- "Đây là bộ tranh chính xác nhất về phẩm phục được phát hiện cho đến nay." - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho biết.

Tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945) là công trình mới nhất của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, hiện đang gây chú ý mạnh mẽ trong giới chuyên môn và nghệ thuật nước nhà. Đó là một công trình khảo cứu chi tiết và tổng quát về phẩm phục từ hoàng thất đến quan lại và sắc lính trong thời Nguyễn.

{keywords}

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và Tập sách Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945). Ảnh: Lam Điền.

Cuốn sách dày 272 trang, khổ 27x27cm, do công ty Cửu Đức liên kết với NXB Hồng Đức phát hành. Bố cục được chia làm bốn phần: phần đầu là hệ thống sử liệu mô tả lại phục trang do nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (*) thực hiện. Phần thứ hai là ảnh chụp lại toàn bộ 54 bức trong bộ tranh từng gây xôn xao giới cổ học trong nước năm 2011 của tác giả Nguyễn Văn Nhân (**). Phần thứ ba là phụ lục bằng tiếng Pháp, có hình vẽ minh họa, mô tả lại thiết kế trang phục dành cho quan văn và quan võ. Phần thứ tư gồm các ảnh chụp sưu tập về hoàng đế, hoàng hậu và triều thần nhà Nguyễn.

{keywords}

Hoàng đế Đại Nam với lễ phục tế Nam Giao

Độc giả của cuốn sách đặc biệt chú ý đến 54 bức tranh minh họa phục trang thời Nguyễn mà họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đã thực hiện. Được biết đây là hình ảnh có hệ thống và chi tiết nhất mà các nhà cổ học từng biết về phục trang triều Nguyễn.

"Đây là bộ tranh chính xác nhất về phẩm phục được phát hiện cho đến nay" - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói về 54 bức tranh của tác giả Nguyễn Văn Nhân mà ông may mắn có được ảnh chụp về từ Mỹ.

{keywords}

Phẩm phục Hoàng hậu (chính giữa), Thứ phi (phải), Tam phi (trái).

"Trước đây chúng ta cũng sưu tầm được từng tấm ảnh của các học giả đầu thế kỉ 20, tuy nhiên không có bộ nào hoàn thiện như bộ tranh này. Bộ tranh đã bổ sung thêm cho tài liệu viết mô tả về trang phục. Nếu không có bộ tranh sẽ khó để hình dung đầy đủ chi tiết về trang phục, hình họa hay màu sắc.

Mong muốn tái hiện lại hình ảnh nghi lễ triều đình hoặc các lễ hội văn hóa tâm linh - đặc biệt là của triều đình Huế - mà không có bộ tranh này có thể nói là bó tay, không có cách nào biết cho chính xác. Đây cũng là tài liệu quan trọng để những người làm việc trong ngành sân khấu và điện ảnh tham chiếu khu phục dựng lại bối cảnh có liên quan".

Tài liệu nghiên cứu cho biết, năm 1902, khi vẽ những bức tranh trên, Nguyễn Văn Nhân “biên tu Viện hàn lâm hưu trí” tại Huế. Làm việc với Pháp từ sớm, ông đã tiếp thu nhiều kỹ thuật hội họa phương Tây so với trước đây. Bộ tranh có thể xem như là dấu ấn của hội họa truyền thần Việt Nam trong thời kì đầu tiếp thu văn hóa phương Tây, là một bộ tư liệu quý hiếm cả về lịch sử, văn hóa và mỹ thuật.

Cùng với "Ngàn năm áo mũ" (Nhã Nam và NXB Thế Giới phát hành năm 2013) - một cuốn sách khảo cứu quan trọng của tác giả Trần Quang Đức về trang phục của người Việt Nam (cung đình và dân gian) trong giai đoạn từ 1009 - 1945, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn -, những người quan tâm đến việc tồn cổ giờ đây lại có thêm "Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn" - một ấn phẩm chi tiết về phục trang trong hơn 100 năm lịch sử đầy biến động.

{keywords}

Võ Hiển (trái) và Đông Các (phải) - (các chức quan Chánh nhất phẩm)

Thượng Thư (trái) (Chánh nhị phẩm) - Tham Tri (phải) (Tòng nhị phẩm)

{keywords}

{keywords}

Triều phục của hoàng đế Bảo Đại

 Có mặt tại cuộc gặp gỡ với tác giả Trần Đình Sơn sáng 01/03 tại TpHCM, đạo diễn Lê Quý Dương - người thực hiện festival Huế từ năm 2004 chia sẻ, tập sách "Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn" như là cứu cánh đôi với ông. Trong 10 năm làm đạo diễn cho 5 kì festival Huế, ông luôn vấp phải một câu hỏi lớn, đó là trang phục trong festival rất không chuẩn, thường làm như phục trang tuồng, chèo hoặc Trung Quốc. Đạo diễn Lê Quý Dương mong mỏi nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn sẽ giúp sức về phục trang khi chuẩn bị cho festival năm 2016

NSƯT Thành Lộc cũng chia sẻ sự khó khăn khi làm phục trang sân khấu. Ông nói rằng cuốn sách đã làm thay đổi suy nghĩ hạn hẹp của bản thân ông khi hình dung về trang phục hoàng thất. "Nghệ sĩ đôi khi cũng lười lắm, không tìm được thì mượn Tàu đem vô, mà ngay cả Tàu bây giờ cũng lai luôn" - nghệ sĩ Thành Lộc than thở - "Dù sao thì nghệ thuật sân khấu cũng được phép ước lệ, nên đôi khi ước lệ là một biện pháp an toàn cho chúng tôi, để mình không bị bắt lỗi".

Hồ Hương Giang

(*) Hậu duệ của thượng thư Trần Đình Túc (TK 19) nhà cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các triều hậu Lê, Trịnh- Nguyễn.

(**) Bộ tranh có tên Lễ phục của triều đình An Nam (Grande tenue de la Cour d'Annam) được Eric Chaim Klein Bookseller rao bán hồi tháng 5/2011 tại Mỹ với giá 35.000 USD, gồm 54 bức được vẽ bằng màu nước rất sống động. Tất cả đều trong tình trạng hoàn hảo. Mỗi bức đều có chú thích bằng chữ Hán và chữ Pháp về chức tước, phẩm hàm của những nhân vật được vẽ. (Chi tiết tại bài viết "Bộ tranh quý về triều Nguyễn chào bán tại Mỹ" - báo Tuổi trẻ cuối tuần)