- Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Thủ đô Hà Nội được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã khẳng định như vậy trong buổi lễ đón nhận bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với lễ hội Bình Đà diễn ra sáng nay (5/4) tại huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Theo ông Nguyễn Hồng Yên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai, Bình Đà là vùng đất còn lưu giữ nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn của cư dân Việt cổ. Lễ hội Bình Đà là một lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử sâu sắc với nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, khác lạ như lệ cúng bò, lễ rước và thả bánh thánh…
Cụ từ của đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân lên nhận bằng công nhận lễ hội Bình Đà là di sản văn hóa phi vật thể. |
Ông Nguyễn Hồng Yên cũng cho biết chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội thờ Thánh Tổ Lạc Long Quân. Theo đó, huyện Thanh Oai và xã Bình Minh tập trung tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa lễ hội, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị to lớn của lễ hội. Đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng bảo vệ các hình thức sinh hoạt, nghi lễ truyền thống và thực hành lễ hội; có kế hoạch phục hồi các lễ tiết truyền thống.
Hàng năm, lễ hội Bình Đà được tổ chức ở khu vực đền thờ Thánh tổ Lạc Long Quân và đình thờ Linh Lang Đại vương (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhằm tưởng nhớ công lao của tiền nhân và giáo dục truyền thống lịch sử, “uống nước nhớ nguồn” cho cộng đồng.
Lễ hội Bình Đà trước đây diễn ra từ ngày 26/2-6/3 Âm lịch hàng năm. Những năm gần đây, lễ hội này được tổ chức tập trung trong 3 ngày từ 4-6/3 Âm lịch.
Năm nay, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Oai (Hà Nội) phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triển khai đề án nâng cấp lễ hội Bình Đà.
Theo đó, lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn hơn và có nhiều điểm mới so với những năm trước. Bên cạnh việc phục dựng một số nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian, ban tổ chức đưa vào không gian lễ hội những yếu tố văn hóa đương đại: Trình diễn ánh sáng bằng công nghệ hiện đại vào các buổi tối trong thời gian diễn ra lễ hội diễn ra lễ hội và trình diễn bức thư pháp “khổng lồ” Vi Bách Việt Tổ.
Bức thư pháp “khổng lồ” – kỷ lục chưa từng có trong lễ hội truyền thống. |
Lễ hội Bình Đà vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng BTC đã táo bạo nâng cấp lễ hội bằng cách đưa vào 2 phần trình diễn hoàn toàn mới và lần đầu tiên diễn ra tại lễ hội truyền thống tại Việt Nam này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Người ta quan ngại rằng việc kết hợp giữa đương đại và truyền thống nếu không khéo sẽ phá hỏng di sản.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh- Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng “phá hoại chứ nâng cấp cái gì? Lễ hội của dân thì cần gì tới đạo diễn, kịch bản làm gì?”. Cục Di sản đã ngay lập tức gửi công văn đến Sở Văn hoá-Thể thao- Du lịch Hà Nội yêu cầu hạn chế các hoạt động cải biên lễ hội Bình Đà.
Trong khi đó, PGS Bùi Quang Thắng - Viện Văn hóa nghệ thuật VN- người đã mất cả tháng trời để chỉ đạo phục dựng lễ hội Bình Đà cho rằng: “Tôi có cầm búa phá một viên gạch nào của di sản đâu. Giá trị của lễ hội không chỉ nằm ở sự đánh giá của một vài nhà khoa học, mà còn nằm ở sự thừa nhận của cộng đồng. Tôi làm lễ hội ở đâu người dân cũng rất đồng tình. Thế là tôi vui rồi”.
T.Lê