Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho rằng trào lưu này gây ra những ảnh hưởng xấu cho xã hội.

Chỉ 2 tuần sau khi clip "Anh không đòi quà" của rapper Karik, nhạc sĩ Only C và Amanda Baby được phát hành trên Youtube trong đó có cảnh chính là một cô gái đi giữa đường phố và “tự nhiên” cởi bỏ quần áo, trên mạng đã xuất hiện làn sóng bạn trẻ các vùng miền đua nhau chế lại clip ca nhạc Anh không đòi quà.

Hiện tượng này đang tạo nên một xu hướng không chuẩn mực khi trong các clip này nhiều bạn gái, cả bạn trai (mà gần đây còn có cả một bé gái) cũng ngang nhiên trút bỏ quần áo giữa đường phố để thực hiện ghi hình. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL.

{keywords}

Hình ảnh từ clip chế của các bạn trẻ (nguồn: Internet)

 

Ông bình luận thế nào về hiện tượng giới trẻ các vùng miền cả nước làm clip chế thiếu thẩm mĩ?

Ông Nguyễn Đăng Chương: - Hiện tượng đưa clip kiểu này lên trên mạng là hết sức phản cảm, đi ngược lại định hướng phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng và đi ngược lại với đạo đức, truyền thống văn hóa của con người Việt Nam. Đây là hiện tượng cần lên án và ngăn chặn.

Trong quá trình hội nhập, bên cạnh quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại thì chúng ta bị ảnh hưởng rất lớn về lối sống không phù hợp với bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, không phù hợp với thuần phong mĩ tục.

Rõ ràng ở góc độ quản lý nhà nước thì Bộ Thông tin - Truyền thông là đơn vị chịu trách nhiệm để ngăn chặn những hiện tượng này ở trên màn ảnh. Bên cạnh đó không thể đổ riêng cho Bộ Thông tin - Truyền thông vì giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, nhà trường, gia đình và xã hội.

Để ngăn chặn những việc này thì nhà trường, gia đình và xã hội cũng phải kết hợp để mà giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ làm sao khi chúng ta sử dụng công nghệ thì ta đưa những vấn đề để tác động sâu sắc đến đời sống tinh thần của xã hội, nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức cảm thụ về những cái đẹp trong đời sống từ con người, hành vi diễn ra trong gia đình xã hội cũng như cách ứng xử đối với mỗi bản thân với cộng đồng.

Tôi nghĩ rằng trong thời điểm này phải ngăn chặn sớm và dứt điểm những vấn đề này. Bởi vì khi một hiện tượng xấu đã trở thành trào lưu thì nó sẽ trở thành một sự nhức nhối cho toàn thể xã hội, đặc biệt là giới trẻ và hơn nữa là các bậc làm cha làm mẹ.

Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong thời gian vừa qua, dư luận cũng đã biết hiện tượng "bà Tưng". Nếu cơ quan nhà nước không ngăn chặn kịp thời thì sẽ trở thành trào lưu cho giới trẻ.

Trước khi cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn thì ở Hà Nội và TP HCM đã manh nha xuất hiện trong tư duy và trong cách ứng xử của một số giới trẻ như "bà Tưng".

Khi đã ngăn chặn kịp thời, chắc chắn chúng ta sẽ làm được những điều tốt đẹp để tất cả những trang mạng xã hội hay nói các hoạt động khác của giới trẻ khi tham gia vào trong lĩnh vực văn hóa hoặc là các lĩnh vực khác đều phải có những ý thức của một người công dân đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Nghị định 73/2010/NĐ-CP qui định là không chỉ có nghệ sĩ ăn mặc phản cảm và những người có những hành vi ăn mặc phản cảm ở những nơi công cộng như thế cũng bị xử lý. Nghị định này sẽ xử phạt như thế nào trong trường hợp này?

- Trong Nghị định 79 không qui định những hành vi đã diễn ra trên trang mạng xã hội. Chính vì vậy Bộ VH-TT&DL cũng không có chế tài nào để mà xử lý việc này. Như tôi đã nói vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông quản lý các trang mạng. Bên đó tôi biết có những văn bản qui phạm pháp luật để mà giải quyết vấn đề này.

Đương nhiên, đối với nghệ sĩ thì không những là anh có những hành vi phản cảm, anh có những ngôn ngữ hoặc có những hành động mà trái với thuần phong mĩ tục khi biểu diễn trên sân khấu nhưng mà ở ngoài đời khi anh có những hành vi ứng xử không đúng thì chúng tôi vẫn căn cứ những văn bản qui phạm pháp luật để mà nhắc nhở răn đe, thậm chí là xử phạt.

Điển hình vừa rồi là một ca sĩ nổi tiếng và được nhiều khán giả yêu mến, đặc biệt là khán giả trẻ là Đàm Vĩnh Hưng đã có hiện tượng phản cảm và nó tác động đến nỗi đau của xã hội trong một lễ hội hóa trang nho nhỏ, mặc áo của bác sĩ thẩm mĩ viện Cát Tường thì Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã triệu tập ra nhắc nhở .

Bản thân nghệ sĩ cũng đã biết lỗi và đã xin lỗi công chúng qua dư luận báo chí và cũng nhận thấy đây là hành vi không đúng và phải tự điều chỉnh và cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đôi khi là dư luận xã hội cứ hiểu rằng là chỉ xử lý khi nghệ sĩ biểu diễn thì điều đó chưa đúng.

Trước khi nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn thì đã có cả một quá trình rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và nhận thức về trách nhiệm của người nghệ sĩ trước công chúng thì chúng tôi cũng phải quyết liệt trong vấn đề này để ngăn chặn kịp thời.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ xử phạt vi phạm quy định về nếp sống văn minh, chỉ bị xử phạt khi: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng khi Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Việc xử phạt sẽ do chính quyền địa phương nơi xảy ra hành vi vi phạm lập biên bản xử phạt.

(Theo VOV)