- Đưa nghệ thuật đến gần với cuộc sống hơn chính là mục tiêu xuyên suốt của chuỗi chương trình nghệ thuật Davines. Chính vì vậy, địa điểm được lựa chọn để triển lãm luôn gây bất ngờ cho người xem.

{keywords}
Tác phẩm của Lê Quốc Việt

2 năm trước, tại một khách sạn, triển lãm trưng bày những bức tranh đầy màu sắc của họa sĩ Đào Hải Phong và loạt ảnh đen trắng của nhiếp ảnh Ngọc Thái đã được giới mộ điệu tán thưởng. Sự đối nghịch về màu sắc và chất liệu từ tác phẩm của hai nghệ sĩ hóa ra lại mang đến những hiệu ứng bất ngờ. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm chỉ toàn triển lãm tại nước ngoài, người yêu tranh Đào Hải Phong lại được thấy những tác phẩm của anh tại Hà Nội. 

Lần thứ 2 tổ chức, 1 năm sau đó, tại một 'đại siêu thị', người ta lại bất ngờ vì địa điểm nhà tổ chức lựa chọn. Bởi xưa nay chưa ai dám chọn một nơi như vậy để bày tranh và các tác phẩm điêu khắc 'khó hiểu' vốn trước đó chỉ thuộc về các bảo tàng hay phòng triển lãm chính thống. Cũng vì sự lựa chọn này mà nhiều người chưa từng bước chân vào 1 gallery biết thế nào là một triển lãm nghệ thuật.

{keywords}
Các tác phẩm của Nguyễn Tuấn

Ở lần thứ 3 tổ chức sắp tới, ngày 10/4 này, những người yêu nghệ thuật lại được tiếp tục tham gia vào một cuộc chơi thú vị khác. Một cuộc triển lãm các tác phẩm gốm, điêu khắc gốm của 6 tác giả sẽ được tổ chức trong vòng 10 ngày và địa điểm được lựa chọn là Tràng Tiền Plaza.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, ở chương trình lần sau, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới ông có tham vọng làm một cuộc triển lãm sắp đặt tại một trong những bến xe bus đông đúc nhất Hà Nội là khu vực gần chân cầu Long Biên. Địa điểm tiếp theo có thể là một chợ làng nào đó dành cho những khán giả ở nông thôn, “để nghệ thuật đến gần với cuộc sống hơn, hiểu theo nghĩa đen nhất của cụm từ này".

Ngoài địa điểm tổ chức, Lê Thiết Cương nói ông muốn nghệ thuật đến gần hơn với công chúng bằng cách lựa chọn những tác phẩm không đánh đố người xem và không quá nhiều chuyên môn.  

{keywords}
Tiêu chí là không bày ra những triển lãm khó hiểu với công chúng bình dân.

Còn với triển lãm lần này, tại sao lại là gốm? Họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của chuỗi chương trình này nói: "Nước Việt có truyền thống về gốm, lịch sử mỹ thuật Việt Nam chính là lịch sử của gốm. Lịch sử mỹ thuật của người Việt là lịch sử của điêu khắc và gốm bởi hội họa tới đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện. Bản thân chất liệu đó vô cùng thân thuộc và gần gũi với người Việt".  

Chính vì vậy, lần này gốm, điêu khắc gốm sẽ là chất liệu chính của chương trình số 3. Tại sự kiện khai mạc, một nghệ nhân sẽ được mời tới làm các sản phẩm gốm trên bàn xoay để người xem dễ hình dung và tăng độ hấp dẫn cho triển lãm. Đặc biệt, tại triển lãm lần này Lê Thiết Cương cũng sẽ giới thiệu 3 bức tranh gốm như một nghệ sĩ khách mời.  

Bên cạnh đó, đích thân giám tuyển sẽ tự viết một bảng thuyết minh về mỗi cụm tác phẩm của các tác giả tham gia triển lãm như một đường dẫn để người xem dễ dàng tiếp nhận. Lê Thiết Cương nói sở dĩ ông làm việc này là vì muốn đưa nghệ thuật đến gần với cuộc sống. "Trong nghệ thuật trình diễn và nghệ thuật sắp đặt vốn tương đối khó hiểu so với hội họa giá vẽ, lời bình của chính tác giả là 1 phần của tác phẩm. Việc viết lời bình về quan điểm nghệ thuật, tác phẩm của nghệ sĩ tham gia triển lãm cũng cũng là cách để người xem dù không có nhiều kiến thức về loại hình nghệ thuật đó cũng hiểu được". 

Chương trình nghệ thuật Davines Art Series 2014 (diễn ra từ 10-20/4 tại Tràng Tiền Plaza, HN) lấy chủ đề xuyên suốt là Nghệ thuật gốm Việt. Triển lãm gồm 6 họa sỹ là: Nghệ nhân Nguyễn Việt, họa sỹ Nguyễn Khắc Quân, họa sỹ Nguyễn Tuấn, họa sỹ Lê Quốc Việt, họa sỹ Nguyễn Quang Thu, nghệ nhân Phạm Anh Đạo và họa sỹ khách mời Lê Thiết Cương.

Hoàng Vy