- "Tôi muốn hát những tác phẩm có hồn, có âm nhạc và hiểu được lời ca, ý nghĩa. Tôi đã chán cách hát của các ca sĩ hiện nay: những cách hát nhiều thủ thuật, hát mà người hát không hiểu nội dung tác phẩm muốn nói gì", NSƯT Cao Minh chia sẻ.
"Chúng tôi cũng có cơ hội tập lại, để ca sĩ trẻ biết được rằng hát phải có nội dung chứ không phải chỉ xướng lên theo nhạc".
Tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Nhạc viện Tp HCM năm
1988, NSƯT Cao Minh đã có một quãng thời gian rất dài hoạt động âm nhạc.
Anh tạo ra ấn tượng về một người nghệ sĩ nghiêm túc và kín đáo. Ngược
lại, có người nói anh có thể tạo ra những con sóng trong các buổi biểu
diễn, đem đến sự bất ngờ và nồng nhiệt. Tham gia vở nhạc kịch Việt hóa
"Thằng gù nhà thờ Đức Bà" (13 & 14/01) với vai diễn cha xứ Frollo si
tình nàng vũ nữ xinh đẹp Esméralda, anh cũng tâm sự với báo chí những
trăn trở quanh nghề hát.
Tại sao anh lại nhận lời tham gia một vở nhạc kịch trong khi tập luyện vừa khó khăn mà khi diễn lại ít tiền?
- Việc tham gia vở nhạc kịch này là một cơ hội để
tôi chỉ đốn lại bản thân. Tôi đã chán cách hát của các ca sĩ hiện nay:
những cách hát nhiều thủ thuật, chỉ nghe nhạc mà đẩy tới, không cần biết
nội dung, hát mà người hát không hiểu nội dung tác phẩm muốn nói gì.
Đúng là ca sĩ hiện tại hát nhiều thủ thuật quá,
nhiều khi không đào sâu vào nội dung tác phẩm, khiến khán giả dễ nhàm
chán, không để lại ấn tượng...
- Hiện nay
những màn biểu diễn trên sân khấu thường sắp đặt theo kiểu một ca sĩ ra
hát bài mùa xuân, lúc sau thì đến ca sĩ khác hát mùa hè, rồi một người
hát về tình yêu, rồi lại một người khác hát tan vỡ, có người hát lại bi
thảm... Mọi thứ chẳng ra đâu vào đâu. Mà hiện nay, đa số người dân thành
phố Hồ Chí Minh và hình như cả nước đang xem thứ nghệ thuật như thế. Chỉ có
một số ít người đi vào Nhà hát thôi.
Anh muốn chỉnh đốn lại bản thân như thế nào?
-
Tôi là một ca sĩ. Tôi tham gia một vở diễn với nguyện vọng của mình là
được hát những tác phẩm có nội dung, câu chuyện. Tôi muốn hát những tác
phẩm có hồn, có âm nhạc và hiểu được lời ca, ý nghĩa.
Những bài hát cho nhân vật cha xứ Frollo của tôi
cũng chỉ là những bài hát bình thường, nhưng âm nhạc và lời ca tôi thấy
là phù hợp. Nhạc kịch "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" lần này chúng tôi dựng
không phải là xuất sắc, hoành tráng, nhưng ít nhất nó là một cái gì đó
có nội dung liền mạch, truyền tải được một câu chuyện hay cho khán giả
đi xem, để quần chúng tập làm quen dần với thể loại nhạc kịch. Chúng ta
ủng hộ nó hay để cho âm nhạc nổ bùng lên một cách không có văn hóa?
Điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay đã tác động đến việc làm nghề như thế nào, thưa anh?
- Nhiều thứ. Trong đó chủ yếu là quy mô, cách thức dựng vở diễn và đãi ngộ diễn viên.
Nghe
nói đến "Nhà thờ Đức Bà Paris" thì ai cũng hết hồn. Tác phẩm văn học
thì kinh điển và phiên bản nhạc kịch của Pháp cũng rất nổi tiếng. Tôi
nghĩ ai mà dựng tác phẩm này tại Việt Nam thì người đó dại. Vì vở đó quá
hay, mà bây giờ mình làm lại làm sao được "khủng khiếp" như tác phẩm
gốc hoặc bản nhạc kịch Pháp? Với tôi "Thằng gù nhà thờ Đức bà Paris" của
nhạc sĩ Huy Tiến là một loạt những ca khúc tiếng Việt mới mẻ, có tính
trữ tình, có nội dung, được ghép lại trong một vở kịch.
Điều đó bắt buộc nhóm nghệ sĩ chúng tôi phải tập với
nhau để có ý thức trong việc biểu diễn mỗi ca khúc. Những ca khúc nối
lại sẽ làm thành nội dung của vở kịch này. Giả sử như những điều ta đang
nói với nhau như thông thường, thì ở đây nói trên âm nhạc, có giai
điệu.
Nếu mà "Thằng gù nhà thờ Đức Bà" được làm với dàn
nhạc lớn chơi cùng thì hiệu quả rất tốt. Nó miêu tả được nội tâm của
nhân vật, tả được không khí của nhà thờ. Do điều kiện khó khăn nên quy
mô dàn nhạc phải giảm xuống. Tuy vậy nhạc cụ vẫn đóng vai trò hết sức
quan trọng, nó giúp thêm màu sắc, giúp người nghe tưởng tượng dễ dàng
hơn.
Tôi tham gia là có mục đích như vậy, chứ thật tình
tôi khổ lắm rồi. Hai năm theo đuổi ròng rã, tôi đi tập dầm mưa dãi nắng
không có một cắc bạc, rồi đến lúc tập lại đưa mỏ ra ngó vì có nhiều nhân
vật quá, mình chỉ được tập có một miếng. Có buổi còn lấy nhà tôi để
tập.
Nhưng tôi nghĩ chúng tôi sẽ làm được một việc có ích
cho xã hội, đó là cho người ta thấy âm nhạc được hát lên như vậy đấy.
Để chúng tôi cũng có cơ hội tập lại, để ca sĩ trẻ biết được rằng hát
phải có nội dung chứ không phải chỉ xướng lên theo nhạc
Xin cảm ơn NSƯT Cao Minh!
Hồ Hương Giang (ghi)