhau, ông nghĩ đó là một quyết định đúng đắn trong cuộc đời của ông. Đến giờ phút này ông tự tin nói, chưa một bóng dáng “giai nhân” nào khác bước vào cuộc đời ông, kể cả trong những ca khúc. Tuy trong nghề của ông có rất nhiều phụ nữ ái mộ, tìm đến chia sẻ, nhiều người tình nguyện muốn bên ông nhưng ông đều từ chối.

Ông nói: “Tôi không bao giờ bỏ gia đình, bỏ người phụ nữ đã giữ cây đàn cho tôi”. Ông kể, tất cả những ca khúc của ông đều mượn tạm từ những câu chuyện tình của bạn bè, từ phim ảnh… ông “khóc” giùm người khác và ông “đau” giùm người khác. Chẳng hạn như ca khúc Biệt khúc của ông. Khi ông chứng kiến bạn ông có người yêu bỏ đi xa, gần 20 năm sau gặp lại, tình cảm vẫn còn nhưng không thể đến được với nhau. Ông đã viết thay bạn: “Biết em còn nhớ tình yêu thứ nhất/Biết em còn nhớ tình xưa chất ngất… Đắng cay tìm đến trong tình đắm say…”.

{keywords}

Và có điều đặc biệt ở người nhạc sĩ này. Bất cứ ca khúc nào ông sáng tác xong đều hát cho vợ ông nghe. “Cô ấy luôn cho tôi những ý kiến. Chẳng hạn khi tôi sáng tác ca khúc Lặng lẽ tiếng dương cầm trong đêm. Câu chót tôi có viết: “lặng lẽ tiếng đàn trong đêm/ một nỗi buồn không tên/ một tình yêu tôi đã quên” – bà ấy đã nói “anh viết “một tình yêu tôi đã quên” thì tình yêu của anh nó nhạt lắm chẳng đáng một… xu. Anh phải viết là “lặng lẽ tiếng đàn trong đêm/ một nỗi buồn không tên/ một tình yêu đâu dễ quên” thì mới đúng”. Từ đó những bài hát tôi viết ra bà ấy hay góp ý. Bà ấy làm việc nhà, đi ngang qua ngang lại, thấy tôi ngêu ngao hát bà lắng nghe rồi đế vào “ồ cái này được này, ồ cái kia em thấy không hợp lắm vì thế này, vì thế kia…”. Không bao giờ bà ấy hỏi, anh viết bài này cho ai, cho cô nào? Với tôi, tình yêu bây giờ với bà không rộn ràng như xưa, nhưng chữ thương ở đây nó nặng lòng lắm!”.

{keywords}

Mỗi năm tới sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới ông đều làm một món quà nho nhỏ giành cho bà. 47 năm sống chung với nhau ông vẫn giữ thông lệ như vậy. Có lần nhân kỷ niệm 36 năm ngày cưới, ông không có quà cho bà. Thế là ông ngồi vào cây đàn piano và sáng tác ngay bài Chuyện chúng mình - một bài hát ông gửi gắm toàn bộ những gì muốn nói với bà bấy lâu nay mà không nói được. Ông ví ông như một con thuyền, còn bà là bến đỗ, thuyền trôi ra sông, ra biển, biển khơi lúc nào cũng đầy sóng gió, thuyền thấy mình nhỏ bé và mỏi mệt quay trở lại bến, bến vẫn đứng đó, vẫn chờ đợi thuyền…

Khi sáng tác ông đã bật khóc khi viết  đến câu “Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay…”. Ông khẽ cất  tiếng hát, giai điệu nhẹ rơi, mắt ông ngân ngấn. (Tôi thấy thấp thoáng bà đứng trên cầu thang lặng lẽ quan sát ông).

Bài hát khi viết xong đã được con trai ông là nhạc sĩ Nguyễn Quang thu vào băng cassette và tặng bà. Ông kể: “Đó là món quà mà bà thích nhất trong tất cả món quà ông tặng”. Ông không muốn công bố bài hát vì muốn giữ là món quà riêng và duy nhất mà ông làm tặng bà – tình yêu thứ nhất, tình yêu duy nhất! Ông cười: “Người ta nói tình chỉ đẹp khi còn dang dở – còn tôi thấy “tình chỉ đẹp khi cùng… ăn phở”. Và ông giơ lên bức tượng nhỏ xíu bằng đồng, hóm hỉnh nói: “Bức tượng này, tôi với bà ấy mới qua Mỹ tìm mua, người ta có giải Oscar về nghệ thuật, còn mình có giải Oscar về cặp đôi đẹp nhất!”.

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam