Năm 2013 dần khép lại với nhiều hoạt động văn hóa đáng chú ý và cả những báo động về công tác quản lý di tích theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng".

2013 là năm mà các di tích "vùng dậy" kêu cứu bởi nó bị biến thành di tích, bị "chết" quá lâu.

Dân rạn nứt vì "Ngôi nhà chung"

{keywords}

Cuối tháng 10/2013, hàng nghìn người dân trong xã Chàng Sơn bức xúc khi phát hiện sư trụ trì chùa Chân Long Thích Minh Phượng đã thay một bức tượng Phật Ngọc Hoàng trong gian nhà Tổ bằng bức tượng của chính mình. Sau đó hàng loạt những sự thật gây sốc được phát hiện như trong nhà tắm của thầy Thích Minh Phượng treo bức ảnh của một thiếu nữ không mặc áo, đang ôm chiếc bình hoa. Vị sư này còn lập một đạo tràng gần 100 người với hầu hết là phụ nữ, chỉ có 2 người đàn ông. Đồng thời, sư thầy cũng cho xây dựng các hạng mục nhà vệ sinh sát bên cạnh tòa tiền đường, chặt cây cổ thụ để xây gara ô tô cạnh cổng phụ khuôn viên mà không báo cáo chính quyền địa phương …

Đình làng, chùa chiền vốn được coi như là "ngôi nhà chung" - nơi mà người dân tự do sinh hoạt cộng đồng, nơi gắn kết tình dân thì ở Chân Long lại là trường hợp hy hữu - ngôi nhà chung làm rạn nứt tình dân. Đáng nói là các sai phạm trên diễn ra từ năm 2010 và chính quyền địa phương đã lập biên bản, nhắc nhở Ban hộ tự và trụ trì chùa khắc phục. Tuy nhiên, các sai phạm không hề được xử lý dứt điểm khiến nhân dân bức xúc.

Kiểu quản lý di tích "mất bò mới lo làm chuồng" lại tiếp tục tái diễn trong trường hợp này. Qua sự việc tại Chàng Sơn, Sở VH-TT&DL Hà Nội mới quyết định sẽ tiến hành thanh tra, kiểm kê di tích trên toàn địa bàn. Đặc biệt, Sở sẽ kiên quyết loại bỏ những hiện vật có yếu tố ngoại lai như đèn lồng, sư tử đá… ra khỏi các di tích.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh có lần nói: "Những người hưởng lương của Nhà nước để quản lý di tích thì không phát hiện ra sai phạm ngay tại chính di tích mình quản lý. Họ thờ ơ theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Đau xót hơn, khi sai phạm được phát hiện, không ai chịu đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp”.

Làng cổ Đường Lâm, phố cổ Đồng Văn đồng loạt đòi trả di tích

{keywords}

Làng cổ Đường Lâm

Năm 2005, làng cổ Đường Lâm thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội được công nhận danh hiệu lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Thế nhưng, đầu năm 2013, người dân nơi đây đồng loạt làm đơn xin “trả danh hiệu”. Sự việc mới nghe có vẻ nực cười nhưng ngẫm kỹ lại thấy hợp lý bởi người dân cần gì danh hiệu khi mà cuộc sống của họ không được cải thiện mà ngược lại còn bị thu hẹp.

Cùng với thời gian, con cháu trong làng cổ lấy vợ gả chồng sinh con đẻ cái. Dân số của làng Đường Lâm ngày càng tăng mà đất đai không "đẻ" thêm được. Thêm nữa, qua thời gian cùng với sự ăn mòn của thời tiết xứ nhiệt đới thì nhiều hạng mục của công trình cổ xuống cấp làm cho cuộc sống của người dân rất khó khăn trong khi các dự án trùng tu vẫn trong quá trình họp bàn, thảo luận và chờ kinh phí.

Bên cạnh đó, tiền thu từ dịch vụ du lịch có là bao. Chưa kể không phải người dân nào trong làng cổ Đường Lâm cũng được thụ hưởng giá trị như nhau. Có người đang sống trong nhà cổ thì không nhận được bao nhiêu lợi ích từ dịch vụ du lịch trong khi có người không nằm trong diện nhà cổ thì hưởng nhiều lợi ích từ làm dịch vụ.

Chính nghịch lí này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho người dân trong làng cổ bức xúc và đến khi không thể điều hòa được nữa thì họ đành làm đơn xin trả danh hiệu lại cho Nhà nước.

{keywords}

Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn nằm ở trung tâm của thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với những khu nhà cổ, khu thương mại hình thành cách đây hơn 100 năm. Phố cổ Đồng Văn hiện có gần 40 ngôi nhà cổ và khu chợ Phố cổ. Với quy mô tuy không lớn song có những sắc thái riêng biệt, độc đáo và mang bản sắc riêng của cư dân vùng cao nguyên đá nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Thế nhưng cũng giống như làng cổ Đường Lâm, người dân ở đây cũng muốn trả lại di tích vì muốn được sửa chữa cơi nới ngôi nhà hàng trăm tuổi bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù dự án trùng tu di tích cấp quốc gia phổ cổ Đồng Văn có gần chục năm nay nhưng vẫn trong khâu thẩm định. Người dân được vận động cố gắng giữ nhà để chờ dự án nhưng chờ mãi chờ mãi trong vô vọng, cho đến lúc đồng loạt "đòi trả di tích", cơ quan quản lý di tích mới vào cuộc.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để giải quyết bài toán giữa việc bảo tồn nguyên trạng di tích với đảm bảo sinh kế của người dân vẫn là một bài toán khó mà cho tới nay, cơ quan chức năng dù đã hứa nhiều lần lên kế hoạch nhưng vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Đây dường như vẫn là câu hỏi khó cho các nhà làm chính sách và quản lí hiện nay.

Chùa Một Cột: 3 năm tu sửa vẫn không xong

{keywords}

Cuối tháng 4/2013, Đại đức Thích Tâm Kiên - trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột có gửi một tối hậu thư với những lời lẽ  tha thiết mong muốn được UBND TP.Hà Nội tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các nhà sử học… để nhanh chóng trùng tu tôn tạo chùa.

Bức tối hậu thư ngay lập tức đã gây chấn động dư luận, bởi đây đã là lần thứ 10 trụ trì ngôi chùa nổi tiếng với lối kiến trúc độc đáo của Việt Nam này phải lên tiếng kêu cứu chính quyền trước tình trạng xuống cấp của chùa Một Cột. Mặc dù Lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo từ năm 2010, sau đó báo chí cũng lên tiếng rất nhiều nhưng chùa Một Cột vẫn trong trạng thái dột nát.

Trước sức ép của dư luận và báo chí, TP.HN đã giao quận Ba Đình tập trung xử lý ngay việc chống thấm, chống dột tại di tích; kiểm tra, rà soát công tác quản lý tại chùa, yêu cầu nhà sư trụ trì chùa thực hiện đúng quy định quản lý tại chùa. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch HN căn cứ ý kiến chỉ đạo kết luận của thành phố hướng dẫn giám sát quận Ba Đình triển khai việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích chùa Một Cột – Diên Hựu.

Đàn Xã Tắc: Bài học ứng xử với di sản

{keywords}

Di tích lịch sử Đàn Xã Tắc (Hà Nội) được phát hiện năm 2006 khi triển khai thực hiện đường vành đai 1 đi qua khu vực Kim Liên. Theo các chuyên gia khảo cổ, các nhà sử học thì Đàn Xã Tắc được xây dựng giữa thế kỷ XI. Do đó, đây là công trình có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, tâm linh.

Cuối tháng 3/2013, ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội đã đưa ra phương án kiến trúc cầu vượt trục giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa nhằm hạn chế giải phóng mặt bằng, cầu sẽ đi sát phạm vi bảo tồn Đàn Xã Tắc. Mố cầu nằm ngoài di tích, còn mặt cầu có một phần chạy qua di tích này. Theo chủ đầu tư, cầu vượt dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thành vào năm 2015.

Sau rất nhiều tranh cãi nảy lửa xung quanh việc nên hay không nên làm cầu vượt qua Đàn Xã Tắc, chọn phương án nào cho hợp lý, ngày 5/6, UBND TP đã mở cuộc Hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học về xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa. Tại cuộc gặp mặt này, chính thành phố Hà Nội đã chủ động đề nghị các nhà khoa học cho ý kiến sâu hơn về hai phương án khác so với phương án đã từng bị dư luận phản ứng.

Một lần nữa, bài toán về bảo tồn và phát huy giá trị di sản lại được đưa ra, giữ lại cái gì, bỏ đi cái gì luôn là lựa chọn khó. Ở trường hợp nút giao thông Ô Chợ Dừa, cái hay là Thành phố Hà Nội đã tiếp thu ý kiến của dư luận, thấy chưa hợp lý thì điều chỉnh. Và câu chuyện ở nút giao thông này cũng là một bài học đáng tham khảo khi giải những bài toán tương tự.

T.Lê