- Bà Anita Elberse - một trong những GS trẻ nhất tại Harvard đang có mặt tại tòa soạn VietNamNet để tham gia buổi trực tuyến về cách kiếm tiền trong showbiz.

{keywords}

{keywords} 

Phó TBT Phạm Anh Tuấn tặng hoa và cuốn kỷ yếu 15 năm báo VietNamNet cho GS Anita Elberse.

Là một trong những nữ giáo sư trẻ nhất tại Harvard, bà Anita Elberse hiện phụ trách giảng dạy khóa học Chiến lược tiếp thị trong ngành công nghiệp sáng tạo, thuộc chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường kinh doanh Harvard. Khóa học bao trùm chuyện kinh doanh trong các lĩnh vực giải trí, truyền thông và thể thao, hiện được rất nhiều sinh viên theo học trong quá trình lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh ở trường. Bà từng được tôn vinh là một trong 40 giáo sư giảng dạy kinh doanh tốt nhất thế giới hiện nay.

{keywords}
Nữ giáo sư Anita Elberse đến từ trường kinh doanh Harvard.

Theo tạp chí Harvard Magazine, bà Elberse đã bỏ ra 10 năm để phỏng vấn, quan sát các cách thức kinh doanh phim ảnh, truyền hình, xuất bản và thể thao để rút ra những bài học chiến lược có khả năng sinh lợi nhất trong khu vực thương trường khó đoán và nổi tiếng này. Bà thậm chí đã bỏ thời gian để ngồi cùng các ngôi sao trình diễn như Lady Gaga, Jay-Z, LeBron James.

Kết luận của bà ngược với một nghiên cứu trước đó của một đồng nghiệp cho rằng giữa kỷ nguyên internet, để bán được nhiều hơn, bạn không nên chỉ tập trung vào những mặt hàng thời thượng nhất mà nên đa dạng các giá trị khác nhau.

Giáo sư Elberse nhận thấy các phim bom tấn như Star Wars, Avatar, Friends hay Harry Potter... đã đến gần với cái gọi là "tạo quyến rũ cho một số ít sản phẩm bằng những khoản đầu tư lớn bất thường" và "những người kinh doanh thông minh chỉ đánh cược vào một số ít sản phẩm thắng cuộc. Đó là nơi mà lợi nhuận khủng sẽ đến".

Cùng ví dụ ở ngành phim ảnh, nhiều người đến nay vẫn coi Jaws (Hàm cá mập, năm 1975) như bộ phim bom tấn mùa hè đầu tiên nhưng không hãng phim nào theo đuổi chiến lược này bằng cách sản xuất thêm nhiều bom tấn, cho đến khi Warner Bros bắt đầu đánh cược vào những "sự kiện phim ảnh" trong năm. 

Đó là những khoảnh khắc trình chiếu các bom tấn có giá sản xuất từ 150 triệu USD trở lên, kéo người xem đến rạp nhờ quy mô đồ sộ, lấp lánh ngôi sao và kỹ xảo hình ảnh của chúng. Kết quả các nghiên cứu của bà được mô tả một phần trong cuốn sách đầu tay của bà: Blockbusters: Hit-making, Risk-taking, and the Big Business of Entertainment (tạm dịch: Bom tấn: cách tạo hit, cầm chắc rủi ro và làm ăn lớn trong ngành giải trí).

Giáo sư Elberse sẽ có chuyến thăm VN sắp tới đây để thuyết trình tại Lễ công bố bảng xếp hạng FAST 500 (500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất VN năm 2013) do báo VietNamNet phối hợp với công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tổ chức.

Các ngôi sao tài năng có vai trò thế nào trong một sản phẩm "bom tấn" của làng sách, làng âm nhạc hay phim ảnh"? Phải chăng yếu tố then chốt của một "bom tấn" là khoản kinh phí đầu tư hàng triệu USD, vốn là điều bất khả trong hoàn cảnh showbiz Việt hiện nay? Hoặc như, scandal có giúp "quảng bá" cho một sản phẩm hay một cá nhân? 

Nội dung cuộc giao lưu:

Hoa Nguyen, Nữ - 25 Tuổi: Được biết bà là một trong những nữ giáo sư trẻ nhất ở trường kinh doanh Harvard và khóa học của bà được rất đông sinh viên theo học. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp một người phụ nữ thành công trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy?

GS Anita Elberse: Thực tế là tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một phụ nữ trong công việc cả. Tôi chỉ làm công việc mà mình say mê và ưa thích. Trong công việc bao giờ tôi cũng cố gắng tập trung vào một chủ đề nghiên cứu nào đó. Sau đó tôi đào sâu và tìm hiểu thêm các vấn đề khác. Và đó đơn giản là việc tôi thích.

{keywords} 

Trương Minh Văn, Nam - 31 Tuổi: Tôi còn nhớ năm 2008 khi Lady Gaga đến VN hát trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới. Thời điểm đó ở VN không ai để ý đến cô cả. Nhưng hôm nay, cô đã là một ngôi sao nhạc pop nổi tiếng toàn cầu. Theo bà, ngành công nghiệp ghi âm của Mỹ đã tạo ra thành công cho Lady Gaga bằng cách nào?

GS Anita Elberse: Về trường hợp của Lady Gaga thì tôi đã viết trong cuốn sách của tôi. Cô ấy là người nổi lên vị trí đứng đầu một cách nhanh chưa từng có trước đó. Cách làm của họ là để cho cô ấy tiếp cận với mọi tầng lớp khán giả của Mỹ với các sở thích khác nhau. Từ khán giả thích nhạc dance, pop cho đến những khán giả thích nghe nhạc trong các hộp đêm như thế. Tất cả đảm bảo cho cô có một lượng fan rất lớn. Và vũ khí bí mật của Lady Gaga là Troy Carter, người quản lý của cô. Ông là người rất thông minh. Chính Troy đã đến giảng dạy ở lớp học của tôi vài lần.

Có thể nói thêm rằng cách nổi lên của cô này là từ tầng lớp bình dân. Khi đã nổi tiếng, cô liên tục ra album. Và người ta gọi đó là chiến lược blockbuster (bom tấn).

Nguyễn Thị Từ Linh, Nữ - 32 Tuổi: Bà có thể cho biết vì sao phim blockbuster chỉ xuất hiện trong nền điện ảnh Mỹ. Vấn đề là do khả năng đầu tư hay là do văn hóa?

GS Anita Elberse: Theo tôi, Hollywood là nền truyền thông giải trí lớn nhất thế giới. Họ có những khoản tiền đầu tư rất lớn, rất có khả năng chịu đựng được sự rủi ro. Hiện Trung Quốc cũng đang trở thành thị trường truyền thông lớn. Không lâu nữa thôi, chúng ta sẽ chứng kiến các phim bom tấn đến từ Trung Quốc. Tôi hi vọng mình cũng thấy phim bom tấn của Việt Nam xuất hiện nữa.

Trần Quang Ninh, Nam - 48 Tuổi: Theo bà thì một sản phẩm được đẩy lên thành bom tấn để đạt mục đích lợi nhuận, liệu có làm hại đến khía cạnh nghệ thuật của bản thân sản phẩm. Và tính chất bom tấn đó có tác động đến cách hưởng thụ và đánh giá của khán giả và giới phê bình?

{keywords}

GS Anita Elberse: Điều ấy có thể diễn ra. Chúng ta sẽ thấy ít phim nghệ thuật hơn, và nhiều bom tấn hơn với mục đích là thu hút được nhiều khán giả. Ví dụ các bom tấn như Spider Man, chúng ta cũng không nên quá lo lắng, vì bên cạnh đó vẫn có những bộ phim nặng chất nghệ thuật và tốn kém như là Gravity (Cuộc chiến không trọng lực).

Trương Thị Hoàng, Nữ - 56 Tuổi: Thưa bà, tôi cũng là giảng viên của một trường đại học tại Hà Nội. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm khiến khóa học của bà được nhiều sinh viên theo đuổi đến vậy?

GS Anita Elberse: Điều quan trọng nhất là bạn phải thể hiện được rằng bạn quan tâm đến sinh viên và việc học của họ. Nhiều khi các giáo sư, giảng viên cứ cảm thấy quan trọng việc sinh viên phải vui thích với khóa học của họ. Nhưng không phải vậy, sinh viên phải quan tâm đến việc học của họ. Và vì vậy tôi luôn luôn có thời gian cho sinh viên của tôi. Mỗi khi họ cần tôi ngoài lớp học. Tôi đều dành thời gian cho họ. Và tất nhiên một yếu tố thuận lợi là trong bài giảng của tôi có những cái tên rất nổi tiếng như Lady Gaga, James Bond hay Real Madrid Alex Ferguson...khiến cho lớp học thoải mái hơn. Tôi từng mời Alex Ferguson đến lớp học của tôi. Điều đó cũng tạo hứng thú cho sinh viên.

Vuong Tran, Nam - 23 Tuổi: Theo bà, sự gia tăng của những phim bom tấn như Harry Potter hay Iron Man có làm phương hại đến những bộ phim có kinh phí trung bình và thấp? Phim nội địa ở những nước có nền điện ảnh chưa phát triển như VN làm cách nào để tồn tại được bên cạnh sự áp đảo của bom tấn Hollywood?

GS Anita Elberse: Có thể nó sẽ phương hại. Tuy nhiên, chiến lược bom tấn không chỉ được dùng cho các bộ phim bom tấn, mà vẫn có thể được dùng cho các bộ phim có kinh phí trung bình và nhỏ. Những công thức trong chiến lược bom tấn vẫn có ích cho việc tìm ra những tài năng mới, hình thức và ý tưởng mới cho việc làm phim. Ví dụ như Netflix (một hệ thống cung cấp phim trên mạng) là nơi mà bạn trả tiền và họ cung cấp phim cho bạn. Đó là cách mà một phim có thể phát hành rộng rãi.

{keywords} 

Theo tôi các bạn không nên cố gắng trở thành Hollywood làm gì. VN có một thị trường khá nhỏ, các bạn không thể cạnh tranh được với Hollywood. Bởi vậy các bạn nên có cách tiếp cận khác. Ví dụ như các nhà sản xuất phim tại VN nên làm các phim gần gũi với văn hóa Việt, không nên sản xuất những phim như Người nhện.

Hoàng Thị Tú Trinh, Nữ - 39 Tuổi: Thưa bà, theo bà thì cách nào để các nhà phát hành sách đẩy được một tác phẩm như Harry Potter hay tiểu thuyết của Dan Brown lên thành một sự kiện trong ngành xuất bản?

GS Anita Elberse: Trường hợp mà tôi biết rõ là Harry Pottter. Lúc đầu nó chẳng thành công chút nào. Nhưng sau đó nó đã gặp may mắn khi một biên tập viên tình cờ đọc cuốn sách và nói với sếp của bà là đẩy nó lên thành một sự kiện lớn như vậy. Cách họ làm tiếp theo là quan sát phản ứng của độc giả. Khi thấy có tín hiệu tốt, họ lại đẩy nó lên thêm.

Hồ Văn Quang, Nam - 45 Tuổi: Xin được hỏi bà, trong ngành công nghiệp ghi âm và biểu diễn, liệu chúng ta có một công thức cho ra lò một ngôi sao mang tính đại chúng?

GS Anita Elberse: Tôi nghĩ là không có. Nếu tìm ra được là có khi tôi đã trở thành một Lady Gaga nữa. Nhưng tôi nghĩ là có vài nguyên liệu chung để một người trở nên nổi tiếng. Điều đầu tiên là tài năng, kế đến là sự quyết tâm. Điều khác là có một chiến lược đúng từ người giúp đỡ bạn. Ngay cả khi bạn có những yếu tố trên, thì đôi khi sự may mắn vẫn là quan trọng.

Thi Minh Tú, Nữ - 21 Tuổi: Ở VN hiện nay, âm nhạc đang bị khuấy đảo bởi các chương trình truyền hình thực tế. Các chương trình này cho ra lò rất nhiều ngôi sao là người thắng cuộc. Theo bà thì sau khi rời cuộc thi, họ có khả năng tham gia vào ngành biểu diễn như một ngôi sao ca nhạc thực sự?

{keywords}

GS Anita Elberse: Tôi nghĩ đúng là như vậy. Có rất nhiều ngôi sao sinh ra từ các chương trình giải trí như American Idol chẳng hạn như Kelly Clarkson. Lợi thế lớn nhất là thông qua các gameshow truyền hình là họ được truyền thông miễn phí, giúp họ có cơ hội nhiều hơn khi họ muốn tham gia vào thị trường âm nhạc.

Trương Quang, Nam - 47 Tuổi: Xin hỏi bà, một khi bom tấn (blockbuster) đã được tạo ra, người ta làm cách nào để duy trì nó như một cỗ máy hái ra tiền?

GS Anita Elberse: Một trong những ví dụ công ty đã làm được điều này là Marvel, hãng đã làm Spider Man. Tôi đã có cơ hội nói chuyện với giám đốc của hãng này. Tôi biết họ đã làm rất nhiều thứ bên ngoài phim ảnh để giúp nó hái ra tiền lâu. Họ làm ra các tập truyện tranh về nhân vật người nhện khiến khán giả thích thú hơn. Hoặc làm các đồ chơi để tiếp cận với trẻ con, những người chưa biết đọc hoặc chưa xem phim được. Họ không cho khán giả suốt ngày phải ăn "món" người nhện, họ giãn ra và xen vào đó là người sắt, Hulk... Và thực tế là họ thu được rất nhiều tiền từ các sản phẩm ăn theo người nhện như quần áo in hình ảnh người nhện.

Nguyễn Thanh Tâm, Nữ - 21 Tuổi: Tôi thấy làng giải trí (showbiz) thường có rất nhiều scandal. Theo bà, scandal có giúp quảng bá cho một sản phẩm hay một cá nhân, khiến nó trở thành bom tấn?

GS Anita Elberse: Điều đó buồn đấy. Nó có thể xảy ra. Miley Cyrus, Kim Kardashian là ví dụ. Cách nổi tiếng thế này rất nhanh nhưng ngắn. Nếu được lựa chọn trở thành nghệ sĩ, tôi sẽ chọn theo cách thông thường, từ từ đi lên. Một trong những ví dụ scandal làm mất rất nhiều tiền đó là Tiger Woods. Khi anh ta vướng vào scandal thì các nhà tài trợ rời bỏ anh ta.

Phương Linh, Nữ - 25  Tuổi: Thưa giáo sư, trước đây tôi có đọc một bài báo nói rằng với các diễn giả khoa học và hàn lâm cũng nên được xuất hiện và tổ chức sự kiện theo cách thức của một ngôi sao. Bà nghĩ sao về ý kiến này và theo bà, liệu điều đó có khả thi hay không? Thảm đỏ và sự hào nhoáng có phải chỉ dành riêng cho giới showbiz? Bà có đề xuất nào để các nhân vật ở những lĩnh vực hàn lâm hơn có thể thu hút được sự chú ý của công chúng gần như những ngôi sao giải trí?

{keywords}

GS Anita Elberse: Tôi nghĩ là giới học giả chỉ nên lên VietNamNet để PR cho sách của mình (cười). Theo ý kiến của tôi, các học giả chỉ nên tập trung vào công việc nghiên cứu của mình thôi.

Nam Anh, Nam - 35 Tuổi: Nguyên tắc kinh doanh dựa trên các bom tấn mà bà đưa ra có gì khác so với nguyên lý 80/20 của Pareto?

GS Anita Elberse: Nghiên cứu của tôi cho thấy thị trường dành cho giải trí online rất khắc nghiệt. Ví dụ như trong ngành công nghiệp âm nhạc ở Mỹ, 95% sản phẩm âm nhạc tung ra thị trường thì chỉ 5% thành công. Còn lý thuyết của Pareto nói 80% sản phẩm trên thị trường sẽ thất bại, 20% thành công là không chính xác.

Linh Đan , Nữ - 43 Tuổi: Theo như một số trích dẫn về nghiên cứu của bà, liệu có phải các sự kiện được tổ chức rầm rộ sẽ là cách thu hút và giúp tiêu thụ sản phẩm được tốt nhất? Cách bán hàng nhờ sự kiện sẽ là cách bán hàng có lợi nhất?

GS Anita Elberse: Điều đó đúng. Tuyệt đối đúng. Có thể bạn không còn cần mua sách tôi nữa, bởi vì bạn đã hiểu nó rất rõ rồi đấy. Đó gọi là chiến lược bom tấn. Khi bạn có một sản phẩm thì bạn phải làm mọi cách để mọi người hiểu và mua nó. Đó là lý do tại sao mà phim bom tấn cũng được gọi là phim sự kiện (event film).

Cảm ơn các bạn vì những câu hỏi rất hay. Tôi thật hân hạnh được trò chuyện với các bạn Việt Nam. Nếu bạn còn câu hỏi nào, có dịp đến Boston (Mỹ) thì hãy gọi cho tôi.

Ban Văn hóa
Ảnh: Lê Anh Dũng