Vấn đề sản xuất phim và phát hành phim nội trong bối cảnh thị trường chiếu phim gần như là sân chơi của phim ngoại dù rất nóng và có nhiều vấn đề nhưng rất tiếc chỉ có giới làm phim ngồi than với nhau.

Là 1 trong 2 cuộc hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ LHP Việt Nam 18 tại Quảng Ninh nhưng sự kiện này thu hút sự quan tâm của giới làm phim hơn cả chính bởi độ nóng của nó. Trong chương trình hội thảo được phát ra ngay trước sự kiện chiều 15/10, người chủ trì được thông báo là Thứ trưởng Bộ VHTTDL và Cục trưởng Cục Điện ảnh nhưng phút chót lại được chuyển giao cho Cục phó Cục Điện ảnh và Phó Chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam.

PGS TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội điện ảnh nói luôn khi vừa bước lên bục: “Vấn đề sản xuất, phát hành phim chúng ta nói nhiều lắm rồi nhưng tình hình kéo dài quá lâu. Ta đã bàn đi bàn lại nhưng không kịp thời có hướng giải quyết nên nói nhiều quá không để làm gì cả”.

{keywords}

Vấn đề sản xuất và phát hành phim thực ra không mới nhưng luôn nóng, nhất là trong bối cảnh phim Việt đang tăng về lượng nhưng lại thiếu chất, hệ thống phát hành nhà nước gần như chết hẳn, và thị trường chiếu phim gần như là lãnh địa riêng của các công ty phát hành và kinh doanh rạp chiếu liên kết với nước ngoài. Phim ngoại tràn ngập với lượng phim ra rạp mỗi năm gấp cả chục lần phim nội khiến phim Việt ngày càng khó khăn để tiếp cận với chính khán giả trong nước.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam thừa nhận: “Thị trường điện ảnh trong nước hiện nay đang rất ngổn ngang cả đầu vào (sản xuất) lẫn đầu ra (phát hành). Có tới hơn 200 doanh nghiệp sản xuất phim ra đời nhưng chỉ có số ít làm phim, nhiều hãng tư nhân chủ yếu làm phim hài với chất lượng không cao, cho ra những bộ phim mà nhà báo gọi là thảm họa”. Bà Ngát cũng đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào để phim Việt không chết trên sân nhà?”, một câu hỏi quá khó để trả lời.

Là Phó chủ tịch hội đồng duyệt phim quốc gia, bà Ngát cho hay mỗi năm hội đồng duyệt và cho nhập trên 100 phim ngoại nhưng chỉ có hơn 10 phim Việt ra rạp. Thị trường với hơn 90 triệu dân đang bị bỏ ngỏ bởi phim Việt đa phần chất lượng không cao, vốn sản xuất của các hãng lại không dồi dào, các hãng cũng không có kế hoạch, không liên kết với nhau mà chỉ tính cốt sao làm phim để thu hồi vốn. Trong khi nhiều công ty nước ngoài vào Việt Nam và kinh doanh rất tốt, mà đơn cử là MegaStar thì ta lại chết yểu.

{keywords}

PGS Trần Luân Kim cho rằng số lượng phim Việt Nam đang nhiều lên, điều này thể hiện ngay ở các phim tham dự LHP Việt Nam 18 nhưng chất lượng lại là cả một vấn đề phải bàn. Ông nói: “Cả thời gian dài qua không có một cuộc hội thảo nào bàn về chất lượng phim. Kinh phí èo uột, sản xuất không ổn định thì sao đảm bảo được chất lượng. Chúng ta đã bàn vè Quỹ phát triển điện ảnh nhưng đến nay vẫn chưa thành lập. Do vậy khó nói đến việc nâng cao chất lượng”.

Ông Kim cũng đau xót thừa nhận chúng ta đã làm đổ vỡ cả một hệ thống phát hành phim. “Hệ thống này từng rất mạnh nhưng nay èo uột, rời rã, tan nát. Chuyện này đã diễn ra nhiều năm trước nhưng không ai cứu vớt”. Trong khi đó doanh thu của thị trường VN phần lớn rơi vào các tập đoàn nước ngoài đang sở hữu các hệ thống rạp lớn nhất tại VN cũng như từ lượng phim ngoại nhập chiếm tới 80% cùng tỷ lệ người xem lên tới 70%.

Theo số liệu tờ Hollywood Reporter đưa ra thì nếu như doanh số năm 2010 của toàn thị trường VN là 23,7 triệu USD thì năm 2011 đã vọt lên 35 triệu USD. Năm 2012 con số này là 42 triệu USD và dự tính năm 2013 sẽ lên tới 57 triệu USD. Dự báo tới 2016, doanh số của cả thị trường VN sẽ vượt 100 triệu USD và là một trong những thị trường tăng trưởng nóng bậc nhất khu vực. Hiện rất nhiều dự án xây rạp hiện đại do tư nhân bỏ tiền đã và đang được thực hiện.

Cùng với lượng phim nhập về không giới hạn như hiện nay theo cam kết vào WTO, chắc chắn VN sẽ là 1 thị trường vô cùng tiềm năng nhưng cũng là thách thức cực kỳ lớn với các nhà làm phim trong nước. Ông Trần Luân Kim cho rằng tiềm năng phát hành ở VN rất lớn nhưng không khai thác được do không có vốn sản xuất phim. Ông cũng không ngần ngại sử dụng hai từ “báo động” để nói về thực trạng sản xuất và phát hành phim hiện nay. Tuy nhiên giải pháp thế nào để gỡ rối thì cuộc hội thảo chưa đưa ra được bởi quả thực vấn đề quá lớn và quá phức tạp.

Tham dự cuộc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và phát hành phim này còn có các đại diện của điện ảnh Pháp, Phillipines, Hàn Quốc cũng như nhiều đại diện của giới làm phim tư nhân phía nam. Song “tiếc là cuộc hội thảo không có các cấp quản lý tham dự để tiếp cận ý kiến”, như lời của ông Trần Luân Kim. Vì vậy, tất cả vẫn sẽ chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề và bỏ đó trong khi chúng ta lại đang cần hành động nhanh.

Hoàng Vy