"Thơ Haiku Nhật Bản" là tập thơ dày 600 trang do nhà
sách Đông Tây liên kết xuất bản với NXB Lao động, vừa phát hành tháng
11/2013. Dịch giả là nhà thơ Thái Bá Tân.
Tập thơ "Thơ Haiku Nhật Bản" (Quý IV/2013)
Ngay
khi tập thơ đến tay một nhà nghiên cứu có tiếng, ông đã lập tức chỉ ra
những "lỗi sai dày đặc" trong tác phẩm này, những lỗi mà ông cho rằng
dịch giả Thái Bá Tân đã không hiểu về ngữ nghĩa, ẩn ý trong tác phẩm;
thậm chí làm thay đổi, lệch lạc, hoặc ngược ý hoàn toàn so với với
nguyên gốc.
Cụ thể như bài thơ về hoa asagao của nhà thơ nữ
Chiyo - trang 470 - được dịch: " Từ rạng sáng, / Tôi cầm chiếc xô như
cầm con tin, / Xin nước".
Cách đây đã lâu Nhật
Chiêu đã dịch bài thơ này như sau: "A hoa triêu nhan / dây gầu vương
hoa bên giếng / đành xin nước nhà bên ."
Bản gốc tiếng Nhật: Asagao ni / Tsurube torarete / Moraimizu.
Bản dịch tiếng Anh: Morning glory! / The well bucket-entangled, / I ask for water.
Nhà
nghiên cứu giải thích: có lẽ nhà thơ/dịch giả Thái Bá Tân đã không biết
về loài hoa triêu nhan (asagao) của Nhật Bản. Tên tiếng Anh của loài
hoa này là "morning glory". Lỗi sai dịch từ "asagao" (hoa triêu nhan)
thành "rạng sáng" của dịch giả Thái Bá Tân cũng giống như dịch "canh gà"
trong "canh gà Thọ Xương" thành "chicken soup".
Hoa triêu nhan (Asagao/ Morning Glory)
Nghĩa
của bài thơ trên được giải như sau: Thiền Ni Chiyo ra giếng lấy nước.
Bà thấy hoa triêu nhan (loài có thân dây leo) đang quấn quanh dây gầu.
Thương hoa, bà không nỡ dùng gầu múc nước mà sang nhà hàng xóm xin nước
để dùng.
Từ việc không hiểu tên hoa, chuyển tên hoa thành bối
cảnh lúc rạng sáng, toàn bộ ý tứ của bài thơ bị hiểu lệch hoàn toàn.
Dịch giả Thái Bá Tân còn thêm cụm từ "con tin" hoàn toàn không có trong
bản gốc. Ngoài ra, thay vì dùng từ "gầu" - một vật dụng truyền thống
dùng để lấy nước từ dưới giếng, thì dịch giả Thái Bá Tân lại dùng từ
"xô" - một từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp (seau) và khác biệt hoàn toàn
về mặt công năng, bối cảnh văn hóa và sinh hoạt.
Một bài thơ khác của nhà thơ Basho được dịch giả Thái Bá Tân dịch như sau: "Cỏ ba lá và trăng/ Ngủ chung nhà/ Cùng gái điếm".
Bài thơ này đã được Nhật Chiêu dịch rằng: "Chung quán bên đường / Các du nữ ngủ / Trăng và đinh hương".
Cách dịch của Thái Bá Tân dễ gây hiểu nhầm về tình
thế của thiền sư Basho. Nghiên cứu bối cảnh chỉ ra rằng, khi đó, Thiền
Sư Basho đang trên đường hành hương, ghé nghỉ nơi quán trọ (chung "quán"
khác với chung "nhà"). Phòng bên có vài cô du nữ (kỹ nữ) cũng đang nghỉ
đêm. Họ thương thân trách phận, ông nghe được nên cảm thương nỗi niềm.
Một
bài thơ khác của nhà thơ Basho được dịch như sau: "Im lặng mênh mông /
Càng im lặng bởi tiếng dế / Tắt dần phía Núi Đá". (Thái Bá Tân)
Thực ra nhà thơ Basho nói về tiếng ve. Bản dịch của
nhà thơ Thái Bá Tân không chỉ sai về tên loài ("ve" bị nhầm thành "dế")
mà còn ngược nghĩa khi dùng chữ "tắt dần". Vốn là âm thanh của tiếng ve
xé không gian, xuyên thấu vào núi đá.
Còn rất nhiều lỗi sai từ hoặc sai ý khác dẫn đến
việc nhiều bài thơ trở nên vô nghĩa trong tuyển tập "Thơ Haiku Nhật
Bản". Có lẽ do dịch giả Thái Bá Tân đã không tra cứu một cách nghiêm cẩn
trong khi dịch, không tham khảo những người dịch trước (có một số dịch
giả đã từng dịch thơ Haiku của Basho, Chiyo, Issa... có tiếng như Nhật
Chiêu, Vĩnh Sính).
Thái Bá Tân tự bạch trong Lời tựa của tuyển dịch "Thơ Haiku Nhật Bản"
"Hơn
30 năm kể từ ngày tôi lần đầu tò mò tìm hiểu thơ cổ Nhật Bản, và đã
dịch một ít, dịch có thêm vần, mà chỉ loại thơ năm câu (tanca) trong tập
Manyoshu đồ sộ. Giờ thì tôi yêu, và kết quả của tình yêu đó là tập Thơ
Haiku Nhật Bản lần này. Đầu tiên phải nhắc đến ba cây đại thụ của thơ
Haiku Nhật. Đó là Matsuo Basho, Yasa Buson và Kobayashi Issa. Mỗi vị tôi
dịch khoảng trên dưới nghìn bài. Riêng Basho tôi có hai bản dịch khác
nhau, từ hai nguồn khác nhau.
Ngoài ba đại thụ nói trên, trong tập này tôi dịch
một lượng khá lớn thơ khất thực và thơ thiền của Taneda Santoka, một
trong những nhà thơ Nhật hiện đại được ưa thích nhất hiện nay, cũng như
một số nhà thơ Haiku tiêu biểu khác."
|