- Cùng mưu sinh trên cánh đồng sản lượng thấp của điện ảnh Việt, Bông Sen lẫn Cánh diều phải xào nấu cả “thảm họa” để cho ra một tiệc phim đông vui.

Bông sen vàng “gỡ điểm” cho liên hoan phim ngập thảm họa

Có chưa tới 20 phim truyện được sản xuất mỗi năm. Số lượng lẫn chất lượng của chúng đang gia tăng một cách khó nhọc giữa lúc phim ngoại được nhập về ồ ạt làm bùng nổ phòng vé. Những tưởng sự thật ấy sẽ phải khiến các liên hoan, giải thưởng sẽ phải thu hẹp cho phù hợp với quy mô khiêm tốn của nền điện ảnh, mà nó được sinh ra để trao tặng và ghi nhận các đóng góp trong một thời hạn.

{keywords}

Thiên mệnh anh hùng, phim xuất hiện ở cả ba liên hoan, giải thưởng do VN tổ chức.


Nhưng sự thật ngược lại. Trong vòng 10 năm qua, dù sản lượng lẫn chất lượng phim Việt không khá hơn là bao, nhưng các loại giải thưởng điện ảnh vẫn cứ đều đều tổ chức theo mô hình của các giải thưởng, liên hoan quốc tế nhằm phô trương thanh thế và uy tín.

Qua hơn bốn thập niên tồn tại kể từ lần đầu tiên vào tháng 8 năm 1970, LHP Việt Nam với giải Bông Sen, do Cục Điện ảnh tổ chức, đã có lúc trở thành tâm điểm chú ý của cả xã hội. Bởi sự độc tôn của nó và bởi rơi vào những thời điểm hưng thịnh của nền điện ảnh.

Nhưng gần đây, liên hoan lâu đời này vấp phải sự cạnh tranh của hai liên hoan, giải thưởng khác phô trương không kém. Đầu tiên là giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh. Giải này ra mắt năm 2003 với tiền thân chỉ là tặng thưởng hàng năm của một hội nghề nghiệp, nay được nâng cấp có thêm lễ trao giải kiểu như Oscar và vài hoạt động bên lề.

Kế tiếp là LHP quốc tế Hà Nội của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, cũng do Cục Điện ảnh đứng ra tổ chức, đã diễn ra được hai lần, vào năm 2010 (với tên gọi LHP quốc tế Việt Nam) và năm 2012. Liên hoan này chọn một số phim Việt ra “đấu” với các đối thủ quốc tế.

Đứng chung trong một sân chơi quá chật, phản ánh một cơ cấu “phải có” của bộ máy hành chính, có thể thấy ba liên hoan này đang chia nhau vị trí để tránh cuộc đụng độ, vốn khiến người ta dễ đặt lại tính phải lẽ trong sự tồn tại của từng liên hoan. Cụ thể, LHP VN tổ chức vào cuối năm lẻ, LHP quốc tế Hà Nội vào cuối năm chẵn và giải Cánh diều vàng thường niên vào tháng 3.

{keywords}

Giải Bông sen hay Cánh diều phải chấp nhận cả những phim “thảm họa” như Hello cô Ba để có được tiệc phim đông vui.


Nhưng dù đã chia nhau ba vị trí “đóng chốt” trên dòng chảy thời gian của điện ảnh, cả ba liên hoan vẫn không tránh khỏi phải cạnh tranh nhau về số lượng phim tham gia. Nếu may mắn tổ chức tại thời điểm điện ảnh Việt có nhiều phim chưa ra mắt, liên hoan còn vớt vát được chút sinh khí nhờ vài sự tò mò của truyền thông lẫn khán giả về những phim này.

Còn lại, phần lớn “phim mới” của liên hoan này là phim cũ của...hai liên hoan kia. Thế nên mới có chuyện Thiên mệnh anh hùng, phim Tết của năm 2012, đã phải “lê lết” từ LHP quốc tế Hà Nội tổ chức cùng năm, sang đến giải Cánh diều vào tháng 3/2013 và cuối cùng “cặp bến” ở LHP VN lần thứ 18 kết thúc hôm 16/10 vừa qua.

Giải thưởng cho Thiên mệnh anh hùng cũng từ đó mà “ý nhị” trồi sụt theo từng giải và theo mức độ “tương tác” với đối thủ cạnh tranh Scandal – Bí mật thảm đỏ cùng của đạo diễn Victor Vũ, từ giải ban giám khảo, Cánh diều vàng cho đến Bông sen bạc.

Có một điều không nói ra nhưng ai cũng biết, rằng: phim đã đoạt giải cao nhất của liên hoan này sẽ chỉ đoạt giải khiêm tốn ở liên hoan kia. “Luật ngầm” có thể được lý giải là cách để các ban giám khảo ghi dấu ấn của mình, nhưng rõ ràng cũng đem lại không khí đề huề vui vẻ cho cả làng điện ảnh như những cơn mưa huy chương bên lĩnh vực sân khấu.

Trong bối cảnh như vậy, thật khó đòi hỏi các liên hoan phim ở VN, dù tầm cỡ quốc gia hay quốc tế, có thể đạt được chuẩn mực những chuẩn mực của một liên hoan trong thế giới điện ảnh. Tức có các tiêu chí rõ ràng cụ thể (đã công chiếu thương mại trong năm, lần đầu ra mắt, hoặc không xuất hiện ở liên hoan khác…), các phim đều qua khâu giám tuyển hoặc bỏ phiếu sơ tuyển trước khi đề cử…

Thế nên, “cỗ” phim ở mỗi kỳ liên hoan, từ Bông Sen đến Cánh diều dù khá xôm tụ đúng nghĩa một buổi tổng kết khi có mặt cả phim “thảm họa” lẫn chất lượng, thương mại lẫn nghệ thuật, ăn khách lẫn…cất kho. Nhưng khán giả vẫn cứ ngán ngẩm vì “cỗ” nào cũng được bày biện na ná như nhau.

Minh Chánh