- Hai scandal mới phủ bóng trước thềm lễ trao giải Oscar 2014, vốn đang được chuẩn bị để diễn ra hoành tráng vào tối ngày 2/3 tới đây tại Hollywood, Mỹ.

Bê bối đầu tiên liên quan đến Her (Nàng), bộ phim nhận được 5 đề cử gồm phim xuất sắc nhất, kịch bản gốc, chỉ đạo nghệ thuật, nhạc nền và ca khúc trong phim. Người đối diện với cáo buộc đạo kịch bản liên quan tới bộ phim này là Spike Jonze, đạo diễn bộ phim kiêm tác giả kịch bản và sản xuất.

{keywords}
Joaquin Phoenix trong phim Her.

Hai nhà biên kịch Sachin Gadh và Jonathan Sender vừa lên tiếng cho rằng ý tưởng của Her được sao chép từ một kịch bản được họ viết cách nay nhiều năm. Cả hai đều cho rằng phim rất giống với đường dây câu chuyện trong kịch bản có tên Belv của họ. Kịch bản này vốn đã được họ kể cho Creative Artists Agency (CAA), một hãng làm đại diện cho Jonze và nhiều cái tên nổi tiếng như Drew Barrymore và Jennifer Aniston. Theo trang tin điện tử TMZ, CAA nói với hai tác giả là họ không chấp nhận các kịch bản "tự gửi tới".

Kịch bản Belv hiện được chào bán trên mạng với tựa The Belv Show, kể chuyện một công ty điện tử tạo ra một chiếc điện thoại biến dạng có thể hỗ trợ cho những người không may mắn trong tình yêu. Tờ TMZ thuật lại lời của Gadh và Sender cho rằng, Her chỉ chuyển cách mô tả nhân vật người đàn ông thất tình (do Joaquin Phoenix thủ diễn) từ yêu điện thoại sang yêu một chiếc máy tính bỏ túi. Đạo diễn Spike Jonze hiện vẫn chưa lên tiếng gì về vụ việc.

Trước đó, Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ, nơi trao giải Oscar đã phải ra quyết định loại ca khúc Alone Not Yet Alone (trong bộ phim cùng tên) ra khỏi danh sách đề cử ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất. Lý do được bà Cheryl Boone Isaacs giải thích là viện đã phát hiện tác giả phần nhạc của ca khúc, ông Bruce Broughton, đã có hành vi lạm dụng chức vụ để gửi email vận động thành viên bỏ phiếu.

Bruce Broughton từng là cựu đại diện của phân nhánh âm nhạc nằm trong hội đồng quản trị của Viện hàn lâm. Trong quá trình tiền hành chọn ra các đề cử, ông Bruce được nói đã gửi email tới các thuộc cấp cũ của mình để gợi ý bình chọn cho ca khúc Alone Not Yet Alone do ông viết nhạc và Dennis Spiegel viết lời.

Kết quả là ca khúc này lọt vào danh sách đề cử được công bố hồi trung tuần tháng 1/2014, dù bộ phim không được mấy ai biết tới kể từ khi ra mắt ngày 27/9 năm ngoái. Giới truyền thông đã bày tỏ không ít ngạc nhiên và phẫn nộ khi thấy nó xuất hiện bên cạnh các ca khúc được đề cử và được tán dương rộng rãi.

Quyết định của Viện được bà Isaacs giải thích thêm: "Chuyện này không liên quan tới bộ phim. Chỉ là về quá trình bầu chọn ở một hạng mục giải thưởng. Tất cả chỉ có thế. Chúng tôi phải cứng rắn để giữ nghiêm minh cho quá trình bầu chọn".

Như vậy, hạng mục ca khúc nhạc phim xuất sắc nhất chỉ còn lại bốn cái tên: Happy (phim Kẻ trộm mặt trăng 2), Let It Go (phim Nữ hoàng băng giá), The Moon Song (phim Nàng) và Ordinary Love (phim Mandela: Đường dài tới tự do).

{keywords}
Phim The Hurt Locker.

Còn nhớ ở mùa giải năm 2009, Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ từng hạ lệnh cấm nhà sản xuất của phim The Hurt Locker tới dự lễ trao giải. Lý do là trước đó ông này đã gửi email đến một số thành viên của viện nhằm thuyết phục và nài nỉ họ bình chọn cho phim thay vì "một phim đáng giá 500 triệu USD" (ám chỉ đối thủ Avatar). 

Viện cho hành động này là tiêu cực và xúc phạm đến một bộ phim tham gia tranh giải. Tuy nhiên, The Hurt Locker vẫn là cái tên bước lên bục vinh quang cao nhất tại mùa giải năm đó.

Khải Trí (theo TMZ, Huffington Post, HR).