- 7/10 bộ phim được đề cử trong hai danh sách phim chính kịch và phim ca nhạc/hài kịch xuất sắc nhất của Quả cầu vàng năm nay cũng đều thuộc dạng cấm trẻ em.
Chiến thắng vang dội tại giải Quả cầu vàng 2014 chính thức đưa hai phim 12 Years a Slave và American Hustle trở thành cặp đối thủ mạnh nhất tại mùa giải Oscar năm nay. Cả hai phim đều đặt trong bối cảnh lịch sử của nước Mỹ.
Cụ thể, 12 Years a Slave (12 năm nô lệ) là cái nhìn đau đớn về chế độ nô lệ trước thời gian xảy ra cuộc nội chiến Nam - Bắc Mỹ. Phim chuyển thể kịch bản từ cuốn tự truyện nổi tiếng của Solomon Northup, một người da đen tự do kiếm sống bằng nghề chơi vĩ cầm bất ngờ bị bắt cóc, rồi bị bán đi như một nô lệ. Đứng trước tất cả những chà đạp, khinh rẻ, bạo hành và bóc lột sức lao động, ông phải tìm mọi cách để sống sót, để giữ lấy phẩm giá, để giành lấy tự do.
Trong khi đó, American Hustle (Săn tiền kiểu Mỹ) phản ánh một thời đại huyên náo và các giá trị bị đảo lộn thông qua câu chuyện hài hước về hai siêu lừa bị buộc hợp tác với một điệp viên FBI trong một phi vụ làm lộ ra thế giới bê bối tham nhũng và phi đạo đức của cảnh sát và giới chính trị gia. Sự đề cao hai phim có đề tài lịch sử, không hẳn chỉ vì chúng xuất sắc về mặt nghệ thuật, mà có lẽ còn là nhu cầu không ngừng ôn cố tri tân của nước Mỹ hôm nay.
12 Years a Slave được đánh giá rất cao của giới phê bình với 97% các bài nhận xét là khen ngợi, American Hustle cũng không kém cạnh với 93% nhận xét là khen, theo thống kê của trang Rotten Tomatoes. Kể từ khi ra mắt vào ngày 18/10, bộ phim về nô lệ lập tức thay thế vị trí ứng viên Oscar phim xuất sắc nhất của "bom tấn" Gravity - bộ phim trình chiếu trước đó và rất ăn khách.
Dù vậy, thành công thương mại của 12 Years a Slave khá hạn chế. Đến nay phim chỉ mới thu về được 51 triệu USD trên phòng vé toàn cầu, 75% doanh thu đến từ các rạp ở Bắc Mỹ. Đây có thể sẽ là một bất lợi của bộ phim xét trong thế cạnh tranh trực diện với American Hustle.
Được làm với kinh phí 40 triệu USD, American Hustle kể từ ngày công chiếu 13/12 đến nay đã thu về 118 triệu USD trên toàn cầu và sẽ còn tăng rất nhanh khi lần lượt được các giải thưởng gọi tên. Sức cạnh tranh của phim này còn mạnh mẽ hơn khi có dàn diễn viên ngôi sao xuất sắc, dễ dàng lọt vào các đề cử diễn xuất, từ Christian Bale, Amy Adams cho đến Bradley Cooper, Jennifer Lawrence.
Cả hai bộ phim trên đều bị xếp hạng cấm trẻ em do có nhiều cảnh bạo lực, tình dục, ngôn ngữ thô tục...Chưa hết, 7/10 bộ phim được đề cử trong hai danh sách phim chính kịch và phim ca nhạc/hài kịch xuất sắc nhất của Quả cầu vàng năm nay cũng đều thuộc dạng cấm trẻ em.
Cảnh trong Her (Nàng), một phim xếp hạng R được đề cử Quả cầu vàng. |
Điều này có lẽ phản ánh chính xác xu hướng không ngần ngại gây thách thức dư luận về các nội dung cấm kỵ của màn ảnh trong năm qua. Mà nổi bật là việc Cành cọ vàng 2013 đã trao giải cao nhất cho bộ phim về đồng tính nữ Blue is the Warmest Color, trong đó có cảnh sex kéo dài gần 5 phút giữa hai nữ diễn viên chính. Phim này cũng xuất hiện tại giải Quả cầu vàng với đề cử dành cho phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Xu hướng này dự báo sẽ không dừng lại trong năm mới 2014 khi sắp tới tại LHP Berlin, khán giả sẽ được chiêu đãi bộ phim mới dài hơn 4 tiếng Nymphomaniac (Cuồng dâm) của đạo diễn đầy gây hấn Lars von Trier. Khi ra rạp phim sẽ được cắt thành hai phần, và dường như đạo diễn đã nhượng bộ cắt đi những cảnh tình dục trần trụi nhất, vốn sẽ được chiếu đầy đủ nhất tại các liên hoan phim.
Khải Trí