Làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đang rạn nứt, phân chia thành hai phía ủng hộ và không ủng hộ những việc làm của sư Thích Minh Phượng - trụ trì chùa Chân Long: bỏ tượng, thay đổi vị trí tượng, đưa tượng mới vào chùa, xây dựng trong khuôn viên chùa trái luật.
 

Tượng trái phép bị bắt dời đi vẫn còn để trong chùa.

Những gian thờ tự chùa Chân Long, làng Chàng Sơn khóa cửa im ỉm trong hai ngày 6 - 7.11 khi các nhà báo đến tìm hiểu. Nhưng chỉ trong chừng 10 phút, người dân bảo nhau đến rất đông. Cùng các phóng viên, họ đứng ngoài nhìn vào tam bảo, các gian thờ của chùa. Điện thoại của nhà sư không liên lạc được trong sáng qua. “Ông này khóa cửa thường xuyên. Hôm qua nhà báo về cũng không gặp được”, một người dân tên Phí Đình Chín nói.

Trước đây, khi chưa có sư Phượng, người Chàng Sơn vẫn tự trông nom chùa. Dân muốn vào có người mở cửa ngay. Bây giờ, dân làng thường xuyên phải đứng ngoài nhìn vào chùa làng như người ngoài, mỗi khi sư đóng cửa đi vắng. Không được vào chùa khi mình muốn, người dân ở đây còn chịu nhiều ấm ức khi sư Phượng tự quyết mọi chuyện trong ngôi chùa của họ.

Một nhà vệ sinh mọc lên ngay đầu đốc một gian thờ tự. Bia di tích bị dời đi, mãi sau đó mới được dựng lại. Ngay cổng chùa là nhà để ô tô của nhà sư. Chưa kể tượng Phật trong chùa cứ thêm bớt, thay đổi vị trí theo ý của sư Phượng. Trong khi đó, ngôi chùa này là một di sản văn hóa cấp quốc gia được cấp chứng nhận từ năm 1991. “Việc nhà sư có sai phạm là đúng”, chính quyền xã xác nhận.

Những sai phạm của sư trụ trì có nhiều loại. Chúng đều được ghi trong báo cáo ngày 25.10 của xã Chàng Sơn gửi tới các cơ quan liên quan như: Ban Quản lý danh thắng - Sở VH-TT-DL Hà Nội, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Nội, ủy ban nhân dân huyện... Trong đó ghi rõ nhà sư cho đào hố làm bể phốt nhà vệ sinh ngay thân chùa chính, nhiều lần mang tượng Phật mới vào chùa, xây dựng nhà tắm, nhà để xe trong khuôn viên mà không báo cáo chính quyền địa phương.

Tượng cổ đi đâu?

“Đặc biệt nghiêm trọng, ông Thích Minh Phượng đã tự ý mang ra khỏi chùa một pho tượng cổ Ngọc Hoàng, có chiều cao khoảng 1,2 m. Ông tự cho rằng trong quá trình bao sái pho tượng bị hỏng, nên tự ý mang đi tắm tại sông Tây Ninh”, báo cáo nêu rõ. Bức tượng Ngọc Hoàng này, theo cán bộ văn hóa xã, có tuổi thọ đã 300 năm và người dân ở đây không ai không biết nó vì đã gắn bó quá lâu.

 {keywords}

Bức tượng được cho là giống sư trụ trì.

Trước đó, theo một cán bộ xã, sư Phượng từng nói có thể cho bớt tượng đi vì trong chùa có tới hai bức tượng Ngọc Hoàng. Trong một biên bản họp hồi năm 2010, phần ý kiến của sư Phượng có đoạn: “Chúng tôi được đào tạo về Phật pháp, hiểu được việc thờ tượng. Hiện tại trong chùa tượng có chỗ thiếu, có chỗ thừa”.

Cũng tại biên bản họp hồi 2010, sư Phượng cho rằng do thiếu và thừa tượng như vậy, ông đã xếp lại tượng và có chuyển một số tượng về chùa. Tuy nhiên, người dân tỏ rõ sự không đồng tình với việc xếp lại tượng như vậy.

“Sự việc còn chưa lắng xuống thì đến ngày 20.10 người dân thông tin vị sư đã mang tượng đồng nặng khoảng 350 kg vào chùa. Khi xã vào kiểm tra thì ông đã mang pho tượng vào đặt ở tam bảo chùa chính. Ông Phượng cho rằng đây là tượng Trần Nhân Tông của phật tử cúng tiến vào chùa”, báo cáo của xã viết.

Đây chính là bức tượng gây ồn ào trên mạng trong suốt mấy ngày qua. Trên Facebook có tên Chàng Sơn, bức tượng được cho là tượng chân dung ông Phượng đã bị người dân mang ra trút giận. Họ xếp lá đa trên đầu tượng, đội mũ, đeo kính cho tượng. Thậm chí có những người đá vào tượng cho bõ tức. Có người còn cho rằng nếu để tượng này ở chùa thì hóa ra làng phải vái ông Phượng. Bức tượng này hiện không còn ở tam bảo. Nó đã được dời đi cách đây hai hôm. 

“Chúng tôi tổ chức hội nghị với ông Phượng, mời ban ngành đến chứng kiến. Ông tự ý mang tượng Phật vào. Ông ấy nói đã mang vào một tuần rồi. Yêu cầu phải bỏ ra khỏi chùa. Từ 25 - 31.10 phải mang ra khỏi chùa. Hàng nghìn người dân kéo về, dân người ta bức xúc”, cán bộ văn hóa xã nói.

“Theo quan điểm của tôi, tượng ai không quan trọng. Ai được ngồi phải có ngôi có vị. Chùa làng tôi thì phải tượng làng tôi. Kể cả là ông gì chăng nữa tôi cũng không đồng ý. Trước ngày 3.12.2011, cuốn lịch sử Đảng còn in ảnh tượng làng. Chúng tôi đang muốn hỏi tượng đó ở đâu?”, ông Phương, một người dân nói.

Ngay cạnh ông Phương là một gian nhà của chùa. Trong đó la liệt nhiều pho tượng mới. Đó là những pho tượng sư Phượng mang về đưa vào chùa thay thế cho các tượng Phật nguyên gốc ở đây. Bị dân phản đối, chính quyền kiểm tra, các pho tượng này đã phải di dời ra đây. Pho tượng nhân dân cho là giống chân dung ông Phượng mới đây cũng đã phải mang khỏi chùa, dưới sự chứng kiến của người dân.

Nhưng điều đáng lo nhất là vi phạm nhiều lần, kéo dài của sư Phượng lại có người ủng hộ. Một cán bộ xã cho biết khi ông lên tiếng về việc làm của ông Phượng trên báo, ngay lập tức, có hàng trăm tờ rơi chửi bới ông. Đáng tiếc là cán bộ này không lưu lại những tờ rơi đó. Nó cho thấy trong lòng Chàng Sơn đang có phân rã thành hai phe, ủng hộ và không ủng hộ sư trụ trì ngôi chùa làng. Rõ ràng, chuyện tuyên truyền, tuân thủ pháp luật di sản hoàn toàn có thể “cái sảy nảy cái ung”.

Theo Thanh Niên