Năm 2013- điện ảnh Việt gần như không có gì để… bàn. Phim hài nhảm “bành trướng” thị trường. Phim được quảng cáo là “bom tấn” cuối cùng khi ra rạp lại “hiện nguyên hình” là… “bom xịt”.

{keywords}

Bộ phim "Bụi đời chợ Lớn" bị cấm phát hành

Ầm ĩ nhất năm 2013 với phim Việt có lẽ là việc bộ phim “Bụi đời chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn bị cấm phát hành, và bị cấm lưu hành dưới mọi hình thức. Bộ phim nhận được quyết định “đanh thép” từ Hội đồng duyệt phim Quốc gia và Cục Điện ảnh trong bối cảnh đã đầu tư gần 20 tỷ đồng cho việc sản xuất. Phim bị cấm phát hành với lý do, phim quá nhiều cảnh bạo lực, đẫm máu, “tất cả các nhân vật chỉ chém giết nhau từ đầu tới cuối, biến chợ Lớn thành nơi vô chính phủ với sự hoành hành của các băng đảng xã hội đen” và “phim thiếu những yếu tố nhân văn cần thiết”.

Sau những màn “đấu khẩu” quyết liệt giữa Cục Điện ảnh và nhà sản xuất, ngày 7/6/2013, thông tin từ Cục Điện ảnh, bộ phim “Bụi đời chợ Lớn” bị cấm phát hành vĩnh viễn và cấm lưu hành dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, ngày 5/7/2013, bản sửa của “Bụi đời chợ Lớn” đã được đăng tải tràn lan trên mạng. Kéo theo đó, băng đĩa lậu “Bụi đời chợ Lớn” cũng xuất hiện với tốc độ chóng mặt trên thị trường sau đó không lâu.

Sau khi “Bụi đời chợ Lớn” xuất hiện tràn lan, ngoài sức kiểm soát, phía cơ quan chức năng không lên tiếng gì thêm, phía dư luận cho rằng- “Bụi đời chợ Lớn” không chỉ là “cái chết” về mặt phát hành, còn là “cái chết” từ sự quản lý lỏng lẻo thị trường băng đĩa lậu ở Việt Nam.

Năm 2013 cũng đánh dấu sự xuống dốc của chất lượng phim Việt. Gần như không có bộ phim nào đáng để tranh luận, để bàn cãi trong năm 2013.

Bộ phim hành động giả tưởng “Lửa Phật” do nam diễn viên Dustin Nguyễn viết kịch bản, làm đạo diễn, và thể hiện vai chính đã được quảng bá suốt nửa năm ròng và được hứa hẹn như một bom tấn sáng giá của phim Việt giữa rừng phim ngoại bủa vây các rạp chiếu. Thế nhưng, ngay khi ra mắt, “Lửa Phật” từ “bom tấn” đã trở thành… “bom xịt”. Bộ phim không thuyết phục được khán giả với một câu chuyện giả tưởng về Việt Nam nhưng lại đậm chất Mỹ. Phim bị dư luận chê về sự thiếu logic trong kịch bản, sự vô lý trong diễn biến tâm lý nhân vật, và đặc biệt là sự thất bại về mặt hình ảnh của nhân vật anh hùng mà Dustin Nguyễn đã dựng lên. “Lửa Phật” bị ví như một bước lùi về mặt thương hiệu của một tên tuổi tầm cỡ như Dustin Nguyễn.

{keywords} 

Cảnh trong phim "Lửa Phật"

Thị trường phim Việt 2013 giữa sự bủa vây của phim ngoại nhập còn thể hiện sự lép vế “toàn tập” với những bộ phim hài nhảm, phim thảm họa, ngay khi ra rạp đã bị chê tơi tả như: Đại náo học đường, Mùa hè lạnh, Hit- Hoàng tử và lọ lem, Tiền chùa… Những bộ phim bị chê về kịch bản phi logic, những nhân vật nhảm nhí, những câu chuyện không thể tẻ nhạt hơn.

Điểm sáng duy nhất của năm được thể hiện ở giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim lần thứ 18. Bộ phim nhận giải là một phim chiến tranh của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, “Những người viết huyền thoại”. Tuy nhiên, phim mới chỉ nhận giải Vàng ở Liên hoan phim chứ chưa tìm được đường ra rạp. Những bộ phim làm công phu với nhiều nỗ lực, cố gắng về mặt nghệ thuật như “Những người viết huyền thoại” lâu nay vẫn bế tắc khi tìm đường ra rạp.

Mặc dù, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định, nếu “Những người viết huyền thoại” ra rạp, anh tin doanh thu của phim sẽ tốt. Anh tin khán giả trẻ bây giờ biết yêu, biết thích những câu chuyện lịch sử hào hùng của cha ông. Bùi Tuấn Dũng nuôi hy vọng, không phải số đông khán giả đều thích những câu chuyện hời hợt, gây cười, giải trí, sẽ vẫn có những khán giả đi tìm giá trị đích thực đằng sau một tác phẩm nghệ thuật.

Đó là hy vọng, và có lẽ cũng là ước nguyện của Bùi Tuấn Dũng. Của những đạo diễn muốn làm những bộ phim “tử tế” và mong có doanh thu. Điều ấy, ở thị trường Việt Nam hiện tại, không phải là dễ dàng.

Mùa phim Tết cuối năm đang rục rịch, và những cái tên đang “nóng” lên trên truyền thông, quảng bá vẫn là những bộ phim hài, phim kinh dị như Quả tim máu, Tèo em, Cô dâu đại chiến 2…

Để chờ đợi một diện mạo mới, đầy tính đột phá của phim Việt, hẳn sẽ phải cần thêm nhiều thời gian nữa.

Theo Dân Trí