Nguyên sơ và thanh khiết, với các mảng miếng và chất liệu đan dệt đầy tinh xảo, liệu "Độc Đạo" của bộ đôi Tùng Dương - Nguyên Lê có thể được hấp thu, hay sẽ nhận được những cái lắc đầu khó hiểu trong xã hội đương đại đang ngốn ngấu văn hóa đại chúng và thức ăn nhanh?

Hấp thu không phải theo cách một giải thưởng nào đó được trao bởi tiếng vang của cái tên Nguyên Lê - Tùng Dương, hay hiệu ứng đám đông đổ xô đi mua đĩa bởi một số người nổi tiếng hoặc giới tinh hoa đã trầm trồ với album này từ khi nó chưa ra mắt; mà là việc có bao nhiêu người có thể bỏ nhiều giờ thanh tịnh để lắng nghe những âm thanh dày dặn được bày phối hết sức đẹp đẽ này. 

{keywords}

Tùng Dương và Nguyên Lê đến gần nhau, giao cảm trong âm nhạc

 

"Độc Đạo" hoàn toàn không phải là một album dễ nghe, mặc dù các track càng nghe càng ngấm và thực sự có cảm giác gây nghiền; nhất là khi người nghe mở dần từng lớp lang của tác phẩm, thấy được các chất liệu đã được sắp đặt như thế nào.


Được bắt đầu với ca khúc chủ đề, ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, "Độc Đạo" đã mở một không gian mới khiến người không quen có thể bị lạc đường vì lạ lẫm. Ambient, cổ điển, giọng hát của Tùng Dương hòa trộn trong một tổng thể hiếm thấy.

Ca khúc chủ đề này cũng chính là dấu mốc thành công đầu tiên, tạo sự ngạc nhiên kỳ thú. Nguyên Lê đã đưa được chất liệu âm nhạc ít  xuất hiện trong các album trước của mình, cũng là mối quan tâm đang được ông khai thác hiện nay - nhạc cổ điển đương đại. Âm thanh ám ảnh, đơn độc của dàn dây, độ mở của ambient song hành cùng giọng hát đậm chất dân gian Việt - Tùng Dương. Từ thành công này, giọng hát Tùng Dương tiếp tục ở vị trí trung tâm để Nguyên Lê xây dựng các chất liệu âm thanh ngày càng đa dạng, bổ trợ cho sự thăng hoa ấy

Tính dân tộc Việt tiếp tục có mặt trong giọng hát của Dương và các nhạc cụ hay màu âm dân ca Việt Nam. Các bản phối tiếp theo của "Cuộn", "Thể đơn bào", "Con ốc" đều tinh xảo và tiết chế; mỗi bài đều có những điều mới mẻ: new age, một khúc dân ca, tiếng guitar, trống koto Nhật và tiếng sáo trúc... Đúng là không còn ranh giới về thể loại. Các màu sắc âm thanh khoe vẻ đẹp rạng rỡ, tinh khôi trong một tổng thể hài hòa.

{keywords}

Đó được xem là cơ duyên của cả hai, khi Tùng Dương tiếp cận thế giới với chuyên chở nhạc Việt trong mình, và Nguyên Lê tìm về Việt Nam, tìm một giọng hát Việt có tinh thần world music lẫn tính dân tộc

 
Những bản phối mới dành cho "Bài ca trên núi", "Chiếc khăn phiêu", "Giăng Tơ", "Redemption song" cũng được làm kì công, sử dụng thêm những đoạn vocal độc đáo và sáng tạo. Nếu như "Redemption Song" trước đây có thể khiến người nghe liên tưởng đến người nô lệ đang bị bắt trói trên thuyền, ngước nhìn trời cao và hát về tự do; thì với bản phối mới, chủ thể dường như tìm được sự thanh thản nhiều hơn, mở ra nhiều không gian hơn cho anh. Nghệ sĩ người Tunisia - Dhafer Youssef cũng quyến rũ người nghe bằng giọng hát nguyên bản đẹp lộng lẫy của thổ dân Châu Phi dẫn nhập cho "Bài ca trên núi".

Và dù một số khán giả đã quen với cách Tùng Dương hát các bản phối Nguyên Lê - tự do khai mở và biến báo, luôn muốn vượt qua các giới hạn - thì track thứ 8 "7 seconds" vẫn có thể làm họ ngạc nhiên vì sự mới mẻ trong màu giọng hay cách anh xử lý. Ca khúc mang màu sắc quốc tế này Dương song ca với Julia Sarr - một giọng nữ có độ vang, độ nảy và trong sáng, Tùng Dương hát lạ, vào ở tone thấp trầm mềm, ấm áp, đôi chỗ có cách nhả chữ, gằn âm gợi nhớ đến ông vua nhạc pop Michael Jackson. Hai màu giọng khác biệt hòa trộn tạo cảm giác rất phấn khích, vừa hỗ trợ lẫn nhau vừa có tính trưng trổ riêng tư nhất định.

"Độc Đạo" là một album đã kết hợp được những chất liệu từ tài năng ở đẳng cấp quốc tế của các nghệ sĩ mang trong mình niềm tự tôn và tự hào dân tộc. Giữa tầng lớp những sản phẩm âm nhạc na ná giống nhau, chứa đầy các ý tưởng cắt ghép, vay mượn hay thời thượng, dễ nghe nhưng lại đi vào lối mòn dễ dãi...; thì sự kết hợp của họ chính là sự khác biệt đầy khẳng khái, được khát khao mong đợi.

{keywords}



Đứng giữa vùng đất world music rộng lớn và trống trải, những người tiên phong đồng thời gánh chịu cả niềm hạnh phúc và nỗi cô đơn, để cho ra đời một album vừa đa chủng tộc, vừa địa phương tính, biết tiết chế và tối giản, có mảng miếng, sắc màu. Giá trị dân gian Việt đã hòa trộn với gam màu Á Đông, Phi Châu, trong sự xếp đặt của phong cách Pháp: tự do và lãng mạn. Một món quà lớn mà Nguyên Lê và những người bạn quốc tế, cùng Tùng Dương, nhạc sĩ Sa Huỳnh, Lưu Hà An dành cho khán giả. 


Hồ Hương Giang