- Những bức tranh từng một thời chia sẻ và động viên con người kiên gan bền chí trong khói lửa chiến tranh, nay trở thành món quà gói ký ức trong một chiếc hộp giấy hình trụ được người ta chia sẻ.

Phố cổ Hà Nội một chiều đông, dòng người xe huyên náo nêm chặt những con đường nhỏ với nhiều cửa hàng bày bán hàng hiệu và đồ xa xỉ. Cuộc sống đang tiến về phía trước với nhiều niềm hi vọng, còn quá khứ lắng đọng lại trong những góc nhỏ dành cho những người hoài niệm hoặc những ai muốn khơi mở trong mình những gì thuộc về lịch sử. Phòng tranh Thăng Long, nơi trưng bày hàng trăm bức tranh cổ động, phần lớn thuộc về thời chiến, là một góc nhỏ như vậy nơi phố cổ.

{keywords}
Khách Tây tìm hiểu một cửa hàng tranh cổ động tại phố cổ.

Giá bán một bức tranh cổ động được in lại trên giấy dó không quá đắt, nhưng giá của một bức tranh bản gốc, có chữ ký được xác thực của tác giả, thường ở mức 200 - 400 USD, luôn được các nhà sưu tập nước ngoài săn lùng. Cầm bức "Nixon phải trả nợ máu" trên tay, bà Laura Ashley, một du khách người Anh nói bà thích những bức tranh cổ động vì nó là một phần lịch sử, giúp bà hiểu hơn quá khứ của mỗi thành phố mà bà đi qua. "Nó cũng là món quà thú vị để tôi gửi tặng ai đó ở xa, vì mỗi bức tranh đều chứa trong nó một câu chuyện kể rất thật", bà nói thêm.

{keywords}
Một bức tranh cổ động được in lại và bán làm quà ở phố cổ Hà Nội.

Hiện không còn nhiều bản gốc của những bức tranh cổ động từng được vẽ dưới hầm tránh bom, hoặc nếu có, chúng thường nằm trong các bảo tàng hoặc các bộ sưu tập của tư nhân. Nhưng nếu không quá cầu kỳ tìm hiểu về khía cạnh nghệ thuật hội họa, người ta vẫn có thể vừa lòng với những bản in lại trên tờ giấy dó sần sùi và úa màu thời gian, được giới thiệu tại một số phòng tranh ở phố cổ.

Bởi điều quan trọng hơn cả có lẽ là nội dung thông tin mà chúng truyền tải có sức mạnh làm sống lại không khí của cả một thời đại hào hùng. Tất cả những vinh quang hiển hách, lẫn nhiệm vụ cấp bách của đất nước trong từng thời điểm cụ thể, sẽ hiện ra dưới bàn tay đang lật giở từng tờ tranh in của người xem.

{keywords}
Một bức tranh cổ động gắn liền với nhiệm vụ cụ thể của đất nước thời chiến.

Được khai sinh từ những ngày đầu đất nước độc lập, đi qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, tranh cổ động đến nay vẫn được nhìn nhận là một nghệ thuật gắn bó trực tiếp và gần gũi với thời cuộc, với nhân dân trong từng nhiệm vụ chính trị cụ thể. Không chỉ vậy, vì đã qua một độ lùi lịch sử nhất định, người ta còn lại thấy chúng như những tài liệu sống động, ghi chép lại bằng hình ảnh những khoảnh khắc đất nước cùng chung một tình cảm và ý chí.

Một trong những khoảnh khắc vĩ đại có sức mạnh truyền cảm hứng như vậy là thời điểm 30/4, khi đất nước liền một dải. Hoặc như người ta cũng có thể đếm nhịp bước chiến thắng qua từng bức tranh cổ động đánh những dấu mốc phát triển, qua từng con số máy bay Mỹ bị bắn hạ ngày một tăng. Một chủ đề lớn khác của tranh cổ động là các nhiệm vụ cụ thể trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước trong và sau chiến tranh, từ việc phát triển đồng cỏ chăn nuôi, diệt trừ sâu bệnh, cho đến gia tăng sản lượng thóc, phát triển vườn quả...

{keywords}

Thế đứng riêng lẻ của từng bức tranh có thể sẽ khó gây ấn tượng bởi chất lượng nghệ thuật là không đồng đều vì những lý do này khác. Nhưng nếu đặt chúng cạnh nhau, đất nước sẽ là một hình ảnh làm run rẩy trái tim. Bởi sự đồng hiện của tất cả những gian khó, đau thương, mất mát trước sức mạnh hủy diệt của chiến tranh, nhưng vượt lên tất cả là ý chí kiên cường, niềm tin vào lý tưởng và tương lai.

{keywords}
Một tranh cổ động của họa sĩ Trường Sinh.

Những ký ức và tình cảm ấy hôm nay được gói lại và lan tỏa bằng những món quà nho nhỏ trong chiếc hộp giấy hình trụ gửi khách thập phương. Câu chuyện không chỉ mang dấu ấn của một niềm tự hào, mà dường như còn gợi chút bùi ngùi trong mắt những người họa sĩ - chiến sĩ cầm cọ xưa khi thoáng thấy nhiều nhạt phai của một dòng tranh từng góp vào lịch sử hào hùng của đất nước trong đời sống hôm nay.

Kỳ tiếp: Tranh cổ động: Một thời hoa lửa

Khải Trí