- Theo ông Sơn, việc đập bỏ bình phong trước lăng Ngô Quyền là hết sức bình thường, không trái luật và còn mang đậm yếu tố…nhân văn.

Hai ngày sau khi đập bỏ bình phong trước lăng Ngô Quyền (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây đã họp với Cục Di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL Hà Nội để giải trình về việc tu bổ lăng Ngô Quyền.

{keywords}

Hội nghị giải trình về việc tu bổ lăng Ngô Quyền diễn ra sôi nổi, nhiều ý kiến trái chiều

Ông Nguyễn Minh Khang, chuyên viên quản lý di tích, Cục Di sản Văn hóa cho biết, việc đặt dựng bình phong trước lăng Ngô Quyền là cần thiết, phù hợp với truyền thống và khoa học. Tuy nhiên, về nguyên tắc tu bổ, việc đập bỏ các hạng mục trong thiết kế không phải cứ muốn đập bỏ là được, cần phải làm việc theo đúng quy trình.

Bởi lẽ, trong thiết kế, bình phong đặt trước lăng đã được Bộ VH-TT&DL ký quyết định thực thi, một khi muốn phá bỏ hay thay đổi cần có văn bản xin ý kiến các cấp lãnh đạo ngành. “Nếu anh có nhu cầu điều chỉnh thì phải có văn bản đồng ý cho phá thì mới được phá”, ông Khang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ ở Đường Lâm - chủ dự án Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền khẳng định, mọi hoạt động tu bổ, tôn tạo đều làm theo trình tự, đúng pháp luật, tuân thủ nghiêm ngặt luật di sản. “Chúng tôi làm đúng theo phê duyệt, kể cả bình phong. Bình phong tuy chưa đảm bảo về mặt mỹ thuật nhưng chất lượng đúng theo thiết kế”, ông nói.

{keywords}

Hoa văn, họa tiết trên bức bình phong bị đập bỏ vương vãi lung tung trước khoảng đất trống ở lăng

Nói về chuyện phá bỏ bình phong, ông Sơn cho hay, công trình đang trong quá trình thi công và giám sát, chủ đầu tư xét thấy công trình chưa đảm bảo về mặt mỹ thuật nên chưa nghiệm thu. Theo ông Sơn, vì bình phong chưa được nghiệm thu nên chủ đầu tư phá bỏ là không sai phạm luật cũng như không ảnh hưởng đến di tích.

Ông Sơn cũng cho biết, trước khi đưa ra quyết định đập bỏ bình phong, Ban quản lý di tích có lấy ý kiến nhân dân và dòng họ Ngô. Người dân địa phương bày tỏ bức xúc khi con hổ trong tấm bình phong bị dư luận lên án là mãnh thú, “là mèo là chuột” nên việc đập bỏ là cần thiết, là tôn trọng tâm linh và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ngoài ra, nói về hình ảnh con mãnh hổ được tạo hình thiếu thẩm mỹ, ông Sơn đề cập tới sự bất cập của luật Di sản khi mà phần thiết kế chỉ được trả trong hơn 2% dự án, chủ đầu tư không có tiền mời hội đồng khoa học hay những người có chuyên môn để thiết kế nên tạo hình không được đẹp mắt, khiến dư luận “nổi sóng”.

Khổng Chiêm