- Bên chén trà nóng, Thượng tọa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng nặng 138 tấn
Một ngày cuối Thu, tiết trời chớm lạnh. Tất bật với lịch họp Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 6, cùng với việc chuẩn bị cho Đại lễ 705 năm kỷ niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và khánh thành bảo tượng Ngài trên đỉnh thiêng Yên Tử. Hẹn mãi, chúng tôi mới gặp được TS Phật học, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, Trưởng ban dự án tôn tạo chùa Đồng (Yên Tử).
Tượng Phật hoàng Trân Nhân Tông sẽ được khánh thành vào ngày 3/12/2013 |
Bên chén trà nóng, Thượng tọa kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ánh mắt Thượng tọa toát lên vẻ từ bi, hoan hỷ khi chỉ còn vài tuần nữa, tín đồ, phật tử trong và ngoài nước sẽ được chiêm bái tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông giữa đỉnh cao Yên Tử, dưới ngàn mây trắng bay.
“Giờ tôi mới an lòng, khi đúc xong bức tượng Phật hoàng ở độ cao trên 900m so với mặt nước biển mà không xảy ra một sự cố đáng tiếc nào, kể cả về mặt kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động”, Thượng tọa mở đầu câu chuyện.
Còn nhớ, cách đây gần 5 năm, đúng ngày tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1/11/2009 - Âm lịch), hàng ngàn tăng ni, phật tử từ các nơi đã đổ dồn về đất thiêng Yên Tử dự lễ khởi công dựng tượng của Ngài trên An Kỳ Sinh.
Trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên mà Ngài còn là vị tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Việc xuất gia tu đạo của Thượng hoàng Trần Nhân Tông khi đất nước yên bình đã góp phần không nhỏ cho đời sống chính trị Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV trở nên ổn định, ôn hòa, dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.
Võ công hiển hách, tư tưởng minh triết ngời sáng vì dân tộc, vì đời sống con người của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã là biểu tượng rực sáng của dân tộc. Ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đã trở thành ngày Lễ lớn của Phật giáo Việt Nam (theo Nghị quyết 2 khóa VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam).
“Mặc dù, đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng chùa Đồng, nhưng việc đúc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bảo đảm yêu cầu kỹ thuật với công trình nặng trên 130 tấn, chất liệu đúc bằng đồng nguyên chất, theo phương thức đúc tại chỗ - liền khối, lại xây dựng tại địa hình khá hiểm trở ở độ cao trên 900m so với mực nước biển... nên chúng tôi luôn cân nhắc kỹ lưỡng, chu đáo”, Thượng tọa nhớ lại.
Khi được hỏi về những kỷ niệm và khó khăn lớn nhất khi thi công công trình này? Thượng tọa nhẹ nhàng chia sẻ: “Ngoài việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công trình này, thì khó khăn nhất phải kể đến là biện pháp thi công, mà trước đó là việc chọn mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông”.
Sau khi nghiên cứu kỹ 7 mẫu tượng đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân tại Ban Quản lý di tích Yên Tử, chúng tôi cùng với nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất lấy mẫu pho tượng Trần Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang trong tư thế ngồi thiền hai tay bắt quyết, ngài mặc áo của dòng tiểu thừa, eo thon, khuôn mặt hiền từ thoát tục. Bốn mặt bệ đá đặt tượng của ngài được chạm khắc hoa văn hoa cúc và những con rồng thời Trần.
Đây là một bức tượng đẹp, thể hiện sự thoát tục của đức ngài, vừa có niên đại cổ nhất và gần với diện của ngài nhất.
Tôi cho rằng, khó khăn lớn nhất là nhiều lần phải tìm phương án thay đổi biện pháp thi công. Bởi, ngay cả tốn kém, chúng tôi đã vài lần thay đổi tượng thạch cao; trên độ cao 900m hết sức hiểm trở sẽ không có phương tiện hiện đại nào trợ giúp được mà phải đúc hoàn toàn bằng biện pháp thủ công, thậm chí cũng không thể đúc từng mảnh ở giữa đất đem lên được.
Xác định là, đúc liền khối tại chỗ lại nảy sinh một loạt khó khăn, vì mỗi tấm khuôn để ghép vào nó nặng từ 5 - 7 tấn, dùng các balasic thủ công, có khi hàng tuần mới được một miếng, ghép đi, ghép lại nhiều lần. Theo đó, phải thực hiện làm bệ trước; tiếp đến làm một dàn giáo 6 tầng, mỗi tầng cách nhau 3 mét. Mỗi tầng của giàn dáo đều có các lù, lò để thi công, đúc từng tầng một, xong tầng nào thì bịt lò tầng ấy lại. Quá trình đúc như thế được thực hiện tất cả các hạng mục từ đài sen, đến thân và đầu tượng. Tổng số chiều cao của tượng là 15m với trọng lượng 138 tấn đồng nguyên khối.
“Với công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, đến thời điểm này, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện công nghệ đúc nổi (khuôn nằm trên mặt đất) với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bê tông. Và, đây là lần đầu tiên đúc trên vị trí núi đá cao, địa hình hiểm trở, không có địa bàn thi công, quanh năm mây mù, ẩm ướt… ”, Thượng tọa khẳng định.
T.Vân