- "Nên có một bảo tàng để lưu giữ những di sản vật thể và phi vật thể về Đại tướng, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp", PGS-TS Nguyễn Văn Huy.

Mới đây, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam – Thượng tướng Nguyễn Văn Được đề nghị Mặt trận Tổ quốc kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm quy hoạch ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là niềm mong mỏi của người dân cả nước cũng như sự mong mỏi của bạn bè quốc tế để hiểu hơn về một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam.


{keywords}

Hình ảnh xúc động trong lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), trước đây Ban bí thư và Bộ chính trị đã có văn bản yêu cầu không phát triển bảo tàng hay nơi tưởng niệm các vị lãnh đạo một cách ồ ạt. Nhưng những ngày vừa qua, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, triệu triệu con tim nhói đau, những gì chúng ta chứng kiến về lòng dân, về tình cảm với vị Đại tướng tài ba đức độ thì chúng ta phải suy nghĩ lại rất nhiều điều chứ không thể ứng xử hay xử sự như những gì chúng ta đã nghĩ, đã làm trước những ngày Đại tướng ra đi.

"Nên có một bảo tàng để lưu giữ những di sản vật thể và phi vật thể về Đại tướng, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là việc hệ trọng. Cuộc đời của bác Võ Nguyên Giáp là một di sản lớn, bản thân cuộc đời ấy đã là một chất liệu tuyệt vời để có thể làm nên một bảo tàng. Bảo tàng Võ Nguyên Giáp không cần to tát, hoành tráng - điều mà lâu nay những người làm bảo tàng vẫn thích mà chỉ nên bình dị thôi", PGS-TS Nguyễn Văn Huy nêu quan điểm.

Theo ông Huy, bảo tàng này ở ngay trên tòa nhà và khuôn viên của mảnh đất 30 Hoàng Diệu - nơi Đại tướng sống và làm việc 60 năm, tiếp khách trong nước và quốc tế là hợp lý. Nơi đây, từng cành cây ngọn cỏ, từng viên sỏi hay chỉ là tia nắng ban mai cũng gắn liền với vị Tướng bình dị. Chỉ cần đến địa chỉ này thôi, chưa cần xem nội dung, lòng người đã xốn xang xúc động lắm rồi. TS Huy cho biết ở nhiều nước có những bảo tàng chỉ nho nhỏ thôi nhưng người ta biết cách trưng bày, biết kể câu chuyện, người xem vẫn đến đông và khi xem xong họ vô cùng xúc động.

{keywords}

Theo PGS- TS Nguyễn Văn Huy, hiện cả nước có 135 bảo tàng nhưng đa phần những bảo tàng đó tính hiệu quả không cao. Nếu có cơ hội làm bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo ông, phải tổ chức được một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp cho nội dung bên trong bảo tàng thật hay, kể được những câu chuyện thú vị, đặc sắc nhưng thật đời thường.

"Chắc chắn cần tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia của nước ngoài thiết kế nội thất về mặt không gian, ánh sáng, đồ họa. Muốn làm một bảo tàng chất lượng cao phải có một sự đầu tư thỏa đáng nhưng không có nghĩa là hoành tráng. Cái gì bình dị cũng dễ gần và xúc động người xem", ông nói.

Đại tá Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ cũng cho rằng việc lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là ước vọng của toàn dân, toàn quân mà là việc làm vô cùng quan trọng. Chúng ta đã có nhiều danh tướng tài ba với chiến công hiển hách như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… nhưng tài liệu về những con người tài ba này lại còn rất ít do sự thăng trầm của lịch sử cũng như sự tàn phá của chiến tranh. Có những binh thư, kiệt tác quân sự của các bậc tiền bối nhưng chúng ta đã không giữ lại được.

Nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tư liệu còn về Người thì rất nhiều. Việc thành lập bảo tàng Võ Nguyên Giáp sẽ là một kho tàng tư liệu quý giá để lớp lớp con cháu chúng ta về sau có thể học tập và nghiên cứu.

Tình Lê