Được thành lập vào năm 1978, có thể nói Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật đã trở thành một mắt xích hoàn chỉnh chuỗi của thiết chế về đào tạo nghệ thuật ở Việt Nam.
Cùng với đó, việc thiết kế các môn chuyên ngành phục vụ cho việc nghiên cứu mỹ thuật cũng bắt đầu được đưa vào giảng dạy bên cạnh môn học về lịch sử mỹ thuật thế giới đã được giảng dạy từ thời Pháp. Các bộ môn như lịch sử mỹ thuật Việt Nam, mỹ học, nghệ thuật học... dường như đã tạo cho khoa lý luận một con đường khác hẳn với các khoa nghiên cứu về lịch sử như Khảo cổ học mỹ thuật ở các Trường Tổng Hợp hay KHXH.
Chương trình đào tạo này được Pgs Nguyễn Trân tham khảo từ các phân môn của Khoa sử mỹ thuật của trường Đại học Matxcơva nơi ông tốt nghiệp. Bên cạnh đó các thành quả nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam của người Pháp rồi họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, các nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Chu Quang Trứ, Trần Lâm Biền tốt nghiệp khoa văn/ sử trường Đại học Sư Phạm hoặc Tổng Hợp rẽ sang nghiên cứu mỹ thuật thời kỳ thành lập Bảo Tàng Mỹ thuật vào thập niên 60, được đưa vào giảng dạy.
Các giảng viên đầu tiên được mời về giảng dạy ở khoa cũng là những người học mỹ thuật hoặc sử ở nước ngoài vững về lý luận được mời về như Thái Hanh (học ở Trung Quốc), Thái Bá Vân (học ở Tiệp Khắc), Nguyễn Quân (học ở Đức), Triệu Thúc Đan, Lê Quốc Bảo (học ở Liên Xô) ... Những bộ sách như Mỹ thuật thời Lý, Mỹ thuật thời Trần, Mỹ thuật thời Lê Sơ, Mỹ thuật thời Mạc được xuất bản khoảng đầu thập niên 1970 đã trở thành những bộ giáo trình đầu tiên. Nguyễn Phi Hoanh viết cuốn Lịch sử mỹ thuật thế giới được xuất bản lần đầu cũng khoảng thời gian này trở thành sách tham khảo tốt cho các sinh viên khoa Lý luận.
Thời điểm sau hòa bình lập lại lúc đó, với nhiệm vụ quan trọng nâng cao nhận thức cũng như công tác phê bình mỹ thuật thúc đẩy sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam XHCN, việc thành lập khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật lúc bấy giờ đã đánh một dấu mốc quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ các nhà lý luận mới. Những người mà trong thập niên 80, thời đổi mới và cả những giai đoạn sau này đã đồng hành cùng các họa sĩ trên các chặng đường mỹ thuật. Họ cũng là những người tiếp tục kế thừa và phát huy các thành tựu nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam trên mọi lĩnh vực như: mỹ thuật cổ, mỹ thuật hiện đại – đương đại và mỹ thuật ứng dụng.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, có những giai đoạn khoa ngừng tuyển sinh bởi lý do thời cuộc, cho đến nay Khoa lý luận và lịch sử mỹ thuật đã có được 14 khóa. Chương trình đào tạo của khoa cũng liên tục được thay đổi để đáp ứng sự nhu cầu và sự phát triển của công tác lý luận phê bình mỹ thuật. Khoảng thập kỷ 90, bên cạnh các môn học lý thuyết chuyên ngành, sinh viên được học thêm các môn hội họa, đồ họa, điêu khắc và được thực hành trên mọi chất liệu như lụa, khắc gỗ, sơn dầu, sơn mài... nhằm bổ sung những kiến thức thực tế về nghề.
Sang đầu thế kỷ 21, việc đi thực tập nghiên cứu ở các di tích mỹ thuật cổ được tăng cường. Sau các chuyến đi này, sinh viên đã học được những kỹ năng nghiên cứu điền dã và có được các công trình nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao. Các bộ môn mới được đưa vào giảng dạy như Curator, Video art, nhiếp ảnh đã giúp cho sinh viên của khoa phát triển những năng lực quan trọng trong việc nghiên cứu thâm nhập thực tế nghệ thuật đương đại ở Việt Nam.
Trong quá trình học, đã có nhiều cuộc triển lãm được chính các sinh viên của Khoa kết hợp với các giảng viên trẻ thiết lập tổ chức về các vấn đề mỹ thuật từ cổ đến đương đại. Điển hình như cuộc triển lãm “Di sản mỹ thuật Thanh Hóa – Nam định” được tổ chức năm 2009; và hai triển lãm “Sinh viên làm nghệ thuật” tháng 1/2012, “Thick thì nhick” tháng 7/2012... Các cuộc triển lãm này đã tạo động lực cho việc học tập nghiên cứu cũng như thực hành nghệ thuật trong các thế hệ sinh viên ở Khoa.
Hơn 3 thập niên, hàng trăm người tốt nghiệp, rồi học tiếp lên Cao học chuyên ngành này được mở từ năm 2009 cũng tại trường Đại học mỹ thuật Việt Nam. Họ công tác trên đủ mọi lĩnh vực từ giảng dạy cho đến truyền thông, nghiên cứu, xuất bản với những tên tuổi như Phan Cẩm Thượng, Phan Thanh Bình, Trương Công Nguyên, Phạm Trung, Nguyễn Hải Phong, Lê Hoài Linh, các thế hệ trẻ hơn có Nguyễn Đức Bình, Hoàng Anh, Trang Thanh Hiền, Đặng Phong Lan, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Thanh Mai...
Nhiều thế hệ sinh viên sau này của khoa là do cha mẹ từng học, truyền lại niềm đam mê mỹ thuật cho con cái, mà họ tiếp tục nối gót. Không ít các sinh viên trong khi đang học và sau khi ra trường không chỉ làm lý luận mà họ còn tham gia các hoạt động nghệ thuật đương đại như: Vũ Đức Toàn, Đỗ Tường Linh, Võ Thị Ngọc Huế, Phùng Tiến Sơn, Vi Tường Vi, Trần Hoàng Ngân, Nguyễn Hồng Ngọc...
Họ là những thế hệ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam. Những người đã góp phần đọc ra những thông điệp từ ngôn ngữ mỹ thuật của quá khứ gửi đến tương lai. Họ cũng là những người bắc nên những cây cầu tri thức giữa nghệ thuật, nghệ sĩ và công chúng. Nhiều cuốn sách được xuất bản, nhiều hội thảo được tổ chức, ở nhiều triển lãm quốc gia, quốc tế, thế hệ những người làm công tác lý luận phê bình này đã đóng một vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả mỹ thuật đối với xã hội.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mỹ thuật đương đại trên thế giới cũng như ở Việt Nam, khi nghệ thuật không ngừng xóa đi các giới hạn giữa các bộ môn nghệ thuật, hơn bao giờ hết vai trò của lý luận phê bình mỹ thuật là vô cùng cần thiết để tạo ra các tri thức xã hội. Việc đào tạo các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật tương lai sẽ góp phần đưa mỹ thuật tiệm cận hơn với công chúng, tiến tới việc xã hội hóa nghệ thuật. Một mục tiêu lâu dài cho sự phát triển đời sống thẩm mỹ nói chung trong xã hội đương đại.
HK